Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (Đề án) - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại tại tỉnh Tây Ninh đã khẳng định được giá trị và vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân Nam bộ nói chung và Nhân dân Tây Ninh nói riêng.
Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa từ nông thôn đến thành thị. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 184 câu lạc bộ, đội, nhóm đang sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn và trong cộng đồng dân cư, có 36 gia đình đờn ca tài tử; hàng trăm nghệ nhân tài tử đờn, ca tại địa phương, đó là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động đờn ca tài tử ở cơ sở.
Ông Nguyễn Nam Giang -
Phó Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án
Với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu trong triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan sở ngành, đơn vị và các cấp huyện, xã đã thực hiện nhiều hoạt động trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử. Nổi bật trong 5 năm qua gồm các hoạt động:
- Công tác kiểm kê các bài bản tổ và những bài biến thể trong phạm vi bài bản tổ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được triển khai trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, kết quả kiểm kê thu được 254 phiếu: 27 Câu lạc bộ đờn ca tài tử (10,6%), 70 tài tử đờn (27,6%), 156 tài tử ca (61,4%), 1 tài tử đờn ca (0,4%).
- Xây dựng và phát triển Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo nhân dân, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử, những năm qua các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện khuyến khích tham gia và phát triển CLB Đờn ca tài tử, đồng thời tổ chức cho các CLB Đờn ca tài tử tham gia hội thi, hội diễn Đờn ca tài tử từ cơ sở đến tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 184 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên. Các CLB tổ chức sinh hoạt tại địa phương các xã, phường, thị trấn tạo phong trào văn nghệ quần chúng phục vụ cộng đồng, đồng thời tổ chức phục vụ các sự kiện, lễ tại địa phương và tham gia các hội thi, hội diễn các cấp góp phần gìn giữ, tôn vinh, phát huy loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
Đa phần các CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử quy tụ những người yêu thích Đờn ca tài tử tự nguyện sinh hoạt. Các CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử tổ chức các buổi giao lưu đờn ca tài tử trong và ngoài địa phương nhằm tạo điều kiện cho các thành viên tham gia trao dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm về kỹ thuật về đờn, ca và phong cách tài tử.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có hơn 36 gia đình Đờn ca tài tử, hàng trăm nghệ nhân đang là các hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động Đờn ca tài tử ở cơ sở.
- Công tác tổ chức truyền dạy Đờn ca tài tử
Nghệ thuật Đờn ca tài tử được lưu truyền hầu hết theo lối "truyền ngón - truyền nghề trực tiếp, việc truyền dạy cho lực lượng kế thừa được thực hiện với hình thức khác nhau. Việc truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử qua hình thức truyền nghề, truyền ngón trong gia đình, thân tộc cũng là cũng là hình thức mang tính cơ bản và phổ biến hiện nay. Hình thức lưu truyền Nghệ thuật Đờn ca tài tử qua gia đình, thân tộc tạo điều kiện lưu truyền bộ môn này tương đối đầy đủ nhất và đồng thời hình thành phong cách nhuần nhuyễn của Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Vì vậy, các địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện để thành viên các gia đình tham gia sinh hoạt các CLB và động viên các gia đình truyền ngón, truyền nghề, dạy hát, dạy đàn cho con, cháu trong gia tộc, họ hàng biết hát và biết đờn.
Hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, thống kê số lượng các CLB tại các xã, phường, thị trấn nhằm tổ chức hướng dẫn, tập huấn và mở các lớp truyền dạy đờn ca tài tử để phát triển lực lượng kế thừa cho bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời, việc truyền dạy các bài đờn, bản ca còn được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt CLB, đội, nhóm (bình quân mỗi tháng sinh hoạt từ một đến hai lần); thông qua các buổi giao lưu giữa các CLB, đội, nhóm tạo điều kiện để các nghệ nhân học tập lẫn nhau về kỹ thuật biểu diễn cũng nội dung các bài bản đờn ca tài tử.
Trao Bằng khen của Chủ
tịch UBND tỉnh cho các cá
nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án
Công tác truyền dạy được các nghệ nhân, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố và các Câu lạc bộ thực hiện thường xuyên, trong đó điển hình như: Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí (thành phố Tây Ninh), Nghệ nhân Thành Phương (Châu Thành), Nghệ nhân Nguyễn Văn Long (Hòa Thành), Nghệ nhân Lê Văn Lập (Bến Cầu), Nghệ nhân Huỳnh Hữu Ngoan, Nghệ nhân Huỳnh Hữu Trí, (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Gò Dầu).
Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tư nhân tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt, biểu diễn đờn ca tài tử, các nghệ nhân mở lớp truyền dạy đờn, ca tài tử, chú trọng đến công tác chăm sóc, bồi dưỡng, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào, đưa Đờn ca tài tử thành mục tiêu quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ hàng năm.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, giới thiệu những kiến thức cơ bản về Nghệ thuật Đờn ca tài tử và khung chương trình bồi dưỡng năng khiếu về lý thuyết và kỹ năng thực thành gồm các bài lý, bài bản tài tử Nam bộ và vọng cổ cho học sinh trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường. Tổ chức các lớp bồi dưỡng truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử cho 02 trường THPT: Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và Trường THPT Lê Hồng Phong. Kết quả triển khai thực hiện có 65 học sinh tham gia các lớp bồi dưỡng năng khiếu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Các em học sinh nắm được những vấn đề cơ bản về bộ môn nghệ thuật này và thực hành được các bài lý, bản tài tư Nam bộ và vọng cổ như: Nam xuân (lớp 1), Nam ai (lớp 1), xuân tình (lớp 1), Tứ đại oán (lớp 1), Xàng xê (lớp 1), Dạ cổ hoài lang, Lý tầm quân, Lý con sáo, Lý Mỹ Hưng, vọng cổ nhịp 32. Hiện nay, một số trường học trên địa bàn tỉnh hình thành các nhóm, CLB hoạt động sinh hoạt thường xuyên, có sự tham gia của giáo viên và học sinh. Các nhóm, CLB tham gia biểu diễn tại trường và tham gia sinh hoạt giao lưu cùng các CLB đờn ca tài tử của địa phương.
- Tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh và trên địa bàn các xã điểm xây dựng nông thôn
Góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ Nam bộ, giữ gìn tinh hoa văn hóa, bản sắc dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao dồi kỹ năng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; nhân kỷ niệm 180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2016 với chủ đề "Tự hào Tây Ninh 180 năm hình thành và phát triển", liên hoan đã quy tụ 9 đội Đờn ca tài tử từ 9 Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt tham gia, ngoài ra còn tổ chức liên hoan "Đờn ca tài tử, cải lương" trên địa bàn các xã điểm xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh.
Tại các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn đờn ca tài tử; trong đó quan tâm khuyến khích các đội tham gia dựa theo các bài bản gốc, các bài bản cách tân dễ thuộc, dễ nhớ. Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, cấp huyện, xã đã tổ chức hơn 80 hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử.
- Tham gia liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc lần thứ I và lần thứ II
Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh vinh dự được tham gia Festival Đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc lần thứ I năm 2014 tại tỉnh Bạc Liêu và lần thứ II năm 2017 tại tỉnh Bình Dương. Kết quả tham gia Festival lần thứ I đạt: 02 giải B và 01 giải C tại Hội thi Đờn ca tài tử Nam bộ, 01 giải C về Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ. Kết quả tham gia Festival lần thứ II đạt: 01 giải A và 02 giải B tại Hội thi Đờn ca tài tử Nam bộ, giải khuyến khích về Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ.
Đề án "Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020" luôn được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự triển khai thực hiện của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sở, ngành đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện Đề án. Kết quả 5 năm thực hiện về cơ bản đã đảm bảo được các nội dung công việc đã đề ra theo lộ trình của Đề án.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo lực lượng nghệ nhân Đờn ca tài tử của tỉnh, của đội ngũ nhạc công, nhạc sư... của quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng góp phần bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hầu hết các phong trào Đờn ca tài tử của địa phương phát triển theo tính tự phát, các nghệ nhân truyền dạy đa phần đã lớn tuổi trong khi một bộ phận giới trẻ ngày nay ít quan tâm và tiếp cận đến loại hình nghệ thuật này; do vậy việc truyền nghề, truyền ngón gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục bảo vệ và phát huy tốt các giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ góp phần tăng thêm sức mạnh văn hoá truyền thống của vùng Nam bộ nói chung và văn hóa Tây Ninh nói riêng./.
Kim Hồng
Ý kiến bạn đọc