Kết quả 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (Khóa XI) về "Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

Thứ sáu - 09/10/2020 04:00 540 0

Kết quả 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (Khóa XI) về

Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác xây dựng gia đình luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, thể hiện qua việc Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập đội ngũ Cộng tác viên làm công tác thu thập số liệu, phòng, chống bạo lực gia đình ở ấp, khu phố (gọi tắt là cộng tác viên gia đình) vào tháng 5/2013.

Xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng trong việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị 49-CT/TW, hàng năm các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), đã in và cấp phát 21.300 bộ tài liệu hỏi đáp Luật phòng, chống bạo lực gia đình; 1.800 quyển sổ tay nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững; 170.200 tờ gấp, 1.680 đĩa CD có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; 20.000 quyển sổ tay hỏi đáp về Phòng, chống bạo lực gia đình.đã treo 4.830 băng ron, 385 lượt xe loa; tổ chức các Hội thi; tổ chức Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu (từ năm 2011 đến nay) nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6, kết quả có 268 gia đình văn hóa tiêu biểu được khen thưởng. Phát hành phụ trương kèm theo Báo Tây Ninh phát hành được 42.500 tờ. Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện phóng sự chuyên đề định kỳ về phòng, chống bạo lực gia đình, chương trình tọa đàm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền PCBLGĐ; tuyên truyền giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, hạnh phúc gia đình...

Thông qua hoạt động của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình "Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam", Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và các loại hình hoạt động do các ban ngành đoàn thể quản lý khác ở địa phương đã tuyên truyền, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phê phán những hành vi BLGĐ, tôn trọng bình đẳng giới và các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên khác trong gia đình; đã góp phần nâng cao ý thức của mọi người dân về hành vi BLGĐ, kết quả góp phần kéo giảm tình trạng BLGĐ trên địa bàn dân cư, cụ thể năm 2019 còn 30 vụ, giảm 1.134 vụ so với năm 2005 (1.164 vụ).

khen thưởng 10 năm triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình.JPG

Khen thưởng 10 năm triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát huy hiệu quả, được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, ấp (khu phố) văn hóa, qua đó đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng phát huy được tính tích cực sáng tạo, nguồn lực của nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tính đến tháng 3/2020, toàn tỉnh có 240.359/288.855 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 83,21%; có 518/541 ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, tỷ lệ 95,75%; có 36/80 Xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới, đạt 45%; có 04 Thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 26,67%.

Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các câu lạc bộ sản xuất, tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác sản xuất… của nông dân, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tăng dần quy mô sản xuất, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu...

Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận đa chiều, các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo của các tổ chức - chính trị xã hội tỉnh đã tác động tích cực đến tăng thu nhập và nâng cao dần mức sống của hộ tạo điều kiện trang trải các khoản chi phí khác như mua sắm phương tiện, công cụ sản xuất (trâu, bò, máy móc khác, cây con giống…), tạo việc làm ổn định cho hộ vay, góp phần tích cực trong việc tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, công tác triển khai, tuyên truyền và giáo dục chưa phong phú, đa dạng, chưa sâu sát từng đối tượng, nhất là ở vùng sâu, vùng biên giới. Nguồn kinh phí bố trí cho công tác gia đình cấp huyện, thành phố ở mức thấp không tương xứng với khối lượng công việc được giao; về phía cấp xã, phường, thị trấn hiện nay chưa bố trí kinh phí thực hiện. Đội ngũ làm công tác gia đình ở cấp huyện đa số là kiêm nhiệm. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, hầu hết số vụ bạo lực gia đình tổng hợp được chỉ mới là bề nổi của tình trạng bạo lực gia đình hiện có, chủ yếu các vụ BLGĐ đã được chính quyền phát hiện và xử lý nguyên nhân do một phần tâm lý e ngại của các gia đình xảy ra bạo lực, không muốn vạch áo cho người xem lưng… đang là vấn đề cản trở rất lớn trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương.

Phát huy kết quả được, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình; tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 17/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Tăng cường công tác truyền thông trong đó chú trọng đến việc đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức trong công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) theo chủ đề hàng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến những gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền.

- Tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", chất lượng danh hiệu "Gia đình văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc đẩy mạnh công tác "Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam".

- Tăng cường việc thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, lồng ghép kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kế hoạch số 106-KH/TU ngày 20/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư.

- Rà soát việc củng cố kiện toàn đội ngũ cộng tác viên công tác gia đình tại các ấp, khu phố để làm nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, cập nhật thông tin liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn dân cư.

- Thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng, trang bị phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hòa giải, tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp.

Để triển khai có hiệu quả nội dung, mục tiêu của Ban Bí thư đề ra trong Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư cần sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đặc biệt là mỗi gia đình, luôn xem gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từ đó có những hành động thiết thực, cụ thể, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước  thực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội".

Thúy Quỳnh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây