ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ LĨNH VỰC DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Thứ ba - 31/10/2023 11:11 531 0
Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch khi mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động và đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới. Chuyển đổi số trong ngành du lịch chính là việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

Nhìn lại, trong giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã có những bước đi, và nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá xúc tiến du lịch như: tăng cường các hoạt động e-marketing vào truyền thông; nâng cấp trang thông tin điện tử; sử dụng ấn phẩm du lịch trực tuyến và bổ sung thêm các ứng dụng công nghệ phần mềm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và phản hồi về các hoạt động du lịch của tỉnh Tây Ninh; thu thập và số hóa các tài liệu quảng bá, xúc tiến du lịch phục vụ du khách; đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các hạ tầng mạng xã hội: facebook, zalo, youtube; thực hiện chuyên trang du lịch với "Hướng dẫn viên ảo"... giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin du lịch Tây Ninh.

Khi đại dịch Covid-19 lắng dịu, tỉnh Tây Ninh đã bắt tay vào các hoạt động cụ thể nhằm vực dậy du lịch tỉnh nhà, như: Tổ chức các Hội thảo và các Chương trình trải nghiệm du lịch Tây Ninh bằng hình thức trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch bệnh; Phối hợp với các travel blogger, tiktoker, KOLs, hoa hậu, người mẫu nổi tiếng, các nhiếp gia chuyên nghiệp để quảng bá du lịch Tây Ninh thông qua các chương trình famtrip, trải nghiệp du lịch và quảng bá trên các trang cá nhân của người nổi tiếng… đã khẳng định được sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Tây Ninh, đưa Tây ninh trở thành điểm sáng phục hồi, số lượng du khách đến với địa phương không ngừng tăng lên và sản phẩm, chất lượng dịch vụ du lịch Tây Ninh cũng trở nên phong phú hơn.

Có thể nói, với khoảng thời gian du lịch cả nước đóng băng do đại dịch Covid-19 vừa qua thực sự vừa là cơ hội vừa là thách thức cho tỉnh Tây Ninh trong việc nhìn nhận, đánh giá lại sức hút của du lịch tỉnh, đồng thời thay đổi tư duy, cách thức làm du lịch đã cũ, tìm ra các phương pháp làm du lịch mới để thích ứng với tình hình hiện tại; trong đó, việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch để tiếp cận rộng rãi đến nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước là một bước đi tất yếu mà ngành du lịch Tây Ninh còn tương đối chậm triển khai hơn so với các tỉnh, thành trên cả nước.

(Nguồn: TTXTDL)

Nhận thức được vấn đề này, tỉnh đã quan tâm tập trung thực hiện, triển khai các ứng dụng chuyển đổi số để thích ứng với xu thế và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2570/KH-UBND ngày 14/8/2023 về quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu xác định các điểm tham quan trọng điểm và các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các Lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhằm đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hóa, lịch sử. Đồng thời tập trung đẩy mạnh và ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch, từng bước định hình và hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Các nội dung được UBND tỉnh chú trọng triển khai thực hiện gồm: Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh, phát triển đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh trên các công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch; Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông với nội dung Tích hợp Cổng thông tin du lịch Tây Ninh với Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh, Xây dựng các kênh truyền thông du lịch của tỉnh, qua việc khai thác các nền tảng mạng xã hội miễn phí như: Fanpage, Zalo Official, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok... , vận hành App du lịch Tây Ninh có tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch…; Xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; Xây dựng hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề cập đến các nội dung như: phát huy thương hiệu điểm đến Trung ương Cục miền Nam – Thủ đô Cách mạng miền Nam; định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải ưu tiên đẩy mạnh sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử cũng như nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng dẫn tự động (auto guide) bằng nhiều ngôn ngữ để phục vụ tốt hơn cho khách du lịch.

         Hy vọng nền kinh tế số sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thay đổi ngành du lịch, chuyển dần cách thức tương tác cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

Tác giả: Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây