Một số kết quả đạt được qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

Thứ tư - 10/04/2024 09:21 23 0
Nhận thức sâu sắc vai trò của Văn học nghệ thuật (VHNT), Đảng ta khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh nước ta đang bước vào trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, hoạt động VHNT nước nhà nói chung, của tỉnh Tây Ninh nói riêng đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt; quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển VHNT.

Trong lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm. Quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ được đảm bảo; hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, phát huy sáng tạo của văn nghệ sĩ đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các đợt vận động sáng tác hằng năm; giao lưu và thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh…góp phần nâng cao số lượng, chất lượng của tác phẩm VHNT. Tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng VHNT Xuân Hồng (tổ chức trao giải 5 năm/01 lần); kết quả, qua 03 lần tổ chức ghi nhận nhiều công sức đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh, với những tác phẩm có giá trị đỉnh cao lưu giữ cho các thế hệ nối tiếp.

Hàng năm, Hội VHNT tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên tham gia hoạt động sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2010 – 2022, có 336 tác phẩm/157 tác giả tham gia xét chọn. Hội đồng sơ khảo tỉnh xét chọn 52 tác phẩm có giá trị về nội dung và chất lượng cao về nghệ thuật, gửi tham gia xét chọn Giải thưởng cấp Trung ương và trao giải thưởng cấp tỉnh; kết quả, đạt 03 giải thưởng khuyến khích và 01 giải thưởng khuyến khích tập thể trong công tác quảng bá tác phẩm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm VHNT có chất lượng định hướng thẩm mỹ cho công chúng bằng những hình thức phù hợp để đưa tác phẩm đến với công chúng.

Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình thường xuyên được củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng; Tổ Lý luận phê bình VHNT của tỉnh gồm 16 thành viên là lãnh đạo Hội VHNT và một số hội viên có năng lực viết bài lĩnh vực VHNT; hàng năm được tham gia các lớp tập huấn do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức; triển khai phổ biến các chuyên đề tập huấn “Xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” nâng cao nhận thức, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên phụ trách, nghiên cứu về lý luận, phê bình VHNT thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Hội đồng thẩm định nghệ thuật thực hiện thẩm định các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và các đoàn nghệ thuật được thành lập hoạt động theo Luật doanh nghiệp; với quy chế hoạt động chặt chẽ, tiêu chí thẩm định từng loại hình cụ thể và luôn quan tâm đến vấn đề phản biện xã hội, hơn 15 năm qua, chưa để xảy ra việc phát hành, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật lệch về tư tưởng, kém về nghệ thuật.

Công tác lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú được thực hiện tốt (có 06 Nghệ sĩ ưu tú, 14 Nghệ nhân ưu tú); thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho hội viên thông qua tổ chức các trại sáng tác, các chuyến giao lưu thâm nhập thực tế, tham dự hội thảo; cử nhiều lượt cán bộ Hội tham gia lớp tập huấn do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức hằng năm, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Toàn tỉnh có 241 hội viên (124 hội viên đảng viên), so với thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 tăng 13 hội viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa, VHNT được các cấp, các ngành quan tâm; duy trì việc mở các lớp đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên ngành nhạc, họa, văn học, thông tin thư viện, đảm bảo đủ giáo viên chuyên ngành giảng dạy tại các trường THCS; phối hợp với Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đại học văn hóa quần chúng hệ tại chức (79 sinh viên) và có trên 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở tham gia các lớp tập huấn do Trung ương và tỉnh tổ chức.

Trong 15 năm qua, công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội, chi hội VHNT luôn được quan tâm, Hội VHNT tỉnh tổ chức thành công 04 lần đại hội; lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Hội VHNT tỉnh và Hội VHNT huyện Gò Dầu ngày càng tinh gọn. Hiện nay, Hội VHNT tỉnh có các đơn vị trực thuộc gồm Văn phòng, Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh, 06 chi hội chuyên ngành (Văn học, Văn nghệ dân gian, Âm nhạc & Múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Sân khấu) và 04 chi hội huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu và Thị xã Trảng Bàng, Tân Châu.

Nội dung, phương thức lãnh đạo và hoạt động của Hội VHNT luôn được quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả tập hợp hội viên, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo, tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; nắm bắt tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ; xây dựng các CLB, tạo điều kiện cho những người yêu thích các loại hình VHNT tham gia sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, sáng tạo tác phẩm; thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng, định hướng sáng tác cho hội viên, đi sâu vào thể loại bút ký, truyện ngắn, bài ca vọng cổ, kịch bản ngắn sân khấu, ca khúc tân nhạc phổ thông, ca khúc nghệ thuật, sáng tác ảnh nghệ thuật thể loại phong cảnh, du lịch; bình quân hàng năm tổ chức ít nhất 01 cuộc thi, liên hoan; 02-03 cuộc triển lãm, 03-05 lớp tập huấn, trại sáng tác và 12 đợt thực tế sáng tác; nhiều văn nghệ sĩ tỉnh Tây Ninh tham gia các cuộc thi sáng tác và đạt được các giải thưởng của Trung ương hoặc cấp khu vực tổ chức, đặc biệt chuyên ngành nhiếp ảnh đạt giải Quốc tế.

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng từng bước phát huy hiệu quả; các đội tuyên truyền lưu động xây dựng chương trình văn nghệ cổ động, kịch bản, tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền phục vụ Nhân dân; thường xuyên tạo điều kiện tổ chức hoạt động trình diễn, sử dụng, truyền bá các tác phẩm VHNT sáng tác mới thông qua triển lãm, hội thi, hội diễn, sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa, phát triển các phong trào văn nghệ quần chúng; nhiều CLB hát với nhau, đội văn nghệ quần chúng, CLB, đội, nhóm hình thành tổ chức biểu diễn, giới thiệu tác phẩm VHNT; một số dân tộc thiểu số xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ trong cộng đồng và được mời tham gia các chương trình lớn của tỉnh, khu vực và quốc gia.

Hệ thống thư viện phát triển đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, là kênh thông tin quan trọng giới thiệu, phổ biến đến người đọc tác phẩm VHNT do văn nghệ sĩ sáng tác. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể, phi vật thể được chú trọng; có 95 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (01 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh), 08 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 01 di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO công nhận (Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ) và 07 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, là nguồn đề tài, cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo tác phẩm tinh thần, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, VHNT truyền thống của dân tộc, địa phương. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; các thiết chế văn hoá phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng; có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Toàn tỉnh có 12 nhà văn hóa dân tộc là nơi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất; truyền dạy văn hóa truyền thống, lưu giữ những nét độc đáo, nét riêng của từng dân tộc.

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân; thực hiện tốt định hướng tư tưởng, chính trị cho văn nghệ sĩ trước vấn đề phức tạp, nhạy cảm; động viên văn nghệ sĩ tích cực chống các biểu hiện sai trái, lệch lạc trong hoạt động VHNT. Đội ngũ văn nghệ sĩ đam mê sáng tác, quyền tự do sáng tác được đảm bảo, thúc đẩy hoạt động sáng tác diễn ra sôi nổi, đa dạng; tác phẩm sáng tác bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đời sống xã hội, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, từng bước đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân./.

Tác giả: Giàu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây