Nghị định gồm 4 chương, 25 điều nhằm áp dụng đối với Cộng đồng dân cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận.
Việc rà soát, đánh giá thực hiện hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thực hiện hằng năm và được tiến hành vào thời điểm diễn ra Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hoặc một ngày quan trọng được cộng đồng dân cư thống nhất. Hình thức tổ chức thông qua cuộc họp hoặc lồng ghép trong hội nghị của cộng đồng dân cư do Trưởng ấp, khu phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư.
Nghị định số 61/2023/NĐ-CP quy định, thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước là UBND cấp xã; đồng thời bổ sung, làm rõ trình tự, thủ tục công nhận, hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước để phù hợp với quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đối với hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 61/2023/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện cho đến khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định.
Đối với hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 61/2023/NĐ-CP thì cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước mới thay thế trước ngày 31/12/2023.
Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2023 và thay thế Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Tác giả: Thuý Quỳnh
Ý kiến bạn đọc