Du lịch Tây Ninh sau hơn 3 năm thực hiện Luật Du lịch số 09/2017/QH14

Thứ hai - 31/05/2021 16:00 164 0

Du lịch Tây Ninh sau hơn 3 năm  thực hiện Luật Du lịch số 09/2017/QH14

Luật du lịch năm 2005 là văn bản luật đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Từ khi Luật du lịch 2005 (sau đay gọi là Luật 2005) ra đời, hoạt động du lịch Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong những năm vừa qua. Tháng 1 năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chỉ rõ “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự pháttriển của các ngành, lĩnh vực khác”. Trước yêu cầu của tình hình mới, Luật du lịch sửa đổi 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017. Luật du lịch 2017 đã chuyền tải những nội dung có tính định hướng và tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Luật Du lịch năm 2017 ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa chủ trương phát triển du lịch của Đảng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của Việt Nam. Hệ thống pháp luật du lịch nhìn chung đã thể hiện sự linh động, cập nhật kịp thời các quy định phù hợp với hiện nay, Luật Du lịch năm 2017 có những điểm mới phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch của Việt Nam. Điều này được thể hiện thông qua các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch được ban hành gần đây như Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung kịp thời theo tình hình thực tế.

Trong những năm qua, du lịch tỉnh Tây Ninh đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước, sự phát triển của du lịch đã góp phần tích cực thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, từ đó góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị. Tỉnh đã bước đầu kêu gọi được một số nhà đầu tư cho phát triển du lịch như: Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố Shophouse, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng; Tập đoàn Sungroup đầu tư dự án khu du lịch núi Bà Đen.

Ngay khi Luật ra đời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình phức khác nhau: xây dựng tờ gấp về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Trung ương. Ngành du lịch đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân địa phương về Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch đã được … thông qua các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề hoặc lồng ghép do trung ương triệu tập và địa phương tổ chức, cùng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức truyền đạt trực tiếp hay trên các kênh gián tiếp khác như báo, đài, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở ngành.

Nhìn chung, tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến, làm cho mọi người nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho nhiều ngành khác phát triển; một số khu du lịch đã được đầu tư nâng cấp, các dịch vụ phục vụ khách ngày càng hoàn thiện và số lượng khách đến tham quan ngày càng tăng; tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hoá, lương thực, thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ sẵn có trên địa bàn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng tại các điểm, khu du lịch; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và phát huy truyền thống cách mạng.

3 nam 1.jpg

Diện mạo đỉnh Núi Bà Đen được thay đổi (Nguồn: Internet)

Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản Trung ương như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 và ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp tình hình phát triển du lịch địa phương như: Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 05/10/2017 của Tỉnh ủy Tây Ninh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị; Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 và Chương trình hành động số 68-CTr/Tu ngày 05/10/2017

UBND tỉnh phối hợp Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 125/QĐ-TTg, ngày 25/01/2018 về việc phê duyệt "Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035"; Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 05/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035. Đây là cơ sở quan trọng để mời gọi nhà đầu tư tại khu du lịch núi Bà Đen.

Tỉnh ban hành "Đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030" (theo Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 của UBND tỉnh). Đây là cơ sở cần thiết nhằm xây dựng một chiến lược phù hợp tập trung vào phát huy những lợi thế tiềm năng, những đặc thù vốn có ở địa phương theo hướng bền vững. Hiện nay, Tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đúng theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, cam kết đảm bảo những lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; luôn dành cho nhà đầu tư những ưu đãi phù hợp nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư để giảm chi phí và thời gian trong triển khai thực hiện dự án đầu tư. Ủy ban nhân tỉnh ban hành Quyết định danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư cho từng dự án kêu gọi đầu tư.

Công tác quảng bá- xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch hằng năm của Tỉnh đã tạo cơ hội cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh tham gia sự kiện du lịch tại các tỉnh, thành bạn; được học tập, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác; thu hút được sự quan tâm, chú ý của du khách về hình ảnh con người và quê hương Tây Ninh, cũng như các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư về lĩnh vực du lịch. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung công tác xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch thông qua việc tổ chức các lễ hội, giải đấu thể thao, các sự kiện văn hóa từ đó đã tạo hiệu ứng rất tốt việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, vùng đất Tây Ninh. Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí, đài truyền hình trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, danh mục dự án mời gọi đầu tư, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến với du khách và nhà đầu tư.

Tỉnh đã ký hợp tác với các tỉnh giáp biên giới với Campuchia như tỉnh Kampong Cham, tỉnh Svay Riêng, tỉnh Prey Veng, tỉnh Tboung Khmum; ký kết thoả thuận tác với Chính quyền thành phố Gimhae và thành phố ChungJu thuộc Đại Hàn Dân Quốc; ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung ký kết bên cạnh mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng còn tạo động lực xúc tiến du lịch thông qua việc tổ chức trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, kinh nghiệm phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Phối hợp quảng bá tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch và các dịch vụ du lịch; tạo cơ hội hợp tác liên kết tổ chức tour du lịch, hội chợ triển lãm du lịch trong phát triển du lịch.

Ngành Du lịch Tây Ninh đã ký liên kết phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Bạc Liêu, Bình Phước; ký kết hợp tác phát triển du lịch - 8 địa phương 01 điểm đến - với Hà Nội, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu. Thông qua các ký kết hợp tác, trao đổi, cung cấp các thông tin về du lịch của các tỉnh, khu vực; thông qua việc trao đổi các đoàn công tác làm việc và trao đổi nghiệp vụ. Liên kết đối với công tác xúc tiến quảng bá vùng du lịch thông qua tham dự các hội chợ, triển lãm, trao đổi ấn phẩm du lịch giữa các tỉnh và vùng du lịch.

3 nam 2.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ tại Tây Ninh

(Ảnh: Lâm Hữu Bình)

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai những văn bản chỉ đạo của nhà nước về du lịch cho các thành phần tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các tổ chức quản lý các khu điểm du lịch, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch phục vụ tốt khách du lịch, đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, chủ động trong việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch để phát triển đa dạng các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch văn hoá và du lịch sinh thái, như phối hợp Sở, ngành liên quan thẩm định một số đồ án, dự án phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch của tỉnh; phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường trong việc bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch,

Trong bối cảnh phát triển của du lịch Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là trong giai đoạn gần đây, đã tạo ra những cơ hội và cả thách thức cho phát triển ngành du lịch Tây Ninh. Luật Du lịch năm 2017 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của hoạt động du lịch trong xu thế hội nhập đồng thời giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị du lịch văn hóa,… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững và hội nhập với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và cả nước../




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây