Việc cụ thể định hướng phát triển lĩnh vực thể dục thể thao cũng như kinh tế thể thao đã được Thủ tướng đề cập chi tiết trong nội dung của Quyết định số 2160/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" trong đó có nêu rõ: “Tăng cường phát triển kinh tế thể thao, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể dục, thể thao; thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thể dục thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể dục thể thao.”
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong TDTT đã bắt đầu phát huy tác dụng, đưa các hoạt động thể thao vào đời sống hàng ngày của người dân, từ học sinh, sinh viên cho đến công nhân, viên chức và người lao động. Các dịch vụ như yoga, thể hình, quần vợt, cầu lông, bóng đá mini, bể bơi, pickleball … phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nhận thấy TDTT cũng là một ngành kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, trong những năm gần dây, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những sự quan tâm lớn đến phát triển kinh tế thể thao tại các địa phương trên cả nước.
Tiềm năng phát triển kinh tế thể thao tại Tây Ninh
Tây Ninh là một tỉnh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Campuchia và nằm gần các trung tâm công nghiệp lớn như TP.HCM, Bình Dương, và Long An. Với địa hình đồng bằng, khí hậu ôn hòa và ít chịu ảnh hưởng thiên tai, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và KTTT nói riêng. Với địa hình là đồng bằng, khí hậu nhiệt đới ít chịu thiên tai, phía nam giáp với khu kinh tế lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình chính trị ổn định, tỉnh Tây Ninh có nhiều điều kiện để phát triển nền kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế thể thao nói riêng.
Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư từ ngân sách, đồng thời đẩy mạnh mời gọi đầu tư xã hội hóa từ tư nhân đầu tư cơ sở vật chất cho ngành thể thao, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số cơ sở thể thao, cụm sân thể thao đảm bảo tiêu chuẩn ở các bộ môn như: bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, cầu lông... đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế thể thao tỉnh nhà, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội.
Nhân dân tỉnh nhà thể hiện niềm đam mê, khát khao nhu cầu trong thụ hưởng các hoạt động thể dục thể thao, được thể hiện qua số liệu tổng số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm 2024 là trên 35,7% tổng số dân; Số hộ gia đình thể thao năm 2024 trên 27,5% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Thể thao quần chúng tỉnh Tây Ninh có sự phát triển nhanh trong thời gian qua. Việc xã hội hóa TDTT ngày càng đi vào thực tiễn với những bước tiến cụ thể, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư và doanh nghiệp trong việc xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất.
Phát triển các cơ sở kinh doanh thể thao
Cùng với sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, hoạt động TDTT của tỉnh đã có bước phát triển với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; nhu cầu chính đáng về tham gia hoạt động cũng như hưởng thụ các giá trị của TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao; chủ trương xã hội hoá TDTT ngày càng được khẳng định trong thực tiễn với những bước đi, cách làm cụ thể, qua đó làm tăng nhu cầu phát triển mạnh mẽ các dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn của tỉnh có gần 300 cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục, thể thao; trong đó có 76 cơ sở hoạt động bơi lặn, trên 50 cơ sở hoạt động thể hình, trên 50 cơ sở hoạt động bóng đá mini cỏ nhân tạo, trên 100 cơ sở hoạt động yoga, còn lại là các môn thể thao khác như: cầu lông, bóng bàn, thể dục thẩm mỹ, bóng chuyền, võ thuật, billards, patin,... Trong đó, có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao có sự đầu tư kinh phí lớn về điều kiện cơ sở vật chất và dụng cụ trang thiết bị tập luyện; xây dựng cơ sở rộng rãi, thoáng mát thu hút nhiều người tham gia tập luyện; đáp ứng nhu cầu tập luyện vui chơi, giải trí của nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người tham gia hoạt động thể thao nhằm rèn luyện thân thể, đảm bảo sức khỏe, đồng thời góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Ngoài loại hình kinh doanh của các cơ sở thể thao, kinh tế thể thao còn bao gồm kinh doanh của Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các cơ sở sản xuất, buôn bán hàng hóa, dụng cụ thể thao. Tuy nhiên hai loại hình không có sự phát triển và không có nhiều đóng góp vào kinh tế thể thao nói riêng, kinh tế của tỉnh Tây Ninh nói chung.
Kinh tế thể thao không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Với vị trí địa lý chiến lược và những điều kiện thuận lợi, Tây Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thể thao trong thời gian tới. Trong đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy kinh tế thể thao tỉnh Tây Ninh thực sự phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cơ sở kinh doanh Cầu lông Đậu Đậu, phường 3, Thành phố Tây Ninh
Tác giả: Lê Kiên
Ý kiến bạn đọc