Tiếp tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể lần hai – năm 2018

Thứ ba - 07/03/2017 21:00 364 0

Tiếp tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể lần hai – năm 2018

Ngày 08/02/2017 vừa qua UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, lần thứ hai – năm 2018, theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhằm thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ Quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Nghị định 62).

Theo Nghị định, việc xét chọn danh hiệu trên nhằm tôn vinh những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước ở các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống và Tri thức dân gian để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai – năm 2018. Tại điều 65 (khoản 4) Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật thi đua khen khen thưởng năm 2013 quy định: "Danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9".

Sở VHTTDL là cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai – năm 2018; đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 62 của Chính phủ; kiểm tra, thẩm định, tổng hợp hồ sơ phục vụ công tác xét tặng của Hội đồng cấp tỉnh; trả lời đơn, thư liên quan đến công tác xét tặng danh hiệu và hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chủ tịch nước theo quy định.

Về tiêu chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Điều 5 Nghị định 62 quy định: "Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"".

Về danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Điều 6 Nghị định 62 quy định: "Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên".

Theo hướng dẫn của Sở VHTTDL, căn cứ Nghị định 62 Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh phổ biến đến các nghệ nhân đủ tiêu chuẩn, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định bước một ở cơ sở; phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể xã hội: Hội cựu Chiến Binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và nhân dân trong khu vực tổ chức cuộc họp lấp ý kiến của cộng đồng đối với các cá nhân nghệ nhân được đề nghị xét tặng. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian gửi Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Hai – năm 2018 chậm nhất là ngày 30/8/2017 (tính theo dấu bưu điện). Sau đó Sở VHTTDL – cơ quan thường trực sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng xét tặng cấp tỉnh và báo cáo về Bộ VHTTDL.

Được biết, năm 2015 Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Nghệ nhân ưu tú" cho 600 cá nhân trong cả nước "đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc". Trong đó Tây Ninh vinh dự có 06 "Nghệ nhân ưu tú", đó là: ông Nguyễn Thế Long (Nghệ nhân loại hình Tri thức dân gian); ông Đỗ Văn Trượng (Đỗ Thanh Hiền), ông Huỳnh Hữu Trí, ông Hà Văn Hồng (Hai Cắt), ông Trần Văn Xén và bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (Nghệ nhân loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian).

                                                                               V.H.M

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây