PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Thứ tư - 31/07/2024 14:10 447 0
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 09 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của Tây Ninh vừa có giá trị về lịch sử, dân tộc, văn hóa, vừa đa dạng về loại hình (di chỉ khảo cổ, di tích tín ngưỡng dân gian, di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, danh thắng…) thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu.

Với các lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam và hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh trở thành chuỗi các điểm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng riêng có của địa phương, qua đó phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhằm giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch của tỉnh được chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2022-2023, Khu di tích núi Bà Đen đã thu hút hơn 8 triệu lượt khách tham quan, chỉ 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách tham quan đã đạt 2,7 triệu; Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đón hơn 100 ngàn lượt khách vào năm 2022-2023 nhưng đã đạt gần 36 ngàn khách trong 6 tháng đầu năm 2024. Số lượng khách tham quan đến các di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận con số khả quan (đều đạt mốc từ 3 ngàn đến 11 ngàn khách trở lên).

Trên cơ sở xác định các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa, để đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hóa, lịch sử … bước đầu định hình và hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2570/KH-UBND ngày 15/8/2023 về Quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, nội dung Kế hoạch đã xác định 04 điểm tham quan trọng điểm (gồm: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và Hồ Dầu Tiếng) và 13 điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa (gồm: Vườn Di sản Asean - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; Căn cứ kháng chiến Động Kim Quang; Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City; Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chót Mạt; Di tích lịch sử Đình Thanh Phước; Di tích lịch sử Đình An Tịnh; Chùa Khmer Khedol Tây Ninh; Chùa Thiền Lâm Gò Kén; Khu du lịch Long Điền Sơn và Trung tâm Thương mại Long Hoa). Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức 02 đoàn khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu, gắn kết các điểm đến du lịch này để hình thành các chương trình, tuyến du lịch mới, lạ, độc đáo, khác biệt so với các tỉnh khác trong vùng, đồng thời tiếp tục rà soát, cập nhật các điểm tham quan du lịch mới trên địa bàn tỉnh. Qua 02 chuyến khảo sát đã mang lại những tín hiệu tích cực: các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh xây dựng thêm 06 chương trình, tuyến du lịch mới để cạnh tranh; kích cầu du lịch nội địa; thu hút một lượng lớn khách du lịch ngoài tỉnh đến với Tây Ninh, số lượng khách được phục vụ đạt gần 3 ngàn khách gồm nhiều đối tượng khách trong và ngoài nước.

Với phương châm "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thông qua du lịch để đẩy mạnh việc đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật của tỉnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc, giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; xử lý vi phạm về di tích và đề xuất khen thưởng các gương điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

453239801 801025212187618 2293283327257672483 n

453434316 801025235520949 2420619320813582098 n

453051976 801025192187620 589924641930677290 n

453257165 801025198854286 7656523394792016172 n

Tác giả: Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây