Những ngày nắng nóng này, khoảng 7 giờ sáng mọi người đã cảm nhận cái nắng bắt đầu. Nhưng trên đỉnh Núi Bà Đen, thời điểm bắt đầu cho những chuyến săn mây của du khách.
Chị Lan - một du khách đến từ Hậu Giang - đã đi từ rất sớm để đến được săn mây và chiêm bái tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn. Chị tâm sự: “Mình đi cùng gia đình, xuất phát từ 23 giờ đêm, bây giờ có mặt tại đây và cảm giác mây đang lơ lửng trước mặt. Thật không thể tin được.”
Chị Lan là một trong nhiều du khách may mắn được trải nghiệm độc đáo, mới lạ này. Điều tuyệt vời hơn nữa khi chị Lan và nhóm bạn của mình lướt facebook và biết trên đỉnh Núi Bà Đen có hiện tượng “mây hình nón” và chị là người được trực tiếp cảm nhận điều đó trên đỉnh Bà Đen.
Hiện tượng “mây hình nón” hay “mây đĩa bay” là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, khá hiếm gặp. Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds), thường hình thành ở những dãy núi cao. Thông thường mây thấu kính hình thành theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tuỳ vào điều kiện thời tiết, địa hình.
Khi không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi, một loạt các lượt sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các cạnh đặc trưng. Ở một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.
Cùng ngắm những khoảng khắc đẹp này nhé!
Tác giả: Thanh Tùng
Ý kiến bạn đọc