Nhìn lại 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 1833/KH-UBND, ngày 10/6/2022 của UBND dân tỉnh về “Phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”

Thứ tư - 31/07/2024 16:23 400 0
Thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 05/10/2017 của Tỉnh ủy Tây Ninh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Căn cứ Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 05/10/2017 của Tỉnh uỷ Tây Ninh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1833/KH-UBND, ngày 10/6/2022 về “Phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh; các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 1833/KH-UBND, ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh về “phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” một cách đồng bộ, cụ thể hóa gắn chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Ngành du lịch đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có; bước đầu định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, xác định trọng điểm mời gọi đầu tư; tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, mời gọi được nhiều nhà đầu tư; phát triển công nghệ số gắn với phát triển du lịch...bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã xác định được du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cần tăng cường liên kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương, các thành phần kinh tế để phát triển du lịch tạo bước đột phá, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Ngành du lịch tỉnh Tây Ninh thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị.

Công tác truyền thông đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch được các các ngành, địa phương, đơn vị đã chú trọng công tác triển khai, tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển; phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Qua đó, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tuyên truyền trực tiếp được 3.927 cuộc/ 118.621 lượt người dự, và trên các nền tảng: báo in, báo điện tử, sóng phát thanh, sóng truyền hình, hạ tầng số, tọa đàm, phối hợp gửi thông tin tuyên truyền trên sóng Đài truyền hình quốc gia VTV1, VTV5, VTV9, các chuyên mục, phát sóng trên “Chuyên mục kết nối Đông Nam Bộ” các Đài truyền hình các tỉnh Đông Nam Bộ, các chương trình truyền hình trực tiếp khác, phát triển sóng phát thanh Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, phát trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn… với nhiều nội dung liên quan đến phát triển du lịch như: chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chính sách phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh; các lễ hội văn hóa, ẩm thực; các loại hình văn hóa du lịch, nghệ thuật, các nét đẹp văn hóa, làng nghề; các mô hình dịch vụ, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng (farmstay), homestay…;

 Về cơ chế chính sách thu hút đầu tư: Thực hiện các Nghị quyết, Chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về phát triển du lịch, đặc biệt là mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng phát triển dịch vụ và du lịch đã được quy định tại Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, tỉnh đã chú trọng, UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên ngành tham mưu chính sách, cơ chế đặc thù ưu đãi của địa phương để thu hút các dự án và nhà đầu tư chiến lược về du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch công cộng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch. Tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “đầu tàu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ nối đến các khu du lịch trọng điểm như núi Bà Đen, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam, vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Khu vui chơi - giải trí Long Điền Sơn.., đều rất thuận tiện. Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch của tỉnh để triển khai thực hiện gắn với các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo sự đồng bộ đầu tư hạ tầng du lịch. Nhằm tạo điều kiện giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng và cả nước, tỉnh đã chủ động phối hợp các tỉnh giáp ranh đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng, giúp kết nối du lịch Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tỉnh thực hiện đẩy mạnh công nghệ số để phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2570/KH-UBND, ngày 14/8/2023 về Quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 -2025, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông nhằm xác định các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các Lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhằm đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hóa, lịch sử…; đẩy mạnh và ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch….

Thực hiện tích hợp Cổng thông tin du lịch với bản đồ số du lịch thông minh, xây dựng các kênh truyền thông du lịch, hệ thống Chatbot, vận hành App du lịch… là những giải pháp công nghệ số Tây Ninh sẽ đẩy mạnh để phát triển du lịch. Trong đó, Cổng Thông tin du lịch Tây Ninh cung cấp các nội dung tổng quan về tiềm năng du lịch tỉnh; các dự án đầu tư du lịch; thông tin du lịch (lưu trú, ẩm thực, mua sắm, điểm tham quan, lễ hội, các sự kiện lớn, các tour, tuyến du lịch…); các video, hình ảnh đẹp về du lịch Tây Ninh; thông tin các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy phép; thông tin các hướng dẫn viên du lịch; các bài viết, phân tích, nhận định về du lịch tỉnh Tây Ninh; thông tin tuyên truyền, quảng bá; chuyên mục quảng cáo dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế- xã hội (Trung tâm điều hành thông minh - IOC) thực hiện nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu, tích hợp dữ liệu lên IOC: thực hiện nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch" trên địa bàn tỉnh và công khai các dữ liệu về du lịch trên IOC, Api kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống IOC của tỉnh theo quy định. Hệ thống báo cáo thông tin kinh tế, xã hội có chức năng tập hợp và thống kê các số liệu về du lịch của tỉnh, hỗ trợ cho lãnh đạo UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội.

Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh và các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện Bản đồ số du lịch Tây Ninh tại địa chỉ: https://dulich.ttv11.com.vn. Nhằm phát huy và mang lại những giá trị trải nghiệm mới cho du khách, khuyến khích các khu, điểm du lịch, các địa phương, Hiệp hội du lịch; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền Bản đồ số du lịch Tây Ninh trên màn hình cảm ứng hoặc các thiết bị khác của đơn vị có tích hợp Bản đồ số Du lịch Tây Ninh; bố trí vị trí đặt máy tại khu vực công cộng của đơn vị để du khách dễ dàng tiếp cận và tra cứu thông tin từ Bản đồ. Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh mô tả chi tiết toàn cảnh thông tin giới thiệu các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh theo hình thức thực tế ảo; trải nghiệm tổng thể bản đồ du lịch Tây Ninh, có thể trực tiếp chọn các điểm du lịch, hoặc các địa điểm theo mong muốn trên các nội dung về ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, gọi xe, khu vực nhà vệ sinh công cộng, ngân hàng, bưu điện, …

Tỉnh quan tâm quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Bà Đen, đã hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 04 quy hoạch phân khu chức năng (Khu trên đỉnh núi, quanh chân núi; Khu thể thao, sân Golf và các dịch vụ phụ trợ; Khu lưu trú, nghỉ dưỡng; Khu công viên, vườn thú Safari dã ngoại). Lập quy hoạch Khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời, lập quy hoạch dự án “Bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím - Hồ Dầu Tiếng”.  

Công tác liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, tỉnh Tây Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2027 với nhiều nội dung hợp tác phát triển tỉnh Tây Ninh; trong đó có đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch: Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh, trọng tâm là Chương trình Thạc sĩ Quản lý công; bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh Tây Ninh theo hướng tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0; Đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh ký kết hợp tác với các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ về phát triển du lịch với 5 nội dung: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển và liên kết sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh ký kết với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, các Trường Đại học nhằm liên kết hỗ trợ phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch lẫn nhau, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Khu vực Tây nguyên.

Tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh) được phân bố ở 09 huyện, thị xã, thành phố; có 08 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng đất và con người Tây Ninh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Lễ hội Chol Chnam Thmey (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng", nội dung tọa đàm về các lễ nghi tổ chức, phục dựng lại một số lễ đã mai một.

Công tác xúc tiến, quảng bá được tỉnh quan tâm đầy mạnh bằng nhiều hoạt động, hình thức thông qua các sự kiện, Lễ hội trong và ngoài tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2570/KH-UBND ngày 14/8/2023 về quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Qua đó, xác định các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhằm đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hoá, lịch sử.

Bên cạnh những mặt đạt được, nhìn chung du lịch Tây Ninh cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan:

Việc khai thác, phát triển khu, điểm du lịch chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; số lượng khách du lịch đến Tây Ninh so với khu vực và cả nước ở mức khá, nhưng đa phần là khách du lịch nội địa; địa phương chưa có nhiều sản phẩm nổi trội có thương hiệu để thu hút khách quốc tế, do đó doanh thu du lịch thấp và đóng góp của ngành du lịch vào kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao.

Một số dự án du lịch cấp tỉnh và cấp huyện đã đưa vào danh mục mời gọi đầu tư nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm; hạ tầng phục vụ du lịch (hệ thống các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng...) chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ du lịch với quy mô, số lượng lớn khách du lịch.

Hệ thống các dịch vụ bổ trợ, cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu và yếu. Những cơ sở hiện có chưa đạt chuẩn và còn ở quy mô nhỏ, khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu số lượng lớn du khách trong các dịp lễ hội, sự kiện còn hạn chế. Thiếu các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; rất ít các đơn vị có chức năng kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

- Chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ thị trường Campuchia mặc dù có lợi thế về đường biên giới và khách du lịch qua lại các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh.

Hinh 3

Hinh 4

Hinh 5

Hinh 2

Tác giả: Đinh Thị Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây