Phát triển thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn mới

Thứ năm - 31/10/2024 10:02 70 0
Phong trào thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến, đặc biệt là thể thao quần chúng và công tác xã hội hoá, kinh doanh thể thao, góp phần từng bước nâng cao vị thế thể thao tỉnh nhà.

Đối với thể dục thể thao quần chúng:

Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền, phong trào TDTT tại Tây Ninh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trên toàn tỉnh hiện nay tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên đạt 35.7%, số gia đình thể thao đạt 27.5%. Mỗi năm tỉnh Tây Ninh tổ chức trên 600 giải thể thao ở các cấp: tổ chức từ 25 – 30 giải thể thao cấp tỉnh, cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế; cấp huyện tổ chức từ 08 - 12 giải, cấp xã tổ chức từ 04 - 07 giải. Có 450 Câu lạc bộ TDTT cơ sở được thành lập và tổ chức hoạt động theo Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL, ngày 02/12/2011 của Bộ VHTT&DL. Có 10 tổ chức Xã hội – Nghề nghiệp TDTT cấp tỉnh được thành lập và hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/10/2010 của Chính phủ, mỗi năm các Tổ chức này đều huy động được một số nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động, tập luyện, thi đấu của đơn vị. Trên địa bàn tỉnh hiện có 280 Cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao với đa dạng các loại hình như: bóng đá, bơi lội, bóng bàn, cầu lông, yoga, thể hình, võ thuật, …

Hiện nay, tỉnh có 94 thiết chế Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng gắn với 94 xã, phường, thị trấn là các đơn vị sự nghiệp về văn hoá, thể thao cấp xã; có 09 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh gắn với 09 huyện, thị xã và thành phố là đơn vị sự nghiệp văn hoá, thể thao cấp huyện; có 09 Phòng Văn hoá và Thông tin là cơ quan quản lý về văn hoá, thể thao, truyền thanh cấp huyện; cấp tỉnh có Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao với quy mô 05 hecta với các hạng mục đang khai thác sử dụng: 02 sân Bóng đá, đường Pitch điền kinh, 06 phòng tập của Vận động viên, 02 hồ bơi, 01 nhà thi đấu đa năng và 06 sân quần vợt.

Thể thao thành tích cao:

 Công tác phát triển và đào tạo vận động viên các tuyến đúng hướng, tập trung đào tạo theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Từng bước đi vào đào tạo chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm đối với các môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể mạnh của tỉnh như: Taekwondo, võ Cổ truyền, Kickboxing, bóng bàn, bóng đá các tuyến trẻ để tham gia tranh chấp huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế.

Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã đăng cai tổ chức thành công nhiều giải đấu cấp khu vực, quốc gia, quốc tế; qua đó quảng bá hình ảnh quê hương, con người Tây Ninh với bạn bè trong và ngoài nước.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, sinh hoạt của vận động viên từng bước hoàn thiện, nâng cấp. Duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình thể thao trên địa bàn tỉnh để đáp ứng cho việc tập luyện và tổ chức các giải thể thao của tỉnh, giải thể thao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế.

Với mục tiêu của nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của mỗi người dân, mỗi gia đình; từng bước đưa thể thao Tây Ninh đạt thứ hạng cao tại các giải quốc gia, các kỳ đại hội thể thao toàn quốc… Đồng thời đẩy mạnh các loại hình kinh doanh, dịch vụ thể thao, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân; thông qua hoạt động TDTT để quảng bá hình ảnh Tây Ninh đến du khách trong và ngoài nước. Đối với thể thao thành tích cao, phát triển theo chiều sâu, đề cao chất lượng và tính ổn định.

Theo đó, Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 24/7/2024 của Tỉnh ủy  đề ra một số chỉ tiêu phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 với những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Về thể thao thành tích cao: Phấn đấu đạt thứ hạng 40/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2035 đạt thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố trên cả nước;

- Về thể thao quần chúng: Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2030 đạt trên 40% dân số toàn tỉnh, năm 2035 phấn đấu đạt trên 45%.

- Công trình thể dục thể thao đến năm 2030, định hướng đến năm 2035:

+ Cấp tỉnh: Đến năm 2030 hoàn thiện các hạng mục công trình của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh và bố trí quỹ đất xây dựng Khu liên hợp Thể thao tỉnh.

+ Cấp huyện: 100% huyện, thị xã, thành phố có sân vận động hoặc sân bóng đá 11 người đủ chuẩn và nhà thi đấu; phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố có hồ bơi diện tích mặt nước tối thiểu là 25m x 12,5m.

+ Cấp xã: 100% xã, phường, thị trấn có sân bóng đá 11 người đủ chuẩn và có nhà tập hoặc sân tập thể thao đa môn đơn giản.

Về thể thao trường học: Duy trì số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình nội khóa đạt 100%; nâng cao chất lượng và đa dạng, phong phú chương trình. Số trường học có tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá đạt trên 90% tổng số trường trên toàn tỉnh vào năm 2030, đạt trên 95% vào năm 2035. Tiếp tục duy trì, phát triển môn võ Cổ truyền trong nội dung chính khóa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng bước đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy làm môn tự chọn trong nội khóa và ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Mỗi trường cấp Trung học cơ sở trở lên có ít nhất 01 câu lạc bộ Thể dục thể thao cơ sở đến năm 2030, ít nhất 02 câu lạc bộ vào năm 2035.

100% trường Tiểu học triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh; đến năm 2030 số học sinh Tiểu học biết bơi đạt 40%, học sinh Trung học cơ sở biết bơi đạt 70%; đến năm 2035 số học sinh Tiểu học biết bơi đạt 70%, số học sinh Trung học cơ sở biết bơi đạt 90%.

Từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học. Phấn đấu cải thiện thứ hạng tại Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc.

Về thể thao Lực lượng vũ trang: Số cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt trên 85%. Số cán bộ chiến sỹ trong Quân đội đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt trên 95%.

Tăng cường các hoạt động thể thao thành tích cao, phấn đấu đạt thứ hạng, huy chương tại các giải, hội thao quân khu và toàn quân.

Để thực hiện mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được triển khai gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển TDTT; Công tác tuyên truyền, quản lý quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của TDTT; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho sự nghiệp TDTT…

Tác giả: QLTDTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây