Trong năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng của Ngành; hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh và các nhiệm vụ đột xuất; đã triển khai thực hiện hoàn thành 151/151 nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2024 của Sở VHTTDL. Trong đó, tiêu biểu Nghị quyết số 92/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao và kinh phí duy trì, tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và Nhà Văn hoá ấp, Nhà Văn hoá liên ấp, Nhà Văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 07/2024/QĐ-UBND ngày 24/4/2024 về ban hành Quy định về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 29/2024/QĐ-UBND ngày 05/9/2024 sửa đổi, bổ sung Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định điều chỉnh một số nội dung “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến 2030”; Quyết định ban hành quy chế quản lý và sử dụng vật phẩm lưu niệm tỉnh Tây Ninh; đặc biệt đã trình phê duyệt Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh… Qua đó, góp phần hoàn thiện thể chế lĩnh vực Ngành, tạo tiền đề và động lực để Ngành phát triển bền vững; việc tham mưu ban hành Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh, từ đó Tây Ninh là tỉnh thứ 03 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh.
Đặc biệt, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động, linh hoạt, tập trung tham mưu UBND tỉnh một số nội dung lớn mang tính đột phá, trọng tâm, cụ thể như: chỉnh trang, lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây dựng nội dung kịch bản thuyết minh tái hiện giá trị lịch sử Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; đề xuất phương án xây dựng Bảo tàng tỉnh và được UBND tỉnh thống bố trí kinh phí đầu tư xây dựng 450 tỷ đồng; trình Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch chỉ đạo tổ chức các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong 02 năm 2024 - 2025 và định hướng các hoạt động tổ chức kỷ niệm 190 năm Tây Ninh hình thành và phát triển vào năm 2026; cải tạo, chỉnh trang Công viên Xuân Hồng và Sân vận động, hình thành không gian mở, tăng hiệu quả phục vụ cộng đồng, góp phần tạo cảnh quan thành phố Tây Ninh, thúc đẩy hoạt động văn hóa, thể thao, thương mại - dịch vụ, hình thành khu sinh hoạt về đêm.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được đầu tư, đổi mới, đa dạng về hình thức, hấp dẫn về nội dung đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết, các sự kiện của đất nước, của tỉnh với nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội quy mô lớn như hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân, Chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa đón giao thừa trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó nổi bật là Chương trình nghệ thuật Chào đón giao thừa mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại công viên Xuân Hồng Lễ Khai mạc Hội xuân Núi Bà năm 2024; Chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa chào mừng 49 năm giải phóng miền Nam 30/4; được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh kết hợp tiết mục bắn pháo hoa chào mừng mang đến cho người dân trong tỉnh không khí rộn ràng, vui tươi, đặc sắc vào các ngày lễ, tết. Ngành đã tổ chức 04 hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh và 33 hội thi tại các huyện, thị xã, thành phố; hơn 560 buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt tại thiết chế văn hóa cấp tỉnh và hơn 1.000 buổi sinh hoạt văn nghệ tại các tụ điểm hát với nhau, đờn ca tài tử cải lương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, kéo giảm khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng thành thị và nông thôn, Đội Tuyên truyền, Chiếu bóng lưu động tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 167 buổi chương trình văn nghệ phục nhân dân góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi nhân dân; hỗ trợ các các sở, ban ngành tổ chức các chương trình hoạt động, văn nghệ tham gia hội thi cấp ngành, khu vực, tỉnh. Tham gia 05 hội thi, hội diễn, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc, kết quả đạt 03 Huy chương vàng, 06 Huy chương bạc.
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan và trên các nền tảng mạng thông tin xã hội phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo truyền tải đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Tây Ninh luôn được chú trọng, với các hoạt động trùng tu, quy hoạch, tôn tạo di tích và gắn liền với phát triển du lịch. Số lượng di tích, di sản văn hoá vật thể và phi vật trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia và Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, toàn tỉnh hiện có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh; 01 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật Đờn ca tài tử và 08 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong năm, đã thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích 10 di tích với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước 94 tỷ đồng, xã hội hóa 1,1 tỷ đồng. Để phát huy giá trị và bảo vệ di tích, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với sở, ngành liên quan ban hành Quy chế sưu tầm, biên tập, bảo quản, lưu trữ dữ liệu, hình ảnh về Tây Ninh. Triển khai hiệu quả kế hoạch điểm đến du lịch gắn với việc phát huy giá trị di sản văn hóa, từ đó nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh như nghệ thuật Đờn ca tài tử, nghệ thuật múa trống Chhay - dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghệ thuật chế biến món ăn chay, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu và Lễ hội Quan lớn Trà Vong…. Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày triển lãm tại chỗ và lưu động 11 chuyên đề kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và các sự kiện tỉnh đón hơn 8.406 lượt khách tham quan. Sưu tầm được 209 hiện vật đạt 418% KH năm, nâng tổng số hiện vật tại Bảo tàng tỉnh lên 17.127 hiện vật.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức của cộng đồng về vai trò của văn hóa trong đời sống. Các phong trào như xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa;… ngày càng được người dân tích cực hưởng ứng. Các mô hình điển hình trong xây dựng nông thôn mới đã được nhân rộng, qua đó nâng cao chất lượng đời sống và gắn kết cộng đồng. Phong trào đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân chơi, khu thể thao, các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân. Năm 2024, toàn tỉnh có 533/535 Ấp, khu phố văn hóa, tỷ lệ 99,63%; toàn tỉnh có 272.103/299.962 gia đình văn hoá, tỷ lệ 90,71%; có 20/23 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, tỷ lệ 86,96%.
Công tác gia đình luôn được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo. Các chương trình và hoạt động được triển khai để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề gia đình, khuyến khích thực hiện các mô hình xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời đẩy mạnh phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi và sự bình đẳng của các thành viên trong gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Hoạt động Thư viện được tổ chức sôi nổi, đặc sắc với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, thu hút nhiều nhiều đối tượng đến với thư viện nhằm đọc sách, báo, tra cứu tài liệu, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong nhân dân. Việc tăng cường luân chuyển sách, báo và tổ chức phục vụ lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới được quan tâm... Qua đó, góp phần triển khai thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại địa phương có hiệu quả.
Công tác bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc thiểu số được quan tâm, chỉ đạo, cụ thể: phối hợp Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh: tổ chức lớp truyền dạy ngôn ngữ Tà Mun; tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống Lễ hội Chol Chnam Thmey (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; bảo tồn phát huy nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào dân tộc Thái tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu; Tổ chức thành công Ngày hội các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh năm 2024 với hơn 300 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham dự. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số (Quảng bá nghệ thuật múa trống Chhay – Dăm trên tạp chí Heritage và màn hình TVC trên các chuyến bay của Vietnam Airline).
Lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể và nâng cao sức khỏe. Các phong trào thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi như Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024; Giải Bóng đá mừng Đảng mừng Xuân - Cúp Bình Điền Tây Ninh lần thứ V năm 2024; Giải Bóng đá mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn Truyền hình Tây Ninh – Cúp TKP năm 2024 với nhiều thành phần tham gia, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36%; nổi bật là giải chạy “TTC AgriS - Power Racing” năm 2024 với 3.282 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia thi đấu. Thể thao thành tích tiếp tục đạt kết quả cao, với 276 Huy chương (49 Vàng; 67 Bạc; 160 Đồng), đạt 123 % KH năm, với các môn thể thao nổi trội nhất các môn như như Kickboxing, Taekwondo và Quần vợt; đặc biệt năm 2024 đánh dấu sự trở lại ấn tượng của bóng đá tỉnh Tây Ninh với đội U13 đạt hạng 3 giải U13 quốc gia và đội tuyển bóng đá tỉnh xuất sắc giành quyền thăng hạng Nhì quốc gia vào năm 2025. Tổ chức thành công 28/28 giải thể thao cấp tỉnh, cụm, khu vực và toàn quốc, đạt 100% KH. Công tác mở lớp dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em được các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, toàn tỉnh mở 09 lớp dạy bơi, có hơn 591 em học sinh tham gia, đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, giúp trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em và nâng cao ý thức phòng chống đuối nước. Ngoài ra hoạt động thể dục thể thao cấp cơ sở ngày càng thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, chú trọng gắn các hoạt động thể dục thể thao với các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong năm, trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 600 cuộc thi đấu, giao lưu thể thao, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch diễn ra sôi nổi với các chuỗi sự kiện văn hoá - du lịch, lễ hội và chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp: Chương trình “Hương sắc Tây Ninh”, “Bình Phước với Tây Ninh – 1 cung đường 2 điểm đến”, đoàn Famtrip Bình Dương với chủ đề “1 cung đường, 3 điểm đến”, đoàn Famtrip Hà Nội - Tây Ninh; Tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn –TNHH (Saigontourist). Tổ chức các đoàn Farm/presstrip khảo sát, kết nối du lịch trong tỉnh với gần 50 doanh nghiệp du lịch, lữu hành trên cả nước tham gia. Tây Ninh là tỉnh thứ 03 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh theo hướng dễ nhận diện, dễ ghi nhớ, tạo thiện cảm, thể hiện được những nét nổi bật riêng của tỉnh. Tham gia 20 chương trình xúc tiến, nhằm quảng bá du lịch Tây Ninh trong nước và 01 Chương trình xúc tiến tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB Asia Singapore năm 2024. Xây dựng 26 chương trình du lịch mới với 29 mô hình gắn với 10 nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch để thu hút du khách ngoài Khu du lịch núi Bà Đen. Triển khai quét mã QR tại 65 di tích lịch sử, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh. Khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt khoảng 5,6 triệu lượt khách, tăng 9,7% so cùng kỳ, tăng 2% so KH; tổng doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, tăng 8,7% so KH. Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tích cực chỉnh trang cơ sở vật chất, tăng cường các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch thuộc nhiệm vụ bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ thông tin du lịch. In ấn tài liệu tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh chất lượng phục vụ khách du lịch. Phối hợp tổ chức Lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường du lịch; lớp bồi dưỡng Tiếng Anh giao tiếp về văn hóa, du lịch cho công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực du lịch. Hỗ trợ Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức thành công Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh lần thứ II nhiệm kỳ 2024 - 2029. Phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông như quảng bá Du lịch Tây Ninh trên Tạp chí Heritage và màn hình TVC của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Du lịch thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trên các nền tảng công nghệ số.
Khép lại năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được những thành tựu đáng kể, hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tiếp nối thành công năm 2024, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn, tập trung, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển văn hoá, thể thao, du lịch để đề xuất, tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như:
1. Về văn hóa, gia đình: Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử - văn hóa của đất nước và của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tham gia hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ ở khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; tổ chức hoạt động nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chất lượng, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình” trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
2. Về thể dục, thể thao: Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 37%; số hộ gia đình thể thao là 30%. Nâng cao chất lượng các hoạt thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên. Cử các đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu 65 giải quốc tế, quốc gia, khu vực, cụm, mở rộng....). Phấn đấu đạt 238 huy chương các loại. Đăng cai và phối hợp tổ chức trên 20 giải thể thao cấp tỉnh, khu vực, cụm và toàn quốc.
3. Về du lịch: Tiếp tục cụ thể hóa các chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh; tăng cường sự liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương nhằm thu hút phát triển du lịch. Hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lĩnh vực du lịch tổ chức các hoạt động, sản phẩm du lịch đặc sắc, có điểm nhấn để tạo động lực thu hút, giữ chân khách du lịch tham quan và lưu trú tại địa phương. Tổ chức Tuần lễ “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ II, năm 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Ninh trên Tạp chí Heritage và màn hình TVC trên các chuyến bay của Vietnam Airlines”, báo, đài và trên các nền tảng công nghệ số: Travel Blogger, Website, App, Fanpage, Zalo, Youtube….
Với những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và sự quyết tâm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh trong năm 2025 không chỉ tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được mà còn tạo nên bước đột phá mới. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo ra một diện mạo mới, giúp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh trong tương lai./.
Tác giả: Văn phòng
Ý kiến bạn đọc