Đôi nét tìm hiểu về Văn hóa nơi công sở - ứng xử Văn hóa

Thứ sáu - 02/06/2017 16:00 378 0

Đôi nét tìm hiểu về Văn hóa nơi công sở - ứng xử Văn hóa

Văn hóa công sở là gì? đó là tổng hòa những giá trị hữu hình và vô hình bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường – cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của CBCC nhằm xây dựng một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao.

Văn hóa ứng xử là biểu hiện dễ nhận biết nhất, dễ gây ấn tượng tốt hoặc không tốt về cá nhân, cơ quan ngay từ những tiếp xúc đầu tiên, do đó ảnh hưởng khá lớn đến kết quả công việc của cá nhân hay tập thể cơ quan.

Do đó để ứng xử đúng trong môi trường công sở không phải là điều dễ nhưng cũng không phải là điều không thể làm được đối với mỗi công chức, viên chức, lao động.

Những tình huống cụ thể hàng ngày mà chúng ta phải đối mặt và ứng xử về: cách thuyết phục đồng nghiệp, cấp trên để bảo vệ ý kiến của mình; cách góp ý với đồng nghiệp như thế nào để có hiệu quả; làm gì khi bị đồng nghiệp hiểu nhầm; làm gì khi sếp nóng tính; làm thế nào để cải thiện quan hệ sau khi có xung đột xãy ra ...Tất cả nhừng điều này chúng ta hiểu là ứng xử văn hóa nơi công sở.

Mặc dù Văn hóa công sở hiện nay luôn được đề cao, chú trọng, tuy nhiên trong văn hóa công sở không ngại trung thực, nói thẳng vẫn còn tồn tại như: đi làm muộn, đi họp muộn, nói chuyện riêng trong giờ họp, trang phục không phù hợp khi đến công sở, tác phong làm việc không chuyên nghiệp, chưa giữ vệ sinh chung, thiếu ý thức trách nhiệm với công việc được giao… đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đến đồng nghiệp, đến bộ mặt của cả cơ quan, đơn vị và nghiêm trọng hơn hết là làm giảm đi niềm tin của mọi người.

Chính cách ứng xử và tồn tại những hạn chế đó đã nói lên được một điều là sự nhận thức, tự giác trong một số cá nhân chưa cao. Bản thân chúng ta là một công chức, viên chức, lao động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – một tấm gương về ứng xử văn hóa rất gần gũi với mọi người dân, không hề quan cách. Bác dạy thiếu nhi: chăm ngoan, kính thầy, yêu bạn. Bác dạy bộ đội: trung với Đảng, hiếu với dân. Bác dạy công an: kính trọng dân. Bác dạy cán bộ Nhà nước: đức độ với dân. Tất cả đều là lối ứng xử có văn hóa.

Mặt khác ứng xử văn hóa của công chức cần biểu hiện sự tế nhị, khoan dung, nhường nhịn, thẳng thắn và được trân trọng. Chúng ta hãy chung tay làm sao xây dựng được một môi trường làm việc thân thiện, kỷ cương, có nề nếp, tạo được những mặt tích cực như: một lời chào thân thiện – thay vì dòm ngó làm lơ như xa lạ; một nụ cười hiền hòa – thay vì nhăn nhó, quạo quọ; một lời thăm hỏi thân tình – thay vì thái độ bàng quang; một cái nhìn ấm áp – thay vì liếc xéo, ngoảnh mặt; một lời xin lỗi kịp thời, đúng lúc – thay vì đỗ lỗi, thoái thác trách nhiệm; một lời nói tri thức, giản dị, trung thực – thay vì nói lệch lạc, lời lẽ thô tục; một phong cách làm việc chuyên nghiệp – thay vì chậm trễ, hời hợt; chân thành – thay vì dối trá; ngăn nắp trong công việc – thay vì bề bộn cẩu thả; ứng xử văn minh, thanh lịch trong giao tiếp – thay vì thiếu tế nhị, lịch sự;…..

Cổ nhân có câu " Nhân vô thập toàn"; là con người thì không ai hoàn thiện, ai cũng có cái đẹp và cái chưa đẹp, chỉ có điều mồi người tự nhận thức về vẻ đẹp mà phấn đấu vươn tới và tự hoàn thiện mình

Trước thực trạng trên, chúng ta cần phải nhìn nhận và thay đổi lại bản thân, phân biệt được điều đúng, sai và học theo những việc làm tốt. Cần có sự chung tay góp sức của cá nhân, tập thể và tổ chức đơn vị bởi vì thời gian chúng ta gặp nhiều nhất là ở công sở, nơi làm việc hàng ngày. Thật vậy, công sở như một xã hội thu nhỏ, trong đó nó bao hàm tất cả các mối quan hệ cần thiết, do vậy điều dễ nhận biết ở một cơ quan có đời sống văn hoá tốt đó chính là thái độ giao tiếp ứng xử lịch sự nơi công sở, mà mồi chúng ta là một thành viên trong đó. Cho nên giao tiếp ứng xử nơi công sở của chúng ta có thể được đề cao khẩu hiệu "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" và để có nếp sống văn minh, văn hóa trong công sở thì chúng ta cần trau dồi đạo đức tác phong làm việc và văn hóa giao tiếp, ứng xử và thực hiện tốt quy chế nếp sống văn minh nơi công sở tại Quyết định 54/QĐ-SVHTTDL ngày 21/02/2017  và quy chế làm việc đã được ban hành tại Quyết định số 52/QĐ-SVHTTDL ngày 22/02/2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Văn hóa là chìa khóa để con người với con người, thủ trưởng và nhân viên, đồng nghiệp, người cán bộ công chức và nhân dân gần nhau hơn, hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn trong công sở, trong công việc. Đồng thời kiên quyết lọai trừ những hành vi thiếu ý thức tôn trọng kỷ luật, xem thường kỷ cương, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc và những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lạnh lùng, hách dịch, coi thường dân. Hành vi ứng xử ấy là phản văn hóa, cái đó không thể tồn tại được ở cơ quan nhất là ngành Văn hóa của chúng ta.

Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Cách hành xử văn hóa nơi công sở của mỗi chúng ta mang lại rất nhiều lợi ích góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết nhất trí của cả tập thể, từ đó tạo bầu không khí làm việc cởi mở, tích cực, giúp mỗi chúng ta nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Do đó mỗi công chức, viên chức, lao động hãy phấn đấu để có sự đoàn kết, thống nhất nội bộ cao, chất lượng, hiệu quả công việc tốt hơn, nhiệm vụ chính trị luôn đảm bảo, thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Chính vì vậy, thực hiện xây dựng văn hóa công sở không chỉ có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả khi xử lý, giải quyết công việc, xây dựng lề lối làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà còn góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hành chính của toàn ngành nói chung và của Sở nói riêng./.

Người viết: Trương Ngọc Yến

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây