Hội xuân núi bà – một nét đẹp lễ hội ở Tây Ninh

Thứ ba - 17/07/2012 06:30 570 0

Hội xuân núi bà – một nét đẹp lễ hội ở Tây Ninh

Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh với hệ thống hàng trăm hang động và chùa chiền hình thành lâu đời, mang nhiều giá trị độc đáo về tự nhiên và nhân văn. Đây là một trong những điểm thu hút đông khách tham quan, trẩy hội đầu Xuân của vùng Đông Nam Bộ.

                Hội xuân Núi Bà năm Nhâm Thìn 2012 được chính thức khai mạc vào ngày mùng 4 tháng giêng, gắn với sinh hoạt gặp gỡ kiều bào và sinh viên thanh niên của tỉnh đã góp phần tạo nên không khí vui tươi ấm áp, gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh với mọi tầng lớp, từ đó tạo nên động lực để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Qua hơn một tháng hoạt động, Hội xuân diễn ra trong không khí sôi nổi và vui tươi, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, chiếu bóng phục vụ du khách đến tham quan du lịch Núi Bà cho hơn 30.881 lượt khách đến xem.

Hòa trong không khí chung Mừng Xuân, đón tết, Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen đã tập trung phục vụ tuyên truyền cho nhiều ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là Hội Xuân Núi Bà. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sau khi tiếp nhận Ban quản lý đã chủ động đề ra kế hoạch sửa chữa cải tạo nâng cấp các hạng mục công trình phục vụ trong đó chú trọng đến hoạt động của Nhà Bảo tàng lịch sử văn hóa Núi Bà. Ban Quản lý khu di tích đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh chọn lựa hình ảnh, tài liệu khoa học và tài liệu áp phích trưng bày để giới thiệu đến du khách về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và dân Tây Ninh, quảng bá du lịch và ngành nghề truyền thống của tỉnh nhà, từ đó giúp du khách hiểu về đất và con người dân Tây Ninh qua từng giai đoạn và bảo vệ phát triển. Với hơn 154m2 trưng bày và gần 75 hình ảnh tư liệu, sau hơn 3 tháng hoạt động Phòng trưng bàu đã đón tiếp hơn 500 lượt khách đến tham quan, Nổi bật trong không khí lễ hội xuân như níu bước chân khách thập phương là: Phòng Trưng bày Bảo tàng giới thiệu nhiều hình ảnh của quân và dân Tây Ninh trong thời kỳ kháng chiến  chống Mỹ trước đây. Nơi đây trưng bày những hình ảnh của các chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Bên cạnh đó, để phục vụ tốt cho khách đến tham quan hành hương nhân dịp Hội Xuân Núi Bà, BQL KDTLSVHDT-DLNBĐ đã mở phòng xem phim tư liệu phục vụ miễn phí những thước phim giới thiệu về đất và con người Tây Ninh cũng như giới thiệu đặc sản vùng miền cho du khách.

Mỗi năm, vào dịp đầu xuân quần thể Khu DTLSVHDT-DLNBĐ thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến hành hương, tham quan, du ngoạn và dự lễ Hội xuân Núi Bà. Lễ hội thường kéo dài suốt cả tháng giêng âm lịch nhưng chính lễ Vía Bà là đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng. Ngoài ra, còn một lễ Vía vào ngày mùng 6/5 âm lịch. Trước ngày chính lễ, những vị chủ trì Điện Bà tiến hành lễ “Mộc Dục” (Tắm Thánh) vào lúc nửa đêm, tức là lễ tắm Bà với ba lần khăn lau xông hương sen, lài, sứ, quế … do các lễ sĩ dâng lên. Lễ sĩ là những người thiếu nữ được chia thành cặp trong các bộ xiêm y lộng lẫy, chân bước nhẹ, nhịp nhàng “đăng dài” theo bộ “chữ tâm” trong tiếng nhạc lễ qua các làn điệu Xuân, Đảo Nam Bộ. Lễ hội núi Bà Đen không chỉ là sự tự do tín ngưỡng, mà còn là sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là nơi vui chơi, cắm trại, sinh hoạt truyền thống của thế hệ trẻ, bởi nơi đây từng là căn cứ địa của huyện Dương Minh Châu thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và xa hơn nữa, núi Bà Đen còn là biểu tưởng của mảnh đất và con người Tây Ninh trong công cuộc khai hoang, mở cõi và kháng chiến chống thực dân Pháp giữ nước gắn với tên tuổi của Quan Lớn Trà Vong – Huỳnh Công Giản, Tướng Quân Võ Văn Oai, Trương Quyền …

Vào mùa xuân, có nhiều hình thức lễ hội, được tổ chức ở núi Bà Đen, trong đó có lễ hội truyền thống cách mạng Động Kim Quang (gọi tắt là lễ hội Kim Quang). Điểm đặc biệt là trong khi tất cả hoạt động lễ hội trên núi Bà Đen đều là lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, kể cả những hoạt động vui chơi, mang tính chất “hội” do ngành du lịch tổ chức, đã có từ lâu do Đảng bộ, chính quyền huyện Hòa Thành đứng ra tổ chức. Được duy trì liên tục hằng năm (từ năm 1983 đến nay) nên lễ hội động Kim Quang đã trở thành một nét sinh hoạt truyền thống của địa phương huyện Hòa Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung. Họp mặt truyền thống, ôn lại lịch sử kháng chiến vẻ vang để tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng cho thế hệ thừa kế là nội dung  của hội Kim Quang. Ngày cao điểm trong mùa hội xuân đầu tiên (1983) là ngày 14 tháng Giêng âm lịch, cũng chính là ngày được chọn làm ngày lễ hội Kim Quang. Và bắt đầu từ năm đó, lễ hội này được duy trì liên tục, tính đến nay đã 28 mùa hội xuân. Hơn một phần tư thế kỷ duy trì lễ hội với sức thu hút khách không hề giảm sút, lễ hội Kim Quang thực sự trở thành lễ hội truyền thống văn hóa đặc sắc của huyện Hòa Thành.

Về nội dung “phần lễ” lãnh đạo huyện giao cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy thực hiện với văn bản chính của lễ hội là “Diễn văn truyền thống” do người đứng đầu Đảng bộ huyện (Bí thư huyện ủy) tuyên đọc tại lễ hội. Văn bản thứ hai là “Phát biểu của đại diện thế hệ trẻ” do người đứng đứng đầu Đoàn TNCSHCM của Huyện (Bí thư huyện đoàn). Hai văn bản này là nội dung chủ đạo, không thể thiếu trong “phần lễ” của lễ hội.

“Phần hội” là trách nhiệm của ngành Văn Hóa & Thông tin huyện. Gồm các phần việc chuẩn bị trang hoàng sân lễ, đặt đài tưởng niệm và lư hương để làm lễ đặt tràng hoa và thắp hương tưởng niệm anh linh liệt sĩ.

Chuẩn bị nội dung “Phút truyền thống” dưới dạng sân khấu hóa và chương trình biểu diễn múa lân, biểu diễn ca nhạc phục vụ lễ hội. Nội dung “Phút truyền thống” có kịch bản với đầy đủ nội dung chi tiết về lời bình, âm nhạc, vũ đạo, phục trang … được tổ chức luyện tập công phu, có sự quan tâm, góp ý sâu sắc của lãnh đạo huyện. Nội dung chương trình biểu diễn văn nghệ cũng được bàn bạc chi tiết. Từ một cuộc lễ mang tính kỷ niệm của những người kháng chiến, lễ hội Kim Quang qua hơn một phần tư thế kỷ diễn ra liên tục, đã trở thành lễ hội của toàn dân huyện Hòa Thành. Hàng năm cứ đến dịp tết là các địa phương trong huyện bắt đầu nô nức chuẩn bị tham dự lễ hội Kim Quang, không khí lễ hội lan ra từ khu vực cơ quan nhà nước đến các khu dân cư trong toàn huyện. Từ đó đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Hòa Thành, lễ hội Kim Quang hàng năm đã thực sự là một tập quán ngày xuân, một phần đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu. Đồng thời do được tổ chức đúng ngày cao điểm mùa hội xuân núi Bà Đen, trong lúc BQL Khu di tích này đang tập trung số lượng du khách cao nhất, nên đã thu hút cả những người ngoài huyện, ngoài tỉnh đến tham gia, lễ hội Kim Quang mặc nhiên đã trở thành một bộ phận, một trong những nội dung chính của lễ hội núi Bà Đen.

Hiện nay khu di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh và du lịch núi Bà Đen đã có đường ô tô được mở rộng đưa khách lên lưng chừng núi. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đường nội bộ được lát đá khang trang, các di tích thường xuyên được trùng tu tôn tạo và có nhiều công trình mới đưa vào phục vụ du khách như hệ thống xe điện cáp treo và máng trượt lần đầu tiên có ở Việt Nam. Đây là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam đã được Công ty Du lịch Tây Ninh đưa vào hoạt động phục vụ du khách năm 1998. Đây là công trình đã được Trung tâm sách kỷ lục việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2006 là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam. Tất cả làm cho bộ mặt khu du lịch đổi mới và khởi sắc hơn. Năm 2002, hệ thống máng trượt mùa hè cũng được đưa vào phục vụ khách du lịch nhằm giải quyết lượng khách tồn đọng ở 2 nhà ga cáp treo, đồng thời tạo thêm những sản phẩm du lịch mới lạ thu hút du khách mỗi khi có dịp lên núi.

Hằng năm có khoảng hai triệu lượt khách trong và ngoài nước đến đây du ngoạn, leo núi, vãn cảnh chùa … thời điểm đông khách nhất là những ngày Tết Nguyên đán kéo dài đến rằm tháng Giêng, bởi đó là lúc các đoàn hành hương ở khắp nơi đến đây vừa du xuân, vừa xin lộc…

Có thể nói, cùng với lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc (An Giang), lễ hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Nam Bộ và là nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, một điểm du lịch sinh thái, du lịch truyền thống cách mạng của dân tộc. Song song với niềm tự hào về giá trị truyền thống của Hội xuân núi Bà chúng ta thấy được tâm huyết của những người làm công tác quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Núi Bà Đen.

 

  

  HỒNG LIÊN

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây