Qua khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu thiết yếu về các hoạt động văn hoá văn nghệ của người Tà Mun - Từ đó có kế hoạch đề xuất hỗ trợ cho người dân tộc phát huy bảo tồn phát triển phù hợp tập tục địa phương góp phần vào việc giữ gìn bản sắc và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người Tà Mun - Suối Đá.
Trong khu dân cư đồng bào người Tà mun hiện có 94 hộ với 316 nhân khẩu là người Tà Mun, sinh sống thuộc 3 tổ (9, 10 và 17) của ấp Tân Định 2, xã Suối Đá. Nhìn chung, đời sống các hộ dân còn khó khăn (hiện có 8 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo) có mức sống trung bình, chủ yếu sống bằng nghề làm mướn, chăn nuôi nhỏ lẻ.
Người Tà Mun - Suối Đá đang “mai một” về tiếng nói, chữ viết và công cụ lao động kể cả các làn điệu dân ca mang tính đặc thù. Nếu nói là dân tộc S'tiêng thì hiện cũng không có người biết tiếng nói chữ viết S'tiêng rõ ràng và trải qua nhiều thế hệ gọi chung chung là người Tà Mun, không được xác định là dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo đó, đa số bà con chỉ biết sử dụng và dựa vào ngôn ngữ Khmer và chủ yếu là sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày. Kể cả trong sinh hoạt văn hoá lễ, hội cũng sử dụng điệu múa tự do và đa số dựa theo nếp sống dân tộc Khmer và người kinh là chính. Bên cạnh việc ăn tết cổ truyền cùng với dân tộc Kinh, đồng bào Tà mun duy trì giữ nguyên bản sắc 2 lễ hội tương đối lớn như: lễ hội đón năm mới “Chôl Chnăm Thmây” cầu xin vụ mùa mới vào khoảng giữa tháng 4 và lễ hội cúng ông, bà “Kha Un Cô Kha Mun” diễn ra vào đầu tháng 9 âm lịch mà người Khmer gọi là tết “Sene Đolta”.
Nhằm để gìn giữ và phát huy các phong tục tập quán của đồng bào người Tà Mun đoàn khảo sát ghi nhận các ý kiến đóng góp của địa phương, sẽ đề xuất, hỗ trợ trong việc thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giúp đồng bào người Tà Mun có điều kiện sinh hoạt trong thời gian tới.
Tác giả: TTVH
Ý kiến bạn đọc