NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ năm - 15/12/2022 13:32 1.899 0
Thiết chế văn hóa là tên gọi dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa gồm đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Tính đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được đầu tư, xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của Nhân dân. Cụ thể, có Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh; 09 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; 94 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn; 301 Nhà văn hóa ấp, liên ấp và 12 Nhà văn hóa dân tộc.

Thiết chế văn hóa ở cơ sở được xác định gồm: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã; Nhà Văn hóa ấp, liên ấp. Đến nay, tỉnh đã có tổng cộng 407 thiết chế văn hóa ở cơ sở (cấp xã, ấp). Trong những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, các thiết chế văn hóa cơ sở không ngừng được đầu tư xây dựng, nhìn chung đã phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, các hoạt động chính trị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là động lực thúc đẩy học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm hành chính xã Long Giang, huyện Bến Cầu

được xây dựng khang trang, có đầy đủ các phòng chức năng phục vụ hoạt động hiệu quả.

Hiện có 94 Trung tâm VHTT&HTCĐ xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, chỉ có 79/94 Trung tâm có cơ sở vật chất và trụ sở hoạt động riêng (còn lại 15/94 Trung tâm sử dụng chung cơ sở vật chất với UBND xã, phường, thị trấn). Tính đến cuối năm 2021, có 55/94 Trung tâm đã được xây dựng đạt chuẩn theo quy định Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tất cả Trung tâm đều được được trang bị máy tính có kết nối mạng, có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân với khoảng từ 100 đến 1.500 đầu sách. Việc khai thác công năng cơ sở vật chất hiện có trong tổ chức các hoạt động phục vụ người dân vẫn còn nhiều bất cập hạn chế như:

- Đối với 55/94 Trung tâm đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, một số Trung tâm có vị trí xây dựng chưa phù hợp, nằm sâu, xa khu vực dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút người dân tham gia các hoạt động cũng như công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa cho các hoạt động phục vụ cộng đồng. Còn lại 39/94 Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng, hoặc có chỉ mang tính tạm thời do trưng dụng các cơ sở hạ tầng đã cũ từ các ngành, đoàn thể ở địa phương nên không phù hợp cho việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; một số xuống cấp, không còn sử dụng được, các trang thiết bị (âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, dụng cụ…) chưa được trang bị hoặc có trang bị nhưng rất hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu hoạt động. Đối với Trung tâm VHTT&HTCĐ đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, một số Trung tâm có vị trí xây dựng thuận lợi, nhưng việc thu hút người dân tham gia các hoạt cũng như công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa cho các hoạt động phục vụ cộng đồng chưa thật sự hiệu quả.

Theo Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 02/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện tại 100% các Nhà văn hóa ấp, liên ấp đều đảm bảo bộ máy tổ chức hoạt động gồm 01 Chủ nhiệm, 02 Phó Chủ nhiệm và cộng tác viên được cơ cấu từ các tổ chức, đoàn thể địa phương. Trên thực tế, bộ máy tổ chức của hệ thống thiết chế này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phát huy được vai trò trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Quỹ đất cũng như nguồn kinh phí hạn hẹp tại các địa phương nên đa phần đều được trưng dụng từ các văn phòng ấp cũ sửa chữa, nâng cấp lại để đảm bảo theo quy định vì vậy một số không phù hợp để tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ mà chủ yếu được sử dụng cho việc hội, họp của các tổ chức cơ sở tại địa phương; bên cạnh các trang thiết bị hoạt động được đầu tư theo gói thầu của nhà thầu khi xây dựng, sửa chữa vì vậy thường không đảm bảo về quy mô cũng như chất lượng để tổ chức các hoạt động có quy mô trung bình, lớn; một số thiết chế có vị trí nằm sâu, xa khu dân cư, đường xá đi lại khó khăn… người dân không đến sinh hoạt, không thể tổ chức hoạt động, rơi vào tình trạng bỏ không.

Thực trạng đến nay, còn 15 Trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã chưa có trụ sở riêng 24 Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn. Ngoài ra, vẫn có Trung tâm chưa phát huy hiệu quả sử dụng khai thác cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng trong việc tổ chức các hoạt động phục vụ người dân dẫn đến một số thiết chế văn hóa xuống cấp, không còn sử dụng được; các trang thiết bị (âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, dụng cụ…) chưa được trang bị hoặc có trang bị nhưng rất hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu hoạt động.

Văn phòng ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành

đã xuống cấp, hiệu quả hoạt động kém.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 quy định chế độ cho người quản lý và kinh phí duy trì tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa cấp xã, ấp với mức cấp 20 triệu/NVH ấp/năm, 40 triệu/năm/xã chỉ đủ để tổ chức 1 số các hoạt động theo kế hoạch năm đề ra và chi phí quản lý (như điện, nước, văn phòng phẩm, thuê người vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ cho cơ sở vật chất…) vậy nên kinh phí ngân sách cấp không đủ để tổ chức hết các nhiệm vụ theo kế hoạch năm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Việc huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và phát huy công năng cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa chưa được đổi mới, chưa có mô hình mới để đáp ứng nhu cầu  hưởng thụ văn hóa của người dân (chủ yếu hoạt động theo số lượng nội dung kế hoạch từ đầu năm, do đó không thu hút được sự tham gia của người dân); hầu hết các thiết chế văn hóa cơ sở chưa vận dụng được công nghệ 4.0 vào các hoạt động, chương trình phục vụ nhân dân, do vậy các chương trình chưa phong phú và đa dạng. Nguyên nhân là do năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế trong việc tham mưu triển khai tổ chức các hoạt động, cụ thể như sau:

Ban Lãnh đạo Trung tâm VHTT&HTCĐ, Ban Chủ nhiệm Nhà Văn hóa ấp, Nhà Văn hóa dân tộc còn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, chưa khai thác được hiệu quả cơ sở vật chất, nội dung hoạt động chưa phong phú, thiếu sự thu hút quần chúng nhân dân đến tham gia. Nhiều hoạt động còn mang tính ứng phó theo quy định của Bảng đánh giá; chất lượng hoạt động không cao.   

Văn phòng ấp Tân Đông (Nhà Văn hóa Dân tộc), xã Tân Thành, huyện Tân Châu

cơ sở vật chất chưa xây dựng đạt chuẩn.

Do sự bất cập về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, chế độ chính sách… đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Các nội dung chương trình, hoạt động trong thời gian qua còn mang tính đối phó theo chương trình kế hoạch năm, vì vậy nội dung chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai của các tổ chức chính trị xã hội cho các đối tượng là hội viên, đoàn viên tham gia vào các hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được đồng bộ và thường xuyên; chủ yếu chỉ tập trung triển khai vào các dịp lễ lớn trọng đại của đất nước và địa phương trong năm. Do vậy, chưa huy động được đông đảo các lực lượng tham gia sinh hoạt hoặc trực tiếp tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa này.

Cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp thường không mang tính ổn định lâu dài do bị luân chuyển điều động công tác theo nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương. Mặt khác là do hiện nay chưa bố trí được biên chế cho người làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp và không có cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng người đáp ứng về năng lực và trình độ chuyên môn vào làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp.

Một số Nhà văn hóa ấp chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, hiệu quả để cộng đồng tham gia. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn và chưa có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương. Các thành viên trong Ban chủ nhiệm phần lớn là đã lớn tuổi, không đảm bảo trình độ chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Từ thực trạng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh những năm qua; để khắc phục những tồn tại, vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tập trung bốn nhóm giải pháp như sau:

Một là, về cơ chế, chính sách

- Xây dựng chính sách đặc thù của Tỉnh về sử dụng cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa theo hướng xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động văn hóa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa để khai thác, sử dụng, phát huy công năng của cơ sở vật chất tại các thiết chế văn hóa, gắn trách nhiệm của cộng đồng dân cư vào hoạt động, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa.

- Nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức vận hành, khai thác thiết chế văn hóa theo hướng ngân sách đảm bảo kinh phí tổ chức hoạt động cơ bản, có định hướng, dẫn dắt phong trào, thu hút, mở rộng các hoạt động thường xuyên, xã hội hóa; bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là các ấp sinh hoạt chung cơ sở vật chất như: nhà văn hóa liên ấp.

- Đưa nội dung xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở vào Nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

- Ban hành Quy chế phối hợp quản lý và sử dụng chung cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa ở cơ sở để các đoàn thể cùng tham gia tổ chức và triển khai các hoạt động hiệu quả.

Hai là, Giải pháp về nguồn nhân lực

- Chọn cán bộ đáp ứng về năng lực và trình độ chuyên môn, có nhiệt huyết với nghề (văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao) để hoạt động các thiết chế văn hóa phát huy được hiệu quả thiết thực.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên sâu, thường xuyên cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

- Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm thực tế về các mô hình thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động hiệu quả; tổ chức tham quan thực tế và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở.

Ba là, Giải pháp về cơ sở vật chất

- Bố trí vốn đầu tư để xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa cấp xã chưa được xây dựng đạt chuẩn; duy tu, sửa chữa các thiết chế văn hóa bị hư hỏng, xuống cấp.

- Xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, tránh tình trạng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dàn trải, gây lãng phí, không hiệu quả.

Sân bóng đá nằm trong khuôn viên Trung tâm hành chính

của xã Long Giang, huyện Bến Cầu hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

- Rà soát cơ chế đầu tư, sự phù hợp của các thiết chế văn hóa các phường, thị trấn đối với những nơi có thiết chế văn hóa cấp huyện, tỉnh.

Bốn là, Giải pháp về phương thức hoạt động

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương giám sát các hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở.

- Gắn liền phương thức hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở và thiết chế văn hóa dân gian (các lễ hội, các di sản văn hóa của từng địa phương đã tồn tại lâu đời) để đạt hiệu quả và phát huy giá trị di sản văn hóa.

          - Tổ chức tổng kết hàng năm để tìm ra những mô hình hoạt động mới, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch kịp thời triển khai, nhân rộng các “Mô hình hoạt động mới, hiệu quả”.

 

Tác giả: Duyên Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây