Một là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: hàng năm các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường, để mỗi trường học thực sự là môi trường giáo dục, rèn luyện về tri thức, lý tưởng, phẩm chất, và lối sống văn hóa; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thông văn hóa và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh, hướng con người có hoài bão, khát vọng vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ, nhằm hoàn thiện nhân cách con người trong thời đại mới.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; ấp, khu phố văn hóa, tiêu biểu: nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở ấp, khu phố trong quá trình xây dựng, giữ vững danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, tiêu biểu; phát huy vai trò Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát việc bình xét và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu; ấp, khu phố văn hóa, tiêu biểu.
Ba là, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”: tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhất là ở địa bàn ấp, khu phố; chú trọng việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tổ chức Ngày hội. Nâng cao chất lượng việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với “Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam” (18/11- 23/11) hàng năm.
Bốn là, xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”: phối hợp với các ngành, các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định, công nhận đạt chuẩn văn hóa; nâng cao chất lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Quan tâm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến để có tác dụng nêu gương.
Năm là, lồng ghép thực hiện các cuộc vận động trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua do tỉnh phát động: gắn việc xây dựng đời sống văn hóa thông qua thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư và các cuộc vận động, phong trào xã hội lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động về: “Xây dựng chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại đạt tiêu chí văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh”; “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm và xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; “Xây dựng Cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Cựu Chiến binh gương mẫu”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đơn vị lực lượng vũ trang”…
Sáu là, xây dựng “Đô thị văn minh”: tổ chức triển khai và thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các nội dung tiêu chí, trình tự, thủ tục xét, công nhận và công nhận lại “Phường, Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”.
Trên cơ sở nội dung các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, Chương trình thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2026 cũng đã đề ra các giải pháp, tổ chức thực hiện:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Các huyện, thị xã, thành phố đưa chỉ tiêu, nội dung triển khai Phong trào “TDĐKXDĐSVH” vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Về công tác tuyên truyền: đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; đấu tranh, lên án mạnh mẽ các tệ nạn xã hội như: mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, tệ nạn mại dâm, cờ bạc, cá độ, xâm hại phụ nữ, trẻ em... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về huy động nguồn lực: UBND các cấp đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo Phong trào theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 giữa Bộ Tài Chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện phong trào theo quy định pháp luật hiện hành.
Về đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng: thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng; trong đó quan tâm kinh phí khen thưởng đối với các danh hiệu văn hóa được quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; định kỳ tổ chức Liên hoan Gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc các cấp nhằm biểu dương, động viên, khen thưởng các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, sự đóng góp tích cực của các gia đình tại địa phương (cấp xã: tổ chức định kỳ hàng năm; cấp huyện: định kỳ 02 năm/lần; cấp tỉnh: định kỳ 03 năm/lần)
Về chuyên môn nghiệp vụ: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng cho cán bộ, chuyên viên tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp, nhất là cấp cơ sở; bảo đảm phong trào được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.
Về tổ chức tổng kết Phong trào hàng năm, giai đoạn 2022-2026: tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá hàng năm, giai đoạn 05 năm/lần và theo hướng dẫn của Trung ương về Phong trào nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.
Thông qua triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2026 góp phần tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào “TDĐKXDĐSVH” với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; và hơn nữa tthực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hình ảnh minh họa:
Tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026
Ban Chỉ đạo Phong trào Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình tổ chức họp triển khai
Tác giả: Quỳnh
Ý kiến bạn đọc