Bảo tàng tỉnh

Bà Đặng Kim Sử - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh.
- Địa chỉ: 44A Hoàng Lê Kha, Phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
- ĐTCQ: 0276 3822.562
- ĐTDĐ: 0938.242.239
- Email: baotangtayninh@tayninh.gov.vn

Chương I

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Bảo tàng tỉnh Tây Ninh (sau đây gọi tắt là Bảo tàng tỉnh) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Th thao và Du lịch, có chức năng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tầm hiện vật; nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và tổ chức phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ xã hội.

2. Bảo tàng tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trụ sở làm việc tại: số 44A đường Hoàng Lê Kha, khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

 

Điều 2. Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật

1. Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể

a) Bảo tàng được sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể ở trong và ngoài nước phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng.

b) Bảo tàng tổ chức việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể thông qua các phương thức sau đây:

- Khảo sát điền dã sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể;

- Khai quật khảo cổ;

- Tiếp nhận tài liệu, hiện vật do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng;

- Mua, trao đổi tài liệu, hiện vật với tổ chức, cá nhân.

Việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

c) Tài liệu, hiện vật của bảo tàng được chuyển giao, thanh lý, hủy trong các trường hợp sau:

- Không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng;

- Bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi;

- Được xác định gây hại cho con người và môi trường;

- Được xác định không chính xác về lịch sử, văn hóa, khoa học;

- Được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;

- Được xác định nguồn gốc bất hợp pháp.

Căn cứ ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học của bảo tàng và quy định pháp luật có liên quan, Giám đốc bảo tàng ngoài công lập quyết định việc chuyển giao, thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật; Giám đốc bảo tàng công lập đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp của bảo tàng quyết định việc chuyển giao, thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật.

2. Hoạt động kiểm kê

a) Bảo tàng tổ chức kiểm kê tài liệu, hiện vật theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006.

b) Hồ sơ kiểm kê tài liệu, hiện vật được lập, quản lý ổn định, lâu dài; được lưu trữ bằng văn bản và lưu trữ bằng công nghệ thông tin.

3. Hoạt động bảo quản

a) Hoạt động bảo quản tài liệu, hiện vật bao gồm:

- Sắp xếp tài liệu, hiện vật và tổ chức kho để bảo quản;

- Lập hồ sơ về hiện trạng tài liệu, hiện vật và môi trường bảo quản;

- Tổ chức việc bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, phòng chống tai họa, rủi ro cho tài liệu, hiện vật.

b) Việc bảo quản phải được thực hiện với mọi tài liệu, hiện vật khi trưng bày, khi lưu giữ trong kho và khi đưa ra ngoài bảo tàng.

c) Việc bảo quản tài liệu, hiện vật phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến tài liệu, hiện vật.

d) Khi thực hiện hoạt động bảo quản phải đảm bảo theo Quyết định số 47/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 03/7/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng.

4. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể

a) Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:

- Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng;

- Trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước;

- Tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

b) Trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm:

- Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng;

- Chú trọng trưng bày tài liệu, hiện vật gốc;

- Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

- Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham quan;

- Bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng;

- Thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh, an toàn cho tài liệu, hiện vật, khách tham quan;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều 3. Nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng được thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để phục vụ công chúng và góp phần phát triển lý luận bảo tàng học.

2. Bảo tàng được liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ xã hội

1. Hoạt động giáo dục

a) Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm:

- Hướng dẫn tham quan;

- Tổ chức chương trình giáo dục;

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề;

- Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.

b) Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng.

c) Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2. Hoạt động truyền thông

a) Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:

- Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa hoạt động của bảo tàng;

- Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của bảo tàng;

- Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong và ngoài nước.

b) Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng

1. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:

a) Tổ chức dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác;

b) Tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng;

c) Tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch;

d) Cung cấp thông tin, tư liệu;

đ) Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;

e) Giám định, thẩm định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

g) Bảo quản, phục hồi, làm bản sao tài liệu, hiện vật;

h) Hợp tác khai quật khảo cổ;

i) Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng.

2. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân;

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn khác

1. Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật;

2. Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

3. Báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của Bảo tàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

4. Quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự, thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bảo tàng tỉnh theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch;

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC

Điều 7. Cơ cấu tổ chức của Bảo tàng tỉnh

1. Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

a) Giám đốc là người đứng đầu Bảo tàng tỉnh, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng tỉnh và các công việc được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao hoặc ủy quyền.

b) Các Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của Bảo tàng tỉnh.

c) Việc bổ nhiệm Giám đốc, các Phó Giám đốc do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định theo điều kiện, tiêu chuẩn chức danh và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật; việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, các Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Phòng Hành chính – Tổng hợp – Tài chính;

b) Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn, bảo tàng.

Điều 8. Số lượng người làm việc

1. Số lượng người làm việc của Bảo tàng tỉnh do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao trên cơ sở Đề án vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và nằm trong tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

2. Căn cứ chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hằng năm, Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc theo quy định, báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây