ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1962-1975), XÃ TÂN BÌNH, HUYỆN TÂN BIÊN, TỈNH TÂY NINH ĐƯỢC BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA

Thứ sáu - 12/01/2024 10:45 137 0
Thực hiện chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 23/01/1961 đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện những quyết sách quan trọng, có tầm chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Trung ương Cục miền Nam tổ chức các cơ quan phụ trách các lĩnh vực như: quân sự, an ninh, tuyên huấn, hậu cần,… nhằm giúp Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các mảng công tác.

Sau một thời gian chuẩn bị về nhân sự và tổ chức, ngày 23/11/1961 tại Mã Đà, Chiến khu Đ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và được Trung ương Cục miền Nam giao phụ trách mảng công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục trong toàn đảng bộ miền Nam để phát động quân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ban Tuyên huấn có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu, giúp Trung ương Cục miền Nam thống nhất chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện về công tác chính trị tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền hướng dẫn đường lối của Đảng về cách mạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Đến năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.

Khi thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ có khoảng 150 người quy tụ chủ yếu cán bộ ở lại chiến trường sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, gồm 6 bộ phận: Văn phòng Ban (văn thư, cơ yếu, giao liên, bảo vệ); Thông tấn xã Giải phóng; Đài phát thanh Giải phóng; Bộ phận đối ngoại tiếng Anh, Pháp; Nhà in Trần Phú và Đoàn văn công Giải phóng. Từ năm 1962 đến năm 1974, Ban Tuyên huấn phát triển lớn mạnh lên đến 3.700 cán bộ.

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri...

Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, trong đó có 03 cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương hạng nhất, nhì, ba,…

Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 01/2015 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Để lưu niệm và ghi dấu nơi các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, những người con ưu tú của Đảng đã chiến đấu, hy sinh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) đã được xây dựng và khánh thành từ năm 2005 thuộc ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2020, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, cần phải trùng tu, tôn tạo và nâng cấp nên di tích được cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,9 tỷ đồng, được vận động từ nguồn xã hội hóa, hỗ trợ từ Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ. Hiện nay Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) gồm có các hạng mục công trình chính như sau: Cổng, nhà bia, đài tưởng niệm và một số công trình phụ khác.

Ngày nay, Địa điểm Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) là địa chỉ đỏ của các thế hệ người làm công tác Tuyên giáo tổ chức về nguồn vào các dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Tuyên giáo (01/8) hàng năm; dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh. Các cuộc họp mặt nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của ngành Tuyên giáo, những cống hiến, thành tựu công tác của ngành Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh, niềm tự hào cho các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo, qua đó giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau nhất là các thế hệ trẻ.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa như trên Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023.

Tác giả: Minh Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây