Đặc sắc Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen Tây Ninh

Thứ tư - 10/04/2024 09:27 21 0
Nhìn xa xa, giữa thiên nhiên tuyệt đẹp núi Bà Đen hiện ra giữa cánh đồng xanh mướt với ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ (cao 986 m) mang nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, cùng sự oai nghiêm của Chùa Bà tạo cho cảnh vật đầy sự tĩnh lặng huyền ảo. Nơi đây, được bao phủ bởi mây trắng quanh năm cùng các ngôi chùa hàng trăm năm tuổi và những hang động kỳ bí, làm cho núi Bà trở thành chốn linh thiêng của vùng đất Tây Ninh, là điểm đến không thể thiếu của người dân Tây Ninh và Phật tử ba miền mỗi dịp Tết đến, xuân về..

Đặc biệt khi nói đến núi Bà Đen người ta nghĩ ngay đến Điện Bà hay Linh Sơn Tiên Thạch Động. Điện Bà ở độ cao 225m, khu vực này có chùa Thượng (chùa Bà, lên cao nữa có chùa Hang, chùa Hoà Đồng, chùa Quan Âm. Điện Bà thờ Bà Đen- Linh Sơn Thánh Mẫu, hiển linh với các huyền thoại về Sự tích Nàng Đênh, truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương…được truyền tụng trong nhân dân. Tương truyền rằng khi Chúa Nguyễn Ánh bị thất thế trong cuộc chiến với quân Tây Sơn, Linh Sơn Thánh Mẫu đã hiển linh báo mộng để cứu giúp ngài và binh sĩ, khi vua Gia Long lên ngôi, tưởng nhớ công ơn cứu giúp của bà, đã sai Tả quân Lê Văn Duyệt lên núi làm lễ sắc phong và tạc tượng Bà thờ ở một hang đá trên núi gọi là Điện Bà. Bên cạnh Linh Sơn Thánh Mẫu, Chùa Bà Đen còn thờ tự Phật Thích Ca, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm, Tiêu Diện, Thập Bát La Hán cùng nhiều vị Bồ Tát khác ở khu vực chánh điện. Hàng năm diễn ra các lễ hội văn hoá của tỉnh: Hội xuân núi Bà, lễ hội cách mạng Động Kim Quang, Đặc biệt là Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu…thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước về tham dự.

Du khách đến dự Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (nguồn internet)

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức trong 3 ngày bắt đầu từ ngày mùng 4 và kết thúc vào trưa ngày mùng 6 tháng 5 (âm lịch) hàng năm, vừa tuân thủ những nghi thức của lễ hội Phật giáo, lại vừa mang dáng dấp lễ hội dân gian và được lưu truyền bởi các sư trên chùa núi Bà Đen. Phía trong nơi chính điện là tượng Bà Đen cùng các bàn thờ Tứ vị Sơn thần và các cô, cậu đứng hầu hai bên. Tượng Bà Đen là dáng hình một người phụ nữ mang nét quý phái, vương giả ngồi trên ghế, một tay đặt tên ghế, một tay đặt trên đầu gối, úp xuống; một tay để ngửa, cầm một chiếc quạt xoè trước ngực; đầu đội khăn, gợi lên hình ảnh một cô gái Nam Bộ. Những ngày Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu khu vực các chùa núi bừng lên không khí hội hè dân gian. Khách hành hương thường mang theo hương, đăng, trà, quả để dâng cúng bà, đặc biệt là nhiều người đến từ các tỉnh bạn nhưng nhiều nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ với những mâm hoa sen thơm ngát hái từ đồng ruộng quê nhà. Trên sân Điện những mâm quả được bàn biện đẹp mắt, đợi lượt vào dâng cúng; cũng có các nghệ nhân chuẩn bị sẵn những mâm vàng bạc được làm từ giấy trắng kim lấp lánh sắc bạc vàng, có nhiều hình ngọn tháp để phục vụ khách hành hương dâng cúng lên Bà. Nét đắc sắc của Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là nghi thức dâng phẩm vật cúng bà được thể hiện dưới dạng cách điệu hoá bằng nghệ thuật được các nhà sư đi theo nhạc tấu, bài thài với các điệu Xuân, Nam và lối khua chân theo chữ “Tâm”, vừa uyển chuyển, vừa tôn nghiêm đầy tính ước lệ như những điệu múa tinh tế. Sau lễ cúng là chương trình văn cúng, biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa bóng rỗi, múa dâng bông – dâng mâm, hát chập Địa -Nàng trước điện. Một khách hành hương sẽ đọc chúc văn cúng Bà trước bàn thờ Diệu trì Điện Mẫu. Bài chúc văn viết bằng chữ hán nhưng đọc bằng tiếng việt, đọc xong sẽ được hoá ngay trước Điện thờ…

Ảnh: Thầy sám chủ vị dẫn học trò lễ nữ dâng lễ vật trong Đại lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (Lễ Vía Bà) (Nguồn internet)

Hiện nay Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu vẫn được duy trì các lễ xưa như: Lễ Hưng Tác; Lễ niêm hương khai chung bản, Lễ Khoa nghinh thần chủ; Lễ khoa tịnh trù; Lễ khoa lượt phát; Lễ tắm bà; Lễ trình thập (cúng dâng đồ bà); Lễ khai kinh nhiễu đàn, Lễ cúng ngọ; Lễ bái sám; Lễ khoa cấp thuỷ; Lễ đăng đàn chuẩn tế. Cùng với những hoạt động nghệ thuật dân gian trong suốt những ngày lễ đã làm cho quang cảnh Điện Bà thật nhộn nhịp và rất linh thiêng đã góp phần tạo nên đời sống văn hoá tinh thần phong phú đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của người dân Nam Bộ; Núi Bà Đen được xếp hạng là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tại Quyết định số 100 –VH/QĐ này 21/01/1989 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được các sư thầy trên núi Bà Đen và các sư thầy đang trụ trì tại các chùa trên vùng đất Nam Bộ đều biết và hiểu rõ nhằm duy trì tường tồn theo thời gian.

Tác giả: Kim Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây