Đảm bảo tương lai cho Bảo Tàng

Thứ sáu - 30/09/2016 15:00 103 0

Đảm bảo tương lai cho Bảo Tàng

Đó là thông điệp mà tôi ấn tượng nhất tại Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn toàn quốc ngành Di sản văn hóa năm 2016 diễn ra từ ngày 22 đến 24/9/2016 tại thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Bảo Tàng tỉnh Tây Ninh 2016


Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn toàn quốc ngành Di sản văn hóa năm 2016 đã dành hơn một nữa thời gian cho hoạt động bảo tàng. Điều đó cho thấy hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã và đang tập trung các hoạt động cho hệ thống bảo tàng các nước, từ đó đề ra các nhiệm vụ hết sức quan trọng cho toàn ngành di sản văn hóa, đó là "Đảm bảo tương lai cho bảo tàng". Đảm bảo tương lai cho bảo tàng cũng có nghĩa là trân trọng quá khứ và luôn luôn đặt nhiệm vụ của toàn ngành di sản văn hóa phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống của lịch sử dân tộc trên 4000 năm văn hiến. Bởi lẽ "Bảo tàng là một cơ quan quan trọng, xác định, ghi lại và duy trì nền văn minh của cộng đồng, của dân tộc; không có bảo tàng, loài người khó mà hiểu được quá khứ, đối mặt với hiện tại để tiến tới tương lai, thưởng thức và học hỏi từ việc làm giàu – trải nghiệm nghệ thuật, lịch sử, khoa học, tự nhiên và vạn vật" Harold K.Skrámtad JRH.

Các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế về di sản văn hóa cho rằng "Mong đợi cơ bản là sự kết nối, bảo tàng thành công phải được kết nối với cộng đồng; đồng thời bảo tàng cần phải biết lắng nghe …" và quan trọng nhất là sau khi lắng nghe chúng ta sẽ làm gì để "đảm bảo tương lai cho bảo tàng". Mục tiêu cơ bản của các bảo tàng ngày nay là phục vụ khách tham quan, ngày càng mở rộng và đa dạng, đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội – nhiều đối tượng khác nhau về tuổi tác, về trình độ văn hóa và sự nhận thức khác nhau của từng đối tượng đến với bảo tàng. Muốn đạt được mục đích tối ưu, ngoài việc xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại, bảo tàng nói chung, bảo tàng các địa phương cũng cần phải tăng tốc hội nhập để không ngừng phát triển. Muốn vậy bảo tàng cần chú trọng việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của địa phương, của lĩnh vực chuyên ngành bảo tàng thông qua các chương trình hoạt động, trưng bày, triển lãm gắn với công nghệ hiện đại không ngừng mở rộng và đa dạng để thu hút khách tham quan.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng, việc "Đảm bảo tương lai cho bảo tàng" cũng rất cần một chiến lược marketing – bảo tàng. Marketing – bảo tàng không phải là một nhiệm vụ mới, nhưng từ trước đến nay nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức marketing – bảo tàng. Mục tiêu của bảo tàng trong bối cảnh hiện nay là mở rộng tri thức và sự đánh giá về nghệ thuật, khoa học, lịch sử, môi trường tới lượng khách tham quan. Nói cách khác marketing là quá trình trao đổi sản phẩm, dịch vụ và giá trị trong đó khách tham quan đóng vai trò trung tâm. Qua đó bảo tàng cung cấp các giá trị để thu hút sự chú ý của nhiều dạng khách tham quan. Khi đã xác định được đối tượng tham quan, nhóm khách tham quan, bảo tàng sẽ đề ra kế hoạch, chương trình, dịch vụ phù hợp dưới cán bộ chuyên môn và đối tượng tham quan, làm cho qui trình đảm bảo sự hài lòng tốt nhất tới đối tượng mà mình phục vụ.

Một yếu tố quan trọng khác nhằm đảm bảo cho tương lai của bảo tàng nữa là chính quyền địa phương các nhà quản lý và viên chức bảo tàng phải nhận ra rằng phải làm cho bảo tàng như một điểm đến du lịch của khách tham quan và là một chủ thể đóng góp cho chất lượng cuộc sống cộng đồng. Muốn vậy các địa phương phải đầu tư tài chính, nhân lực và nội dung hoạt động, phong phú đa dạng cho bảo tàng. Cho nên tại cuộc Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn này Bộ VHTTDL  cũng đã dành trọn buổi chiều ngày 22/9/2016  để tổ chức Hội nghị - Hội thảo chuyên đề " Phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam" quy tụ 17 báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế về bảo tàng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì Hội Nghị - Hội thảo trong báo cáo đề dẫn đã yêu cầu Hệ thống bảo tàng trong cả nước hãy tập trung nâng cao chất lượng đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động bảo tàng; đổi mới hình thức trưng bày đa dạng và phong phú làm cho hệ thống bảo tàng Việt Nam ngày càng phát triển bền vững. Có như thế bảo tàng mới thực sự là nơi bổ sung các giá trị cuộc sống của con người và cho những điều tốt đẹp của xã hội. Chính vì thế, công chúng – những người muốn làm cho phong phú cuộc sống của mình bằng các trải nghiệm trí tuệ, thẩm mĩ – tinh thần, hãy đến với bảo tàng. Và đó chính là sự đảm bảo tương lai cho bảo tàng trong thế kỷ 21 này và có thể mãi mãi cho mai sau.

Ở Tây Ninh, bảo tàng hiện nay đang lưu giữ gần 16.000 tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá. Đây là công sức của các nhà khoa học, các chuyên gia và đội ngũ cán bộ, viên chức bảo tàng có được trong hoạt động nghiên cứu – sưu tầm – bảo quản gần nữa thế kỷ qua. Ngoài ra bảo tàng Tây Ninh cũng đang sở hữu những hiện vật dành cho khu trưng bày ngoài trời có thể nhiều địa phương khác không có. Đó là khối di sản văn hóa vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh. Chúng ta hãy chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị của nó, đó cũng chính là sự "Đảm bảo tương lai cho bảo tàng" ở địa phương./.

Người viết: Võ Hòa Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây