THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH – NƠI “GIỮ LỬA” VĂN HÓA ĐỌC

Thứ tư - 26/06/2024 08:35 196 0

Suốt 48 năm qua, Thư viện tỉnh Tây Ninh đã làm tốt chức năng của một thư viện khoa học tổng hợp. Ngoài việc duy trì chức năng lưu trữ sách báo, thư viện còn tích cực phục vụ cho bạn đọc bằng nhiều hình thức: Biên soạn các tập thông tin thư mục, thông tin tư liệu với nhiều chuyên đề khác nhau, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm, đồng thời trưng bày triển lãm sách báo và giới thiệu sách trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, công tác, giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Thành lập ngày 30/4/1976, Thư viện tỉnh Tây Ninh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người, từ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên đến cán bộ hưu trí, người dân lao động. Bình quân mỗi năm, thư viện cấp mới và gia hạn hơn 4.000 thẻ độc giả, phục vụ trên 2 triệu lượt bạn đọc đủ mọi thành phần, tầng lớp nhân dân.

Nhìn lại những ngày đầu thành lập, hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở đã được Nhà nước bao cấp toàn diện, một trong những thiết chế văn hóa Nhà nước là hệ thống thư viện công cộng đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Thư viện tỉnh ra đời ban đầu còn hạn chế về cơ sở vật chất phải ở tạm với văn phòng UBND tỉnh, sách có 10 ngàn bản do Thư viện tỉnh Hà Tây kết nghĩa trao tặng.

Đến năm 1978, thư viện được lãnh đạo tỉnh quan tâm cấp cho cơ sở mới, tuy không được rộng rãi, nhưng cũng đảm bảo tương đối để thư viện hoạt động tốt và phát triển mạnh ngay từ những năm đó. Vốn sách lúc bấy giờ đã có đến 25.000 bản, với 8 cán bộ nhân viên đã được qua đào tạo sơ cấp nghiệp vụ. Thư viện đã bắt đầu gây được phong trào đọc sách trong quần chúng bằng các hình thức thi đọc sách, thi kể chuyện sách, trưng bày triển lãm sách, giới thiệu sách trên Đài Phát thanh - Truyền hình… Đặc biệt trong những năm đầu thành lập, hoạt động thư viện thực hiện phương châm “Sách đi tìm người”, đây là công tác đạt hiệu quả thiết thực nhất. Thư viện tỉnh đã đưa sách đến tận nông thôn, vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, vùng căn cứ cách mạng để phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội. Đồng thời còn phục vụ sách đến tận tay các nhà lãnh đạo, những người làm công tác nghiên cứu ở từng ngành, từng lĩnh vực

Trong công cuộc đổi mới của Đảng, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa thông tin cũng được đổi mới. Việc xã hội hóa các hoạt động thư viện được phát huy tác dụng trong thực tiễn. Từ đó, Thư viện tỉnh cùng các Thư viện huyện, thị lại được củng cố, nâng cấp. Hiện nay tổng số sách Thư viện tỉnh có trên 280.000 bản cùng 77 loại báo, tạp chí, bình quân mỗi năm phục vụ trên 2 triệu lượt bạn đọc.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách báo của người dân, nhiều hoạt động chuyên môn cũng được thư viện thường xuyên tổ chức như Hội Báo Xuân hằng năm; Tổ chức các cuộc thi như “Tuyên truyền giới thiệu sách”, “Kể chuyện theo sách”, “Vẽ tranh theo sách”… thu hút đông đảo học sinh và trẻ em tham gia.

Bên cạnh đó, thư viện cũng tổ chức thu thập tài liệu biên soạn các ấn phẩm thông tin thư viện. Tổ chức luân chuyển hàng chục nghìn bản sách đến các đồn biên phòng, các trại giam, tạm giam, các phòng đọc cơ sở, lực lượng vũ trang… trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn sách, báo của thư viện, lan tỏa phong trào đọc sách báo rộng khắp đến các huyện, thị trong tỉnh. Đồng thời, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển văn hóa đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện việc học tập suốt đời.

448846316 778509841105822 7056825838189952729 n

448953566 778510607772412 8869436318687249363 n

448921934 778510554439084 7155616999477741241 n

Tác giả: Như Huỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây