KẾT QUẢ 20 NĂM (2000 - 2020) THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thứ hai - 15/03/2021 16:00 362 0

KẾT QUẢ 20 NĂM (2000 - 2020) THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là “TDĐKXDĐSVH”) trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là một trong các nhóm giải pháp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nhờ đó, Phong trào “TDĐKXDĐSVH” được triển khai khá đồng bộ ở các địa phương với nhiều cuộc vận động như: Xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”; xây dựng “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới”; xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”,... luôn được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng, khơi dậy và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nguồn lực của Nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

1.jpg

Bà Vi Thu Hoài – Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với UBND thị xã Hòa Thành về việc kiểm tra thực tế thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” tại xã Trường Đông.

Quán triệt Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 18/8/2014 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH" trong đó chú trọng phát triển phong trào gắn với các cuộc vận động thi đua yêu nước khác; lồng ghép thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị trong phong trào. Các địa phương quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ Nhân dân.

2.jpg

Ông Nguyễn Thành Tiễn – Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng về việc kiểm tra thực tế tình hình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã Phước Chỉ

Trong giai đoạn 2000-2020, đã phối hợp các ngành thực hiện các báo cáo trọng tâm như: Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để báo cáo hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về "xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị Quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; báo cáo kết quả triển khai xây dựng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tính hình thức của quá trình xây dựng gia đình văn hóa; báo cáo kết quả thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động Phong trào "TDĐKXDĐSVH" có hiệu lực đến năm 2020; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh", …

Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 25/5/2009 của Tỉnh ủy Tây Ninh về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào "TDĐKXDĐSVH" gắn với việc thực hiện Chỉ thị 154-CV/TU ngày 22/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung chỉ đạo thực hiện "Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới".

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua được lan tỏa sâu rộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích toàn diện, sâu sắc, góp phần phát triển Kinh tế - Văn hóa - Xã hội của tỉnh. Phong trào đã tạo nên một diện mạo mới, một môi trường văn hóa sôi nổi cho cơ sở; nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tích cực tham gia các hoạt động thi đua xây dựng các danh hiệu văn hóa ở địa phương.

Ban vận động ấp, khu phố, Tổ dân cư tự quản tuy hoạt động với phụ cấp khá thấp và hạn chế về kinh phí nhưng những người làm công tác phong trào ở địa phương rất tâm huyết, nhiệt tình, năng động trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký, bình xét Gia đình văn hóa; Ấp, khu phố văn hóa. Ban Chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH" từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phối hợp đồng bộ, làm cho phong trào ngày càng đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương tuy Ban Chỉ đạo đã được củng cố, kiện toàn nhưng chưa duy trì họp định kỳ, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên nhưng chưa theo dõi sâu sát; thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, thậm chí có biểu hiện buông lỏng khi đã được công nhận danh hiệu văn hóa, làm suy giảm chất lượng phong trào, vẫn còn chủ quan chạy theo hình thức, chưa chú trọng thật sự chất lượng cho các danh hiệu gia đình văn hóa và ấp, khu phố văn hóa. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên và thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở một số địa phương thường xuyên thay đổi, không đảm bảo tính liên tục, làm cho công tác triển khai thực hiện các phong trào gặp nhiều khó khăn.

Công tác tổ chức kiểm tra việc thực hiện phong trào ở khu dân cư đôi lúc chưa được quan tâm. Kinh phí các xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn, do đó công tác khen thưởng phong trào cấp cơ sở còn hạn chế. Việc biểu dương khen thưởng, nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2021 và những năm tiếp theo

* Nhiệm vụ:

Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", coi đó là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện phong trào trong giai đoạn mới. Gắn các nội dung của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", chỉ đạo tổ chức thực hiện đưa các nội dung tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, vận động mỗi người dân trước hết phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

- Phát huy tính tiên phong gương mẫu, đi đầu của đảng viên, người giữ chức vụ lãnh đạo trong các nội dung hoạt động của phong trào. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nói đi đôi với làm. Xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện tốt các nội dung trong phong trào, phương pháp tuyên truyền cần đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, phát huy hiệu quả huy động sức mạnh toàn dân, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân.

- Xây dựng đội ngũ làm công tác phong trào có đủ bản lĩnh, đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, người có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đảm bảo chế độ chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên kịp thời người làm công tác phong trào, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong tuyên truyền vận động.

- Tăng nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động của phong trào phải tương ứng với nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh xã hội hóa và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo nguồn tài chính thực hiện các hoạt động của phong trào.

* Giải pháp

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

2. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành, mặt trận, đoàn thể ở tất cả các cấp, sao cho xây dựng đến đâu đảm bảo chất lượng đến đó, chống biểu hiện phô trương hình thức, chạy theo số lượng, thành tích.

3. Kêu gọi, vận động Nhân dân, các tầng lớp xã hội tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa; đóng góp, cống hiến vào sự phát triển sự nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

4. Các cơ quan chủ trì 10 cuộc vận động trong phong trào chủ động tham mưu Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn địa phương thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Thường xuyên củng cố các Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, Ban vận động ấp, khu phố, bảo đảm thực hiện tốt phong trào tại cơ sở; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm phong trào.

6. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở bằng các biện pháp cụ thể để giữ vững những kết quả đã đạt được. Đồng thời, biểu dương khen thưởng những điển hình mới, những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào. Thực hiện nghiêm việc xét công nhận, công nhận lại các danh hiệu văn hóa theo Luật Thi đua - Khen thưởng và các quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn mới, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể cần dành sự quan tâm và nguồn lực nhiều hơn nữa cho Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và kịp thời đưa ra những định hướng nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra động lực mới, khí thế mới, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"./.

Duyên Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây