Di tích lịch sử Đình thần Phước Chỉ

Thứ sáu - 09/10/2020 03:00 599 0

Di tích lịch sử Đình thần Phước Chỉ

Đình Phước Chỉ tọa lạc trên một gò cao tại ấp Phước Đông, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Cũng như các ngôi đình khác ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng, đình Phước Chỉ là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh của làng. Thành Hoàng của đình là Ngài Trùm Cả Biện Văn Đống. Ngài là người có công đưa dân đến Phước Chỉ khai hoang lập nghiệp và bảo vệ cho vùng đất này. Cảm mến công đức và sự hy sinh của ngài người dân đã lập đình thờ và tôn ngài làm Thành Hoàng của làng.

Trong thời kỳ đầu đến định cư Ngài Biện Văn Đống vừa dẫn dắt dân khai hoang đến lập ấp mở mang ruộng vườn vừa phải chiêu tập lực lượng để đối phó với người Khmer. Tương truyền trong một trận giao tranh ác liệt Ngài và thuộc hạ bị bao vây tứ phía nhưng vẫn cố thủ chờ viện binh, song không thấy, Ngài đã nhảy xuống sông Vàm Cỏ tuẫn tiết để tránh rơi vào tay người Khmer. Khi quân tiếp viện đến đã muộn, thấy vậy đã cho an táng và chọn bến sông nơi Ngài tuẫn tiết xây một ngôi đình thờ ngài tại Rạch Me.

Do Rạch Me thường bị nước ngập vào mùa mưa nên Đình được dời đến ấp Phước Đông vào năm 1880. Theo lời cụ Lê Văn Chánh thì Đình Phước Chỉ được vua Tự Đức ban sắc phong cho Ngài Biện Văn Đống, tuy nhiên sắc phong này đã mất trong chiến tranh.

Năm 1891, chính quyền Pháp sáp nhập làng Phước Mỹ vào làng Phước Chỉ. Do làng Phước Mỹ trước đó đã có đình được xây dựng từ năm 1845 nên khi mới nhập thôn đình của Phước Mỹ trước đó vẫn được duy trì, cho nên từ năm 1891, Phước Chỉ có đến hai ngôi đình đó là Đình Phước Chỉ (còn gọi là Đình Trung) và Đình Phước Mỹ. Tuy nhiên Đình Phước Mỹ sau đó đã bị tàn phá hoàn toàn trong chiến tranh, tại ngôi Đình Phước Mỹ cũ người dân xây một cái am nhỏ để hương khói.

Năm 1947, Đình Phước Chỉ bị thực dân Pháp đốt cháy, thời điểm sau đó chiến tranh lan rộng, người dân chạy loạn, ngôi Đình bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh.

Sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc người dân được trở lại cuộc sống như trước, mọi người đã phục dựng lại Đình. Nhưng do tài chính khi đó quá ít ỏi, Đình được xây dựng lại đơn sơ.

Trong khoảng những năm 1983-1989, Đình được phục dựng lại bằng xi măng, tường xây gạch, mái lợp tole. Hàng năm Đình vẫn tiếp tục được trùng tu sửa chữa, nguồn kinh phí xây dựng Đình chủ yếu là từ sự đóng góp của người dân, cho đến hiện nay Đình đã được tôn tạo đơn giản bằng tường gạch, mái tôn với khoảng 150m2. Năm 2018, tiếp tục được trùng tu, tường quét vôi, lợp lại mái tole thiếc.

Đầu năm 2019, Ban khánh tiết Đình dựa trên kinh phí đóng góp của người dân đã tiến hành đại trùng tu nhiều hạng mục của đình: sửa lại 4 cột trong chính điện, trong đó 2 cột trước bàn thờ Thần được đắp cặp lưỡng long, tạc tượng Thần nông, tượng xích thố, hoành phi khắc tên Đình, câu đối chạm ở cột trước của chính điện, trùng tu bàn thờ Cửu huyền trăm họ, bàn thờ cộng đồng. Ngoài ra còn sửa chữa các công trình phụ như: tráng nền nhà bếp, lót sân trước nhà ăn.

Hiện nay, hàng năm Lễ Kỳ Yên (Cầu an) của Đình được tổ chức vào ngày 15-16/2 âm lịch, Lễ Cầu bông tổ chức ngày 15-16/11 âm lịch với sự tham gia của dân làng và khách mời từ các ban hội đình khác nhằm thể hiện tấm lòng của người dân đối với các bậc tiền hiền và vị thành hoàng của làng mình, những người đã có công khai hoang gìn giữ và phát triển làng. Đây cũng là dịp để mọi người gần gũi nhau hơn, siết chặt tình cảm gắn kết cộng đồng.

Đình Thần Phước Chỉ là một trong những ngôi Đình hình thành sớm ở Tây Ninh, đánh dấu một mốc lịch sử trong thời kỳ Nam tiến khai phá đất đai của người Việt vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỉ 19 trên vùng đất này. Đình chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa rất riêng và quan trọng, Đình không chỉ là nơi thờ Thần mà còn là "nhân chứng" xác định mốc lịch sử lập làng, là minh chứng lịch sử của ông cha ta trong quá trình mở đất, đấu tranh để tồn tại ở vùng đất này, thể hiện sự gắn bó của người dân với vùng đất Phước Chỉ .

Trải qua những giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc với biết bao biến cố, từ xưa đến nay, Đình Phước Chỉ vẫn luôn là "ngôi nhà chung" của dân làng, là nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân. Đình còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi hội tụ của dân làng tạo điều kiện cho mọi người trong làng gắn kết với nhau trong những hoạt động sinh hoạt lễ hội diễn ra ở đình. Tuy Lễ Kỳ Yên của Đình không còn diễn ra theo tập tục và nghi thức xưa, mà đã được đơn giản hóa nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống văn hóa, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", ghi nhớ công lao của những người có công khai hoang mở đất, lập làng.

Dinh than Phuoc Chi 2.jpg

Để khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của Đình Thần Phước Chỉ, mặt khác để góp phần giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, Đình Thần Phước Chỉ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định số 2927/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 về việc xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Thần Phước Chỉ./.

Văn Trắng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây