Hiệu quả bước đầu trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 21/05/2021 16:00 390 0

Hiệu quả bước đầu trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân địa phương. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

Theo định nghĩa về du lịch cộng đồng tại khoản 15, điều 3 của Luật Du lịch 2017 "Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi". Như vậy có thể hiểu Du lịch cộng đồng là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Du lịch cộng đồng đề cao quyền làm chủ, chú ý phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Với khách du lịch, du lịch cộng đồng tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng.

Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thể để phát triển du lịch, trong những năm vừa qua Tây Ninh đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nắm bắt lợi thế của tỉnh, Tây Ninh gắn kết việc mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên loại hình du lịch này còn sơ khai cũng chỉ mới bước đầu mang tính tự phát, nhỏ lẻ hoặc chỉ mới triển khai mô hình thí điểm, số lượng khách du lịch tham gia loại hình này còn hạn chế. Du khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp cũng chỉ dừng ở mức độ tham quan, như: tham quan mô hình sản xuất tráng bánh tráng phơi sương; tham quan làng nghề mây tre, nứa; tham quan quy trình trồng và sản xuất Trà; tham quan quy trình trồng rau sạch; tham quan vườn nho rừng và sản xuất rượu nho rừng; tham quan vườn cây ăn trái,...

Phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, việc trải nghiệm của du khách cùng với nhà nông ở quy mô nhỏ mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu của du khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Do vậy, nhiều xã, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có tiềm năng và ưu thế để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn chưa tạo ra sản phẩm du lịch, khu, điểm du lịch nông nghiệp nổi trội, đặc sắc để thu hút được nhiều khách du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 về đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch số 719/KH-UBND ngày 10/4/2020 về thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó định hướng phát triển du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch Tây Ninh, Ủy ban nhân dân Thị xã Trảng Bàng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch Thị xã Trảng Bàng, và trong đề án có nội dung phát triển du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và đang mời gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có các dự án: Khu du lịch sinh thái Cát Vàng ở ấp Sóc Lào xã Đôn Thuận; khu du lịch sinh thái Happy Land ở khu phố Lộc Châu phường Lộc Hưng; khu sinh thái Thủy Trúc ở Phường Gia Bình - Thị xã Trảng Bàng…

Du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay) là hình thức du lịch cộng đồng đang bước đầu phát triển tại Tây Ninh. Với vùng đất có nhiều tiềm năng về giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú là cơ sở để Tây Ninh phát triển mạnh loại hình homestay. Lợi ích mà homestay đem đến cho du khách trước hết đó chính là giá cả hoàn toàn hợp lí với túi tiền, đồng thời có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với người dân địa phương, tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần của họ và đặc biệt là cảm giác "như ở nhà mình" khiến du khách vô cùng tự do, thoải mái. Chẳng có điều gì giúp du khách trải nghiệm cảm giác thực tế, tìm hiểu văn hóa địa phương bằng cách được ở chung trong một ngôi nhà của người dân.

DLCD1.jpg

Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng gia chủ tại Homestay in Tây Ninh

Nguồn: Internet

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở Homestay đáp ứng nhu cầu của du khách muốn nghỉ tại nhà dân và cùng trải nghiệm đời sống văn hóa- ẩm thực của người dân bản địa như: văn hóa ẩm thực chay của đạo Cao Đài, trong đó phải kể đến cơ sở Homestay in Tây Ninh (Đường số 14 Lạc Long Quân, Hẻm 14, KP Hiệp Hòa, P. Hiệp Tân, Hòa Thành, Tây Ninh), Homestay Tý Nị (145A Đường lộ Chánh môn, Phường 4, Thành phố Tây Ninh, Tây Ninh), Lam Linh Homestay Tây Ninh (53 Đường số 5, khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh, Tây Ninh)…

DLCD2.jpg

Nguồn: cơ sở lưu trú Tý Nị

Ngoài ra, du lịch văn hóa – lễ hội cũng đã hình thành các sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa tìm hiểu lịch sử về nguồn, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và đờn ca tài tử Nam bộ; Hội Xuân núi Bà, Hội Yến Diêu Trì Cung, Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương, Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh, Lễ hội mãng cầu Bà Đen, Lễ hội Kỳ Yên Đình Gia Lộc, Lễ hội Quan lớn Trà Vong...

Du lịch nông nghiệp với thế mạnh chính phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương như các loại trái cây như mãng cầu Bà Đen, dưa lưới, sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt, ổi ruột đỏ, chuối sứ Bà Đen, chuối già Nam Mỹ, mít; các loại thức uống từ trái cây Tanifood, trà Tâm Lan, trà Hoàn Ngọc Bảy Nga Tây Ninh, mật ong, rượu nho Vang Cy, rượu Đông trùng Hạ thảo, rượu Nam Phong; các món ăn như bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, cá lăng lòng hồ,…phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.

DLCD3.jpg

Du khách tham quan tại cơ sở sn xuất Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh

Nguồn: Đinh Thị Hà

Du lịch làng nghề ở Tây Ninh cũng đang ngày càng hấp dẫn du khách. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xã hội, du lịch làng nghề truyền thống còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương như nghề mây tre, đan lát; nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề chằm nón,….

DLCD4.jpg

Tham quan cơ sở làm bánh tráng tại Trảng Bàng

Nguồn: Internet

Du lịch sinh thái - khám phá và trải nghiệm tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan Hồ Dầu Tiếng Tây Ninh; phát triển du lịch sinh thái kết hợp hình thành các điểm dừng chân du lịch tuyến sông Vàm Cỏ Đông – Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành.

DLCD5.jpg

Trải nghiệm hái rau tại Nông trại Nam Trạng (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) Nguồn: Đinh Thị Hà

Phát triển du lịch làng nghề là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển của ngành Du lịch Tây Ninh. Những lợi ích của nó mang lại không chỉ về mặt kinh tế, giải quyết việc làm mà nó còn là thể hiện ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Với phương pháp khai thác và phát triển du lịch cộng đồng hợp lý như hiện nay, hy vọng thời gian tới loại hình du lịch này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương, đưa ngành du lịch Tây Ninh phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà.



  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây