Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, mỗi năm Thư viện tỉnh đều tiến hành tuyển chọn và bổ sung nhiều đầu sách, báo – tạp chí ở tất cả các lĩnh vực, thể loại khác nhau. Đây có thể xem là kho tri thức đồ sộ, giúp bạn đọc lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kiến thức nhằm nâng cao vốn hiểu biết cho mình. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ từ thứ ba đến chủ nhật trong khung giờ hành chính để giúp bạn đọc có nhiều cơ hội được khai thác và sử dụng hiệu quả vốn tài liệu sẵn có. Đặc biệt, khi bạn đọc đến với Thư viện sẽ được đội ngũ cán bộ thủ thư hướng dẫn tận tình từ nội quy, cách tra cứu tài liệu trên OPAC, cách tìm sách trong kho, giới thiệu một số sách mới hiện có, v.v… và được cấp thẻ thư viện miễn phí có giá trị sử dụng trong vòng 01 năm. Cũng nhờ đó, mỗi ngày Thư viện tỉnh đều thu hút được một lượng đông đảo người đến đọc và mượn sách.
Để mở rộng, thu hút độc giả ngày càng nhiều hơn, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều mô hình, chương trình thiết thực và có ý nghĩa nhằm đưa sách đến với bạn đọc ở hầu khắp các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Với phương châm “Sách đi tìm người”, Thư viện thường xuyên tổ chức các chuyến xe lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn học sinh phương pháp và kỹ năng đọc sách qua các hoạt động đố vui, trả lời các câu hỏi kiến thức. Cho đến thời điểm hiện tại, Thư viện tỉnh đã tổ chức 35 cuộc, phục vụ hơn 17 nghìn lượt bạn đọc và hơn 27 nghìn lượt tài liệu.
Bên cạnh việc phục vụ sách lưu động, Thư viện còn tiến hành luân chuyển 27.000 đầu sách đến các tủ sách cơ sở, các đồn biên phòng, trại giam trên địa bàn tỉnh (mỗi điểm từ 100 đến 200 bản sách). Căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương, Thư viện sẽ chọn sách, đưa sách về phục vụ cho phù hợp, đúng đối tượng. Sách luân chuyển có nội dung phong phú, gồm: chính trị, văn hoá, xã hội, y tế, nông nghiệp, pháp luật, đời sống, văn học, v.v… Hoạt động luân chuyển sách về cơ sở đã góp phần không nhỏ trong việc giúp tăng cường vòng quay của sách, nâng cao hiệu quả sử dụng sách; làm phong phú thêm vốn tài liệu cho thư viện, tủ sách cơ sở; đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, giải trí, tạo thói quen đọc sách cho người dân địa phương.
Song song với các phương thức phục vụ truyền thống, để bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, từng bước triển khai các dịch vụ thư viện trên các hạ tầng số để phục vụ người dùng tin. Từ tháng 10/2019, Thư viện tỉnh đã tiến hành nâng cấp Phần mềm quản lý thư viện Ilib 4.0 sang Phần mềm quản trị thư viện tích hợp Vebrary 5. Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cấp phần mềm quản trị thư viện tích hợp và xây dựng thư viện số tỉnh Tây Ninh”, nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ của Thư viện tỉnh theo xu hướng nội dung mở, liên thông, hội nhập và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người đọc, quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên có trong thư viện.
Từ cuối năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã tiến hành số hóa được hơn 56.000 trang tài liệu địa chí. Tài liệu sau khi được số hóa và chỉnh lý sẽ được đưa lên Cổng thông tin thư viện tại địa chỉ https://thuvien.tayninh.gov.vn, người dùng có thể sử dụng được vốn tài liệu này qua không gian mạng một cách dễ dàng, giúp tiết kiệm được thời gian và công sức.
Cùng với đó, Thư viện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền trên các nền tảng số như trang Facebook, trang Zalo OA, kênh Youtube, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách; tổ chức các hoạt động, cuộc thi; tăng cường trưng bày sách, báo nhân các ngày lễ kỷ niệm lớn của tỉnh, của đất nước; v.v… Tích cực đẩy mạnh việc tư vấn cho bạn đọc qua các trang mạng xã hội của thư viện. Đồng thời, thực hiện cấp, phát thẻ bạn đọc qua hình thức online. Với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, các kênh thông tin ứng dụng mạng xã hội của Thư viện tỉnh luôn được người dùng quan tâm tham khảo và chia sẻ.
Có thể thấy rằng, những hoạt động đa dạng, linh hoạt trong việc nỗ lực triển khai các giải pháp đưa sách đến gần hơn với độc giả là việc làm ý nghĩa, cần thiết nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Đây chính là cơ sở để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa và thấm sâu trong đời sống cộng đồng.
Tác giả: Như Huỳnh
Ý kiến bạn đọc