Tham dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Thị Thủy – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đồng chí Phạm S – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Kiều Thúy Nga – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Thư viện; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam…; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố, Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện đại học, cơ sở đào tạo ngành thư viện…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 là dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển thư viện và văn hóa đọc của đất nước. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời của nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và bất cập cần tháo gỡ. 05 năm qua, hoạt động thư viện tuy có đổi mới và khởi sắc nhưng chưa thực sự có bứt phá để thực hiện đúng vai trò của mình. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, người làm công tác thư viện làm rõ một số nội dung về tình hình triển khai và kết quả thực thi Luật Thư viện; các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện với kết quả công tác tổ chức thi hành Luật.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 10 báo cáo tham luận tập trung vào các nội dung: Đánh giá sơ kết tình hình triển khai và kết quả 05 năm thực thi Luật Thư viện; Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; Đánh giá thực tiễn triển khai các quy định, một số nội dung chính của Luật Thư viện như: quản lý, củng cố và phát triển mạng lưới thư viện; đổi mới hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa tại cơ sở, phục vụ người dân tự đọc, tự học suốt đời; thực hiện phân cấp trong quản lý hoạt động thư viện; mô hình thư viện hoạt động hiệu quả; công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xã hội đối với việc phát triển thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; giải pháp xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; Đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế; tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, biểu dương các Sở VHTTDL, Sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam suốt 05 năm qua đã không ngừng cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành góp phần tích cực vào công tác điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ cũng như tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta giai đoạn vừa qua.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã có phiên thảo luận nhóm, với những chủ đề như: Xác định các hoạt động thư viện cần bổ sung văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; Thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai hoạt động mô hình thư viện cơ sở: Đề xuất giải pháp; Cần làm gì để người dân, cộng đồng biết đến các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của thư viện; Giải pháp xây dựng các chương trình khuyến đọc hiệu quả; Giải pháp xây dựng nền tảng số dùng chung/ liên kết chia sẻ dữ liệu trong hoạt động thư viện; Đề xuất các dịch vụ thư viện để triển khai phục vụ bạn đọc hiệu quả.
Tác giả: Như Huỳnh
Ý kiến bạn đọc