Chính vì vậy việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng và nhà nước ta, nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; đồng thời, thực hiện thắng lợi Nghị Quyết 33-NQ/TW, ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tây Ninh là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm và chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp phủ (nay là cấp tỉnh) từ năm 1836 đến nay. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, với tinh thần đoàn kết, kiên cường trong đấu tranh, cần cù và sáng tạo trong lao động, nhân dân Tây Ninh đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, để lại nhiều di sản văn hóa gắn với quá trình khai khẩn vùng đất Tây Ninh, gắn với các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 09 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh của Tây Ninh vừa có giá trị về lịch sử, dân tộc, văn hoá, vừa đa dạng về loại hình (di chỉ khảo cổ, di tích tín ngưỡng dân gian, di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, danh thắng…) thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu.
Ảnh: Lễ Vía bà Linh sơn Thánh mẫu năm 2024
Nguồn: Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen
Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể không ngừng tăng, từ 02 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào năm 2013, đến nay đã có 09 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, trong đó 01 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và 08 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận (Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật múa Trống Chhay-dăm, Lễ Vía bà Linh sơn Thánh mẫu, Lễ hội Quan lớn Trà Vong tỉnh Tây Ninh, Nghệ thuật chế biến món ăn chay, Nghề làm Muối ớt Tây Ninh, Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh) chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Tây Ninh, đây là một lợi thế vô cùng to lớn để khai thác, phát huy giá trị và phát triển du lịch.
Với các lợi thế nêu trên, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam và hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh trở thành điểm đến, kết hợp trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng riêng có của địa phương, qua đó phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Hội Xuân núi Bà Đen, Hội thề Rừng Rong, Lễ hội Động Kim Quang, Hội Yến Diêu Trì Cung, Vía Đức Chí Tôn, Vía Bà, Lễ hội Quan Lớn Trà Vong... Lễ Kỳ yên tại các Đình, Dinh ông; Lễ Vía Đức Chí Tôn, Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh; các nhạc lễ, trò lễ… gắn với việc tổ chức thường xuyên, định kỳ các sự kiện thương mại, dịch vụ, ẩm thực - văn hoá; đẩy mạnh việc bảo tồn kết hợp khai thác hiệu quả các bản sắc văn hóa, lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh làm phong phú sản phẩm du lịch, hướng đến hình thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Tây Ninh.
Ảnh: Quang cảnh Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2024
Nguồn: Internet.
Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2570/KH-UBND ngày 14/8/2023 về Quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, theo đó, Kế hoạch đã xác định 04 điểm tham quan trọng điểm (gồm: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và Hồ Dầu Tiếng); 13 điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa (gồm: Vườn Di sản Asean - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; Căn cứ kháng chiến Động Kim Quang; Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City; Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chót Mạt; Di tích lịch sử Đình Thanh Phước; Di tích lịch sử Đình An Tịnh; Chùa Khmer Khedol Tây Ninh; Chùa Thiền Lâm Gò Kén; Khu du lịch Long Điền Sơn và Trung tâm Thương mại Long Hoa); 10 hoạt động lễ hội tiêu biểu (gồm: Hội xuân Núi Bà Đen; Đại lễ Đức Chí tôn; Chol-ch’nam thmay; Lễ Hội Quan lớn Trà Vong; Lễ Kỳ yên Đình Gia Lộc; Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu; Lễ hội Dol - Ta; Hội yến Diêu Trì Cung; Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh). Trong thời gian qua, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều động thái tích cực hưởng ứng và thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.
|
|
Ảnh: số hóa 3D Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh
Nguồn: Fanpage Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bên cạnh việc khai thác giá trị di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp đột phá tỉnh có chủ trương đưa các loại hình di sản văn hoá phi vật thể vào khai thác, phát huy giá trị, thu hút phát triển du lịch đối với các loại hình đã được công nhận: trong đó nổi bật là Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (được tổ chức định kỳ 02 năm/lần), Lễ hội Nghệ thuật chế biến các món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2023 với quy mô sự kiện lớn, mang tính đột phá của tỉnh trong việc thu hút đầu tư phát triển du lịch; Tổ chức mang tính thường xuyên việc trình diễn di sản Nghệ thuật Múa trống Chhay - dăm, Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ tại các sự kiện văn hóa, lễ hội, các khu/điểm du lịch của tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong nước và ngoài nước về văn hóa, hình ảnh, con người và vùng đất Tây Ninh.
Đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, thì chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức tác động từ bên trong lẫn bên ngoài đến lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa nói chung và các Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nói riêng ở địa phương, cần tập trung các nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện phương châm "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa": tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thông qua du lịch để đẩy mạnh việc đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật của tỉnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc, giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.
Ảnh: Khai giảng Lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024.
Nguồn: Cổng thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thứ hai, tiếp tục khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích đã được kiểm kê, các làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc trưng của địa phương … Đặc biệt, đẩy mạnh công tác kiểm kê các loại hình văn hóa dân tộc truyền thống để chọn lọc các loại hình tiêu biểu, đặc trưng, đặc sắc để bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, cán bộ và Nhân dân về quy định của pháp luật về di tích, các giá trị của văn hóa truyền thống, nâng cao vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường thông tin, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, truyền thống dân tộc, phát triển du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
|
|
Ảnh: Đoàn viên thanh niên Phường 2 sử dụng mã QR trong hoạt động tham quan và tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn phường.
Nguồn: Fanpage Đoàn Phường 2 Thành phố Tây Ninh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; xử lý vi phạm về di tích và đề xuất khen thưởng các gương điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tác giả: P.QLDL
Ý kiến bạn đọc