GIỚI THIỆU SÁCH: NHẬN DIỆN BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH TỈNH TÂY NINH

Thứ sáu - 30/09/2022 19:04 474 0
Là một tỉnh biên giới vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh mang trong mình nét đẹp tích hợp của điều kiện tự nhiên, môi trường và lịch sử - văn hóa đặc thù, có thể tổng hợp thành nguồn lực to lớn và thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương ở hiện tại và tương lai.

    Tây Ninh sở hữu gần như rất đầy đủ các loại hình tự nhiên ở Nam Bộ, có núi cao hồ sâu, đồng bằng châu thổ màu mỡ (sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn) và đồi gò đất đỏ bazan trù phú; chỉ thiếu yếu tố biển đảo. Tây Ninh có rừng núi, có đồng bằng, có mạng lưới giao thông xuyên vùng và xuyên quốc gia rộng khắp với hệ thống nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng, sớm đã trở thành “phên giậu” và “cửa ngõ” thân thuộc của vùng đô thị - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước trong giao lưu với khu vực. Từ xa xưa, cư dân Nam Bộ và cả nước biết đến Tây Ninh qua tổ hợp tín ngưỡng Bà Đen trên núi mang tên Bà (“nóc nhà Nam Bộ”), đến đạo Cao Đài với Tòa thánh Tây Ninh tráng lệ, đến món bánh canh Trảng Bàng đặc sắc, và đến hệ thống các loại muối gia vị đặc trưng của một vùng đất chuộng ăn chay dưới ảnh hưởng của đạo Cao Đài. Tây Ninh còn được biết đến với truyền thống lễ nghi gia đình và cộng đồng đậm đặc, trực tiếp hun đúc nên cốt cách, tinh thần trọng lễ nghĩa của cư dân vốn đa dạng về tộc người, văn hóa và tôn giáo ở địa phương. Đặc biệt hơn, Tây Ninh còn được nhiều thế hệ người Việt Nam ở Nam Bộ biết đến với nhiều căn cứ cách mạng quan trọng cấp quốc gia, là suối nguồn của các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần uống nước nhớ nguồn.
    Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tuy có khởi đầu muộn hơn một số địa phương lân cận; song Tây Ninh lại rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ chế, chính sách, nhu cầu và xu hướng thị trường, chủ động khai mở nhiều khu công nghiệp và thu hút nhà đầu tư ở dải đất phía đông nam của tỉnh, dần dà hình thành thế cân đối giữa các loại hình kinh tế chính: nông nghiệp – công nghiệp – lâm nghiệp – du lịch – giao thương quốc tế…
    Tuy nhiên, tất cả các nguồn lực sẽ tiếp tục “ngủ yên” nếu chúng ta chưa nhận diện hết giá trị và chưa có kế hoạch tổng thể phát huy các giá trị ấy. Các nghị quyết quan trọng của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong thời gian vừa qua cho thấy ước vọng và quyết tâm chính trị cao độ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh trong việc nhận diện và khai thác có trách nhiệm các nguồn lực tự nhiên và văn hóa nhằm phát triển hơn nữa các bình diện kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng.
    Trên đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế du lịch trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Khoa Văn hóa học) tổ chức chuyến khảo sát di sản tự nhiên, lịch sử - văn hóa vào tháng 3 năm 2022 và tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” vào ngày 28 tháng 4 năm 2022 tại Thành phố Tây Ninh. Hội thảo đã thu hút 40 tham luận của nhiều tác giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn ở Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, bước đầu đã thành công trong việc phác họa bức tranh bản sắc văn hóa cộng đồng và gia đình Tây Ninh, góp phần giúp tỉnh nhà có cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở hiện tại và tương lai. 
Cuốn sách có cùng tên với hội thảo nói trên là tập hợp các bài viết của các tác giả tham dự hội thảo, đã được bổ sung, chỉnh lý sau hội thảo, là kết quả của bao nhiêu tâm huyết và kỳ vọng cho một Tây Ninh phát triển bền vững, một Tây Ninh tiềm năng, trách nhiệm và nghĩa tình. Sách do Nhà xuất bản Đại hộc Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2022.
    Cuốn sách được chia làm bốn phần với từng nội dung cụ thể. Trong đó, phần mở đầu với bài viết “Nhận thức chung về bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” của hai tác giả gồm PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng – Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và ông Trương Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh. Ở nội dung này, các tác giả đặt ra vấn đề về cách tiếp cận, những điều kiện và giá trị của bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh nhằm phục vụ cho việc tổ chức khai thác, đem lại hiệu quả cao cho các hoạt động du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cho đất nước nói chung. Đồng thời, bài viết còn đề cập đến mối quan hệ bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình cùng những định hướng thực tiễn cho tỉnh Tây Ninh.
    Phần một “Nhận diện bản sắc văn hóa góp phần định hướng phát triển Tây Ninh”. Các bài viết trong phần này tập trung nhiều đối tượng khảo sát, với nguồn tư liệu và phân tích phong phú, trên cơ sở xem xét nghiêm túc về vị thế địa – văn hóa kết hợp với không gian lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng để khẳng định bản sắc địa phương mà có bài viết gọi là yếu tố “AND của văn hóa Tây Ninh” nhưng quan trọng hơn cả là hầu hết đều hướng đến mục tiêu góp phần phát triển kinh tế xã hội và phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân Tây Ninh trong thời gian tới. Có những bài viết còn đặt ra nhiều vấn đề lớn đáng quan tâm như: Di sản văn hóa và sản nghiệp văn hóa, thiết chế trong tương quan với đời sống văn hóa và xã hội trên địa bàn, xây dựng thương hiệu địa phương cho tỉnh Tây Ninh dựa trên kinh nghiệm nước ngoài, v.v.
    Phần hai viết về “Truyền thống gia đình Tây Ninh”. Đáng chú ý là phần này xem xét đặc điểm văn hóa gia đình Tây Ninh từ góc độ tiếp cận bản sắc và ý thức về bản sắc thông qua nghiên cứu trường hợp cụ thể. Có bài viết đi sâu hơn vào văn hóa gia đình người Khmer không chỉ để nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc địa phương mà còn xây dựng nên một loại hình sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của tỉnh Tây Ninh. Cũng đáng chú ý đó là vấn đề “bản sắc con người Tây Ninh và vai trò của gia đình, dòng họ” cũng đã có bài viết nhấn mạnh lại lần nữa rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm đầy đủ hơn để có nhiều gia đình văn hóa và cộng đồng văn hóa phát triển thực chất, toàn diện và bền vững hơn nữa…
    Phần ba “Phát triển du lịch Tây Ninh”, các bài viết trong nội dung này thường gắn với những vấn đề cụ thể nhưng cũng có thể đề cập tới những vấn đề chung của Tây Ninh, từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực về vị trí địa lý, nguồn lực thiên nhiên, con người, kinh tế, văn hóa để khẳng định tiềm năng du lịch rất phong phú của địa phương. Từ đó các tham luận đã gợi mở cho Tây Ninh một số ý tưởng quan trọng về định hướng phát triển du lịch, nhằm đưa du lịch Tây Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo mục tiêu mà tỉnh đã xác định.
    Phần “Tổng kết” PGS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã khái quát lại toàn bộ nội dung đã được đề cập trong cuốn sách bằng sáu từ “Hội tụ - Tiết nghĩa – Khoan dung” nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh.
    Từ những nội dung được phác thảo ở trên, cùng với sự nỗ lực, tích cực tham gia của các tác giả thông qua tham luận của mình hy vọng cuốn sách “Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” sẽ đóng góp vào nền học thuật nước nhà một tập hợp các nghiên cứu về bản sắc văn hóa và truyền thống nói chung, văn hóa gia đình Tây Ninh nói riêng.

    Các bạn có thể tìm đọc quyển sách này tại Thư viện tỉnh Tây Ninh (Số 83 Đường Phạm Tung ,Phường 3, TP Tây Ninh ,tỉnh Tây Ninh)
    Hoặc truy cập vào Cổng thông tin Thư viện tỉnh tại địa chỉ: https://thuvien.tayninh.gov.vn vào mục Tài liệu số để tìm đọc sách ./.


 

Tác giả: Hồng Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây