Thể lệ và câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013”

Thứ năm - 23/07/2015 16:45 373 0

Thể lệ và câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013”

Thực hiện Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành kế hoạch, thể lệ, nội dung câu hỏi cuộc thi như sau:

1.  Đối tượng dự thi

Công dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ 16 tuổi (có năm sinh từ 1999) trở lên đều được tham gia dự thi (trừ các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký và cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi).

2. Nội dung thi

- Nội dung Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (tập trung  những qui định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình) và những văn bản liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. 

- Đối tượng tham gia dự thi trả lời 10 câu hỏi của Ban tổ chức cuộc thi như sau:

Câu 1: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua ngày tháng năm nào? và có hiệu lực vào ngày tháng năm nào? Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có bao nhiêu chương, điều và nêu phạm vi điều chỉnh của Luật PCBLGĐ?

Câu 2: Bạo lực gia đình là gì? Nêu hành vi bạo lực gia đình được quy định trong  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình? Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định trong phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện những nguyên tắc nào? Người có hành vi bạo lực gia đình phải có nghĩa vụ gì?

Câu 3:  Đối với các hành vi bạo lực gia đình (được quy định tại khoản 1 điều 2 Luật PCBLGĐ) được thể hiện tại các điều nào của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình? Khi vi phạm các hành vi này thì bị xử phạt như thế nào trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ? mức phạt tiền thấp nhất và cao nhất của các hành vi này là bao nhiêu?

Câu 4: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định những biện pháp gì để phòng ngừa bạo lực gia đình? Việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình cần phải tuân theo những nguyên tắc nào? Gia đình, dòng họ, cơ quan tổ chức và các tổ chức hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp như thế nào? 

Câu 5: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bảo vệ những đối tượng nào? Hành vi của một thành viên gia đình vô ý gây thương tích cho thành viên khác trong gia đình có phải là bạo lực gia đình không và hành vi đó có bị xử lý theo pháp luật không ?

Câu 6: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền và nghĩa vụ gì? Cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc chăm sóc nạn nhân bị bạo lực gia đình như thế nào? Họ được tư vấn về những vấn đề gì và việc tư vấn do cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thực hiện?

Câu 7: Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định như thế nào? Người phát hiện hành vi bạo lực gia đình phải có trách nhiệm gì ?

Câu 8: Việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định như thế nào ? Và theo quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức nếu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ phải chịu các hình thức xử phạt nào và nếu bị phạt tiền thì mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân, tổ chức là bao nhiêu?

Câu 9: Anh (chị) hãy nêu các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình? Việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định như thế nào?

Câu 10: Anh (chị) hãy viết một bài khoảng 1.000 đến 1.500 từ về một trong ba nội dung sau :

10.1:  Qua thời gian áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong cuộc sống, theo anh (chị) những điều nào trong Luật không còn phù hợp trong thực tế cần phải sửa đổi, bổ sung? Lý do tại sao phải sửa đổi, bổ sung? Nêu cụ thể nội dung điều cần sửa đổi, bổ sung theo đề xuất của anh (chị).

10.2:  Anh (chị) hãy nêu và đánh giá tình hình bạo lực gia đình hiện nay ở tỉnh Tây Ninh; Nói rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp có hiệu quả trong việc góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

10.3:  Anh (chị)  hãy viết cảm nhận của mình đối với những hành vi bạo lực gia đình mà bạn được biết. Qua đó anh (chị) đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Hình thức và yêu cầu về bài dự thi

a. Hình thức: Thi viết

b. Yêu cầu về bài dự thi

- Bài dự thi hợp lệ:

+ Bài dự thi được viết tay hoặc đánh máy (bằng tiếng Việt) trên khổ giấy A4 theo phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, không được photo, sao chụp bài dự thi của nhau.

+ Bài dự thi phải trả lời đủ 10 câu hỏi của Ban tổ chức; được đánh số trang theo thứ tự, đóng thành tập và gửi đúng thời gian quy định; riêng câu 10 phải đảm bảo từ 1.000 đến 1.500 chữ.

+ Phía trên bài dự thi có ghi rõ họ, tên, tuổi, giới tính, dân tộc, địa chỉ (nơi ở, nơi học tập hoặc nơi công tác).

+ Mỗi cá nhân tham gia dự thi được gửi nhiều bài dự thi (nội dung và hình thức từng bài dự thi không được photo sao chụp giống nhau; Ban Tổ chức chỉ chọn 01 bài có số điểm cao nhất để tính điểm, xếp loại)

- Bài dự thi không hợp lệ: là bài dự thi không thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên.

* Khuyến khích bài dự thi có hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung trả lời câu hỏi.

4. Thời gian và địa điểm nhận bài dự thi

a. Thời gian nhận bài thi

Từ ngày Ban Tổ chức ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi đến hết ngày 20/10/2015 là hạn cuối nộp bài thi (theo dấu bưu điện).

b. Địa điểm nhận bài thi

- Đối với cán bộ công chức, viên chức thuộc khối cơ quan tỉnh; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang; giáo viên, học viên, sinh viên các trường trung cấp, các trường dạy nghề, Trường Cao Đẳng Sư phạm Tây Ninh nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ:  Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh - Địa chỉ số 139A đường 30/4, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

- Giáo viên, học sinh THPT, cán bộ, công chức, viên chức của các ban, ngành, đoàn thể các thành phố, huyện; xã, phường, thị trấn; người sử dụng lao động, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố, huyện nào thì nộp bài dự thi về Phòng Văn hóa và Thông tin của thành phố, huyện đó.

* Những bài thi gửi qua đường bưu điện tính thời gian gửi theo dấu bưu điện; ngoài phong bì của bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ”.

* Đối với các cơ quan, tổ chức, trường học có thể tập hợp bài thi theo đơn vị và gửi trực tiếp đến các địa chỉ nhận bài thi nêu trên.

5. Giải thưởng:

a. Giải cá nhân: dành cho bài dự thi xuất sắc về nội dung và hình thức; (28 giải)

- 01 giải nhất trị giá                                         750.000đ

- 02 giải nhì: mỗi giải trị giá                           500.000đ

- 03 giải ba: mỗi giải trị giá                             400.000đ

- 20 giải khuyến khích:  mỗi giải trị giá       250.000đ

- 01 giải dành cho người tham gia dự thi cao tuổi nhất, 01 giải dành cho người tham gia dự thi nhỏ tuổi nhất có bài dự thi đạt chất lượng, trị giá mỗi giải 250.000đ.

b. Giải tập thể: dành cho các đơn vị tham gia dự thi. Đơn vị đạt giải tập thể là đơn vị có nhiều bài dự thi đạt chất lượng, điểm cao, có bài đạt giải cá nhân. Cơ cấu giải thưởng gồm: (14 giải)

- 01 giải nhất trị giá                                         1.500.000đ

- 02 giải nhì: mỗi giải trị giá                           1.000.000đ

- 03 giải ba: mỗi giải trị giá                             800.000đ

- 08 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá        500.000đ

6. Tài liệu tham khảo:

- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21/11/2007.

- Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

- Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Nghị định 08/2009/NĐ-CP, ngày 04/02/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tập thể, cá nhân tham gia viết bài có vấn đề gì cần trao đổi thêm về Cuộc thi xin liên Tổ Thư ký Cuộc thi qua số điện thoại 0663.825.543 - Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh.

 

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI TÌM HIỂU

LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH, NGHỊ ĐỊNH 167/2013/NĐ-CP

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây