Tổng kết thi hành luật xử lý vi phạm hành chính từ 02/7/2012 đến 31/3/2017 thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 06/07/2017 00:00 93 0

Tổng kết thi hành luật xử lý vi phạm hành chính từ 02/7/2012 đến 31/3/2017 thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013; nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương, quản lý hành chính, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức cá nhân; tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả hành vi vi phạm hành chính trong tình hình mới, phù hợp với cơ chế mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Luật XLVP hành chính tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động đời sống, chính trị, xã hội, trong đó có các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch như văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo và phòng, chống bạo lực gia đình.

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC QUA TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TỪ 02/7/2012 ĐẾN 31/3/2017 THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH:

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của ngành trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đến toàn thể công chức và người lao động thuộc Sở nắm và triển khai thực hiện đúng quy định. Các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, Sở đã tổ chức phổ biến thông qua các cuộc họp cơ quan, Chi bộ, Công đoàn và thông qua "Ngày pháp luật" của cơ quan. Ngoài ra, Sở trực tiếp triển khai hoặc chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố triển khai các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Tư pháp, Công an Tây Ninh tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra ở các huyện, Thành phố trong tỉnh; chia thành 03 cụm: Tân Biên, Gò Dầu và Thành phố Tây Ninh. Đối tượng tham gia lớp tập huấn là thành viên 02 Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội tỉnh, thành viên Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các huyện, Thành phố; Đội trưởng và Đội phó Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Nội dung tập huấn đã triển khai các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 158/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, tất cả công chức thanh tra, thanh tra viên của Thanh tra Sở đều được tham gia lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính do Học viện tư pháp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các lớp tập huấn do Sở Tư pháp tổ chức. Qua các lớp tập huấn, đội ngũ công chức Thanh tra Sở được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của ngành văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Từ 02/7/2012 đến ngày 31/3/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành 271 cuộc kiểm tra chuyên ngành và liên ngành văn hóa - xã hội tỉnh, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 97 trường hợp với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 538.000.000đ.

Nhìn chung, đa số các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo trên địa bàn tỉnh tuân thủ những quy định pháp luật trên lĩnh vực kinh doanh có liên quan. Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp vi phạm hành chính phổ biến như: kinh doanh karaoke không đảm bảo đủ ánh sáng trong phòng hát, sử dụng nhân viên phục vụ trong phòng quá quy định, hoạt động quá giờ; các đơn vị biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập hoạt động không đúng với nội dung ghi trong giấy phép, tự ý thêm, bớt, lời ca, lời thoại khi biểu diễn; các cơ sở lưu trú không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú theo quy định, không treo Quyết định công nhận cơ sở lưu trú của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không gắn biển hạng cơ sở lưu trú sau khi đã được xếp hạng; các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khi chưa thông báo nội dung quảng cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền, thực hiện quảng cáo không đúng với nội dung đã được thông báo, quảng cáo sai vị trí đã được thông báo, không tháo dỡ quảng cáo khi hết thời gian quy định, quảng cáo quá số lượng trong hồ sơ thông báo quảng cáo; các cơ sở kinh doanh cửa hàng băng đĩa không tem nhãn…

Hầu hết các trường hợp vi phạm hành chính nêu trên là do người dân chưa hiểu rõ những quy định trong hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được sâu rộng đến người dân trên địa bàn; đối với các trường hợp này, khi Đoàn kiểm tra phát hiện chủ yếu lập biên bản làm việc nhắc nhở tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành đúng quy định. Còn đối với một số ít trường hợp doanh nghiệp, cá nhân nắm rõ quy định hoặc đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm thì luôn được xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh và kịp thời theo đúng quy định pháp luật.

Căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Chánh Thanh tra Sở. Hình thức xử phạt chính thường xuyên được áp dụng là phạt tiền. Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục hậu quả thường xuyên được áp dụng như buộc tháo dỡ bảng quảng cáo, băng rôn treo dựng, đặt gắn không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng rôn hết hạn ghi trong thông báo; buộc tháo dỡ đối với bảng quảng cáo không có giấy phép xây dựng.

NHỮNG KHÓ KHẮN, VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH:

Khó khăn, vướng mắc, bất cập:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính nhưng 07 ngày trong tuần thực chất chỉ có 05 ngày làm việc và 02 ngày nghỉ, với thời gian này việc tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc vi phạm có liên quan đến 02 ngành trở lên hoặc vượt thẩm quyền sẽ gặp khó khăn, không đảm bảo thời gian quy định.

  Đồng thời, tại khoản 1 Điều 66 quy định trong trường hợp phức tạp cần xác minh thì thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gia hạn 30 ngày nhưng không quy định rõ như thế nào là trường hợp phức tạp nên dẫn đến tình trạng vận dụng áp dụng pháp luật không thống nhất.

- Tại Khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xác định thầm quyền đối với từng chức danh được xác định theo tỷ lệ phần trăm khi xử phạt cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Đối với tổ chức, thẩm quyền xử phạt này được xác định là gấp 2 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Tuy nhiên thẩm quyền xử phạt tăng gấp đôi này lại chỉ được xác định trong trường hợp phạt tiền mà không đề cập đến giá trị tịch thu của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; chưa xác định giới hạn của thẩm quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tương xứng với việc xử phạt tiền của các chức danh.

- Ý thức chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc, không tự giác chấp hành, trì hoãn kéo dài thời hạn thi hành quyết định, một số cá nhân vi phạm hành chính bỏ địa phương đi làm ăn xa.

- Công tác cưỡng chế tài sản để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn phức tạp, chế tài áp dụng cưỡng chế vừa thiếu vừa bất cập dẫn đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trên thực tế thực hiện rất khó khăn. 

Căn cứ thực tiễn trong tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, kiến nghị với các ngành, các cấp một số vấn đề:

-  Đối với Trung ương: Đề nghị sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như đã nêu trên, để đảm bảo hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày càng hoàn thiện.

- Đối với Sở Tư pháp: Đề nghị tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, nhất là lực lượng xử lý của cấp xã, phường để áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thống nhất.

- Đối với Ủy ban Nhân tỉnh: Đề nghị bố trí nguồn kinh phí mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Nhìn chung, công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thuộc phạm vi quản lý của Sở VHTTDL được áp dụng theo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa quan trọng cả về thực tiễn và lý luận; tăng cường tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm hành chính, thiết lập trật tự, kỷ cương trong đời sống xã hội; góp phần đắc lực vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân./.

                                                                                      

                                                                                      HUY HOÀNG

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây