Với nội dung Kiểm kê nhằm đánh giá thực trạng, sức sống và phân loại, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Hoa, Thái, Mường) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngày 09/08/2023 Bảo tàng tỉnh đã phối hợp Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Châu, phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Tây Ninh tiến hành khảo sát tại cộng đồng dân tộc Chăm (ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu), cộng đồng dân tộc Hoa (phường 2, thành phố Tây Ninh), cộng đồng dân tộc Khmer (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh).
Tham gia đoàn khảo sát có bà Đặng Thị Kim Sử - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, bà Bùi Thị Hoa, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, viên chức Bảo tàng tỉnh, nghiên cứu viên Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, và chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Châu, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tây Ninh.
Bước đầu đoàn khảo sát đã khai thác, thu thập, sưu tầm các thông tin liên quan đến Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng dân tộc Chăm tại xã Suối Dây, cộng đồng dân tộc Khmer tại xã Thạnh Tân, cộng đồng dân tộc Hoa tại phường 2, thành phố Tây Ninh. Mục đích của cuộc khảo sát nhằm khảo sát tiền trạm và sưu tầm tư liệu phục vụ cho việc xây dựng bộ công cụ kiểm kê khoa học về loại hình trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ và dân nhạc) nhằm phục vụ cho công tác kiểm kê và đánh giá thực trạng của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, Thái và Mường còn đang tồn tại và có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; nhận diện và phân loại các loại hình dân ca, dân vũ và dân nhạc của các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, Thái và Mường. Đồng thời góp phần nhận diện rõ nét hơn không gian trình diễn/ không gian sinh hoạt văn hoá xưa và nay của các loại hình này, gắn với các nghi lễ của từng tộc người; lập danh mục di sản văn hoá phi vật thể về loại hình dân ca, dân vũ và dân nhạc của các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, Thái và Mường trên địa bàn tỉnh, gắn với các di tích văn hoá tín ngưỡng và lễ hội. Từ đó đề xuất các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch./.
Tác giả: Minh Trinh
Ý kiến bạn đọc