Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 10/04/2024 08:58 489 0
Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống với 5.551 hộ/ 20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh.

Trong đó chủ yếu là các dân tộc: Khmer (2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,78% dân số toàn tỉnh), Chăm (1.083 hộ/4.451 nhân khẩu, chiếm 0,38% dân số toàn tỉnh), Hoa 920 hộ/3.112 nhân khẩu, chiếm 0,26% dân số toàn tỉnh, người Tà Mun có 568 hộ/1.750 nhân khẩu, chiếm 0,15%) và các DTTS khác chiếm khoảng 0,16%. Trong mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có nét văn hóa riêng, luôn đoàn kết chung tay gìn giữ nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc, cùng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các dân tộc định cư rải rác đều khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở các huyện tuyến biên giới như Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu. Đồng bào các dân tộc ở Tây Ninh đã trải qua nhiều đời trên đất Việt Nam, có truyền thống gắn bó, chan hòa và giao lưu văn hóa mật thiết với đồng bào người Kinh và giữa các cụm dân cư dân tộc tạo sự thuận lợi trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa các khu dân cư nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh có một quá trình lịch sử lâu dài cùng chung sống sáng tạo, tụ hội nhiều giá trị văn hóa được hình thành và phát triển từ một nền văn hóa dân gian với nền nông nghiệp trồng trọt… đó là thiết chế xã hội nông thôn và văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số khá đa dạng và phong phú.

Về dân ca dân tộc thiểu số Tây Ninh, hiện tại đã sưu tm được dân ca Khmer (4 bài), dân ca Chăm (17 bài), dân ca Tàmun (21 bài) và Stiêng (1 bài). Tuy nhiên các bài bản, các làn điệu, trình diễn cũng bị mai một dần đi.

Về lễ hội, vì có sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em đã làm cho lễ hội truyền thống ở Tây Ninh có những nét rất riêng biệt, vừa giữ những nét truyền thống nhưng vừa mang tính hiện đại:

Lễ hội dân tộc Khmer: Lễ vào năm mới (Chol Chnam Thmay; Lễ Sen Dotal; Lễ cúng trăng (Ok Oom Bok), ngoài ra đồng bào dân tộc Khmer còn có các lễ hội khác như: Kathina, Nhập hạ, Dâng bông. Lễ hội dân tộc Chăm: Người Chăm Islam ở Tây Ninh thực hiện các lễ hội theo phong tục Hồi giáo như: Lễ Cầu an, Lễ Tạ ơn, Lễ mừng sinh nhật thiên sứ Mohamed; lễ Tết – Roya Haji (trùng với mùa hành hương thánh địa Mécca), lễ Ramadan... Các lễ hội của người Chăm Islam đều được tổ chức với nghi lễ cầu nguyện tại Thánh đường trong đó lễ Ramadan là một lễ hội văn hóa quan trọng của người Chăm Islam ở Tây Ninh. Lễ hội người Hoa: được tổ chức tại các công trình kiến trúc, các cơ sở thờ tự đặc trưng của người Hoa ở Tây Ninh như miếu Thiên Hậu (phường 2, thành phố Tây Ninh), miếu Quan Thánh đế quân (phường 2, thành phố Tây Ninh), miếu Nhị phủ (thị xã Trảng Bàng), miếu Thất phủ (thị xã Trảng Bàng), Minh Nghĩa hội (thị xã Trảng Bàng), Thanh An cung (thị trấn Gò Dầu), Trong đó hai ngày lễ hội lớn nhất của người Hoa ở Tây Ninh là Lễ vía Quan Thánh đế quân (13 tháng Giêng âm lịch) và ngày vía Thiên Hậu thánh mẫu (23 tháng 3 âm lịch)…

Về truyện kể dân gian người Khmer, Chăm và S’tiêng có thể kể như: sự tích núi Bà Đen (truyện kể dân gian Khmer), sự tích núi Bà Đen và núi Bà Rá (truyện kể dân gian S’tiêng).

Các trò chơi, dân ca, dân vũ dân gian đa số cũng chỉ diễn ra và được gắn liền với các lễ hội này như trò chơi đẩy gậy, cà kheo.. của người Khmer; đánh cù, cướp cờ… của người Chăm. Trò chơi dân gian mang tính chất cổ truyền như kéo co, chọi gà…

Các nghệ thuật dân gian cổ truyền tỉnh Tây Ninh còn lại rất ít các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền: các điệu Múa Xòe đồng bào dân tộc Thái tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, loại hình nghệ thuật múa Trống Chhay-dăm của đồng bào dân tộc Khơ me Tây Ninh và đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.

Về trang phục dân tộc thiểu số: Đa số các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn duy trì việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các ngày lễ hội chính của dân tộc, cụ thể như: Váy (Aban) và khăn (Tanrak) của người Chăm; áo Xá xẩu, quần tiều, Xườn xám của người Hoa; váy (Xăm pot), Xà rông của dân tộc Khmer…

Đ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Dự án 6) năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện 10/19 nhiệm vụ tại Hướng dẫn số 1684/HD-BVTTDL ngày 28/4/2023 về việc thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có thực hiện: bảo tồn 01 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch (Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng năm 2023); tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn 01 chương trình phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (Nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn Lễ cúng miếu - Lễ rước bông và tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun); Xây dựng 01 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian (Câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật dân gian của dân tộc Khmer nhằm gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer cũng như gìn giữ loại hình múa trống Chhay-Dăm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên); hỗ trợ hoạt động cho 01 đội văn nghệ truyền thống xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; hỗ trợ 01 chương trình tuyên truyền quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng 01 mô hình văn hóa truyền thống (mô hình trải nghiệm văn hóa Khmer tại ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành).

Ngoài chương trình Bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, còn hỗ trợ 01 bộ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; tu bổ chống xuống cấp 01 chương trình thuộc Di tích Tháp Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, thuộc hậu kỳ nền văn hóa Óc – Eo; hỗ trợ chống xuống cấp di tích tháp cổ Chót Mạt, xã Tân Phong, huyện Tân Biên thuộc nền văn hóa Óc – Eo cũng được quan tâm và phát huy giá trị. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục giải đoạn 1 trong năm 2024 và 2025 và giai đoạn 2 (2026-2030)./.

Hình:

1. Múa Trống Chhay-dăm của đồng bào dân tộc Khmer Tây Ninh (tác giả: Đỗ Thành Nhân)

2. Múa chằng tết CholChnamThmay (tác giả: Lê Văn Hải)

3. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể năm 2023

 

Tác giả: Kim Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây