Văn hóa giao thông nỗ lực từ sàn diễn

Thứ hai - 17/09/2012 20:50 93 0

Văn hóa giao thông nỗ lực từ sàn diễn

Từ chủ trương của chính phủ, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến sự hóa thân của từng diễn viên, sự lao động vất vả của đội ngũ biên kịch, đạo diễn các anh họa sỹ thiết kế, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và cả anh tài xế lái xe chở đoàn mang nội dung tuyên truyền cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông đến với bà con là sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, ngành nghề vì mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Văn hóa giao thông- nỗ lực từ sàn diễn là những câu chuyện được chắp nối từ nhiều người, là cảm nhận, là tiếng nói của những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa về công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, những kết quả đáng ghi nhận, từ những tràng cười và những giọt nước mắt trên sàn diễn đến những suy ngẫm về việc xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa...

 Nâng cao vai trò lãnh đạo chỉ đạo công tác tuyên truyền an toàn giao thông

            Ông Lê Hồng Tăng- Phó giám đốc Sở VHTTDL Tây Ninh cho biết: Văn hoá là cái gốc của một xã hội văn minh, lành mạnh trong đó có Văn hóa giao thông. Giao thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, rộng hơn là của đất nước. Chính phủ đã quyết định lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Mục tiêu quan trọng là giảm thiểu tai nạn giao thông. Xác định: giảm thiểu tai nạn giao thông, không vi phạm luật giao thông phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho người dân. Vì thế vai trò của những người làm công tác văn hóa rất quan trọng trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước  đến đông đảo quần chúng dưới nhiều hình thức phong phú. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã triển khai kế hoạch  thực hiện công tác tuyên truyền cổ động “Năm An toàn giao thông 2012”; phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo kế hoạch triển khai của Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương đến các đơn vị trực thuộc Sở, trong đó Trung tâm Văn hóa tỉnh có vai trò quan trọng từ công tác tuyên truyền trực quan đến các chương trình văn nghệ phục vụ...

Theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia: “ Văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng Văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Cũng theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, trong Văn hoá giao thông có ba tiêu chí: một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hai là: có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần tôn trọng pháp luật.- Các kịch bản tuyên truyền của của TTVH tỉnh đã được xây dựng dựa trên tinh thần này.

 

 

                          Một buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động

 

Xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng- đóng góp của nghệ thuật:

            Xã hội hiện đại văn minh đòi hỏi những nguyên tắc và tính kỷ luật cao. Chúng ta đặt ra các quy tắc và phải thực hiện nghiêm túc thì mới được xã hội tôn trọng. Ở một góc nhìn khác, sự văn minh, nền văn hóa của một quốc gia được thể hiện một phần nào đó qua văn hóa giao thông. Một xã hội an toàn, không tai nạn, thân thiện và đầy tình người là mục tiêu của cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông do Ủy ban ATGT quốc gia phát động. Để xây dựng được văn hóa giao thông thì bên cạnh hoàn thiện thể chế, tổ chức tốt giao thông, thực thi pháp luật thì phải đẩy mạnh giáo dục, mà giáo dục thông qua các hình thức văn học nghệ thuật là cách làm gần gũi, dễ tiếp cận nhất và có sức lan tỏa cao. Ông Nguyễn Văn Lưu - Tổng biên tập Báo GTVT từng phát biểu trên diễn đàn rằng: Nghệ thuật sẽ góp phần làm chuyển biến ý thức: Việc tác động vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người không gì nhanh hơn, hiệu quả hơn là từ góc độ văn hóa nghệ thuật. Nghệ thuật là tiếng nói từ trái tim đến với trái tim, làm rung động tâm hồn, tạo nên xúc cảm tốt đẹp, cao thượng từ đó sẽ làm chuyển biến về ý thức ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

"45/150"- Nhọc nhằn cho những buổi biểu diễn thành công  

 Đó là con số ấn tượng mà ông Lê Trung Tính- Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động - Trung tâm văn hóa tỉnh cho chúng tôi biết: Để có được 45 phút biểu diễn thành công trên sân khấu, tập thể diễn viên phải nỗ lực trên 150 giờ luyện tập. Do lịch biểu diễn của Đội thường xuyên nên lịch tập dợt là bất kể ngày đêm. Trong năm 2012, Đội Tuyên truyền lưu động ( Đội TTLĐ) với 20 thành viên đã thực hiện hơn 120 buổi diễn về nhiều chủ đề tuyên truyền, trong đó đề tài an toàn giao thông chiếm hơn 1/3 số buổi.

Có sự phối hợp tốt giữa Trung tâm văn hóa tỉnh và Ban an toàn giao thông tỉnh nên đội TTLĐ có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng nội dung kịch bản đến và tổ chức biểu diễn phục vụ bà con. Từ các phường nội thị đến các xã vùng sâu biên giới, từ các nông trường cao su đến các trường THPT khắp 9 huyện thị dấu ấn và những kỷ niệm mà đội TTLĐ lưu lại trong lòng bà con và các em học sinh không chỉ là tràng pháo tay, cành lá hái vội lên tặng diễn viên mà còn là những bài học về ý thức chấp hành luật giao thông đã đến được với bà con một cách gần gũi, lôi cuống hấp dẫn.

Có người bảo rằng: nụ cười và nước mắt trên sân khấu là dòng chảy từ thực tiễn đời sống đến sàn diễn, sàn diễn "ngập tràn" những nỗi đau là vì cuộc sống ngoài kia còn nhiều người khóc quá, sàn diễn hả hê vì cuộc đời còn nhiều điều châm biếm. Ông Lê Trung Tính- Đội trưởng đội TTLĐ- TTVH tỉnh kể với chúng tôi rất nhiều  câu chuyện đáng nhớ về những đêm diễn của đội văn nghệ phục vụ bà con ở các xã biên giới: câu chuyện về một ông cụ xuýt xoa vỗ vai các anh em trong đội nói lời cảm ơn vì giúp ông cho thằng con trai hay uống rượu chạy xe quá tốc độ một "Bài học nhớ đời" ( tên vở diễn) , một chị nông dân cũng cười hả hê: hồi nãy ổng coi kịch "Tốc độ" mấy anh diễn  "ổng mắc cở" vì ổng bị phạt mấy lần rồi! Cám ơn mấy chú về đây diễn cho bà con xem hay lắm. Còn những buổi chiều ở các trường THPT với hàng ngàn học sinh tham dự thì  các em vừa cười vừa bẽn lẽn vì nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong tiểu phẩm  " Bài học nhớ đời"  

Còn nhiều lắm những lời cảm ơn, những cái gật đầu của các bậc ông bà cha mẹ dành cho chúng tôi. Đó là kết quả và là niềm vui bù đắp cho những nỗ lực, tắm mát cho những giọt mồ hôi những ngày tập dợt vất vả.

 

                          Một buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động

 

Có những tiếng hát...

Ca sỹ Triệu Khắc Tư cho biết: "Các ca  khúc về chủ đề giao thông mà chúng tôi thường hát phục vụ bà con như: Bài ca an toàn giao thông (sáng tác: Minh Hoàng), Chúng em với an toàn giao thông ( sáng tác: Hồng Phong), Từ một ngã tư đường phố ( sáng tác: Phạm Tuyên). Kêu gọi sự đồng lòng của mọi người trong việc chấp hành luật giao thông bằng âm nhạc là điều khó không chỉ với các nhạc sỹ sáng tác ca khúc mà còn là áp lực lớn đối với những người thể hiện ca khúc ấy. Nhưng chúng tôi đã hát những ca khúc ấy với tâm huyết của một tuyên truyền viên. Không chỉ hát đơn ca mà phần lớn các ca khúc về đề tài giao thông thường do tốp ca thể  hiện kèm theo múa minh họa với nhiều đạo cụ trực quan tuyên truyền hình ảnh của những đồng chí cảnh sát giao thông tận tụy với công việc.

Có những tràng cười...

Diễn viên Thanh Hoàng chia sẻ: với kịch bản về đề tài giao thông có nhiều phân đoạn "chọc cười" khán giả với những hành động say sỉn, với những cái chân bị băng bó và cái đầu tẩm thuốc đỏ chúng tôi không ngại hình ảnh của mình xấu trước khán giả mà mong sao khán giả sợ những hậu quả của tai nạn giao thông mà tránh.

Các vở diễn: "Bài học nhớ đời", "Tốc độ" do Đội TTLĐ-TTVH tỉnh dàn dựng rất quan tâm đến chất hài như "gia vị " không thể thiếu giúp khán giả thích thú. Biên giới vào đêm, tiếng cười phát ra một cách tự nhiên của các các cụ ông, cụ bà, cô chú trung niên và cả giới thanh niên khi bắt gặp hình ảnh của mình trong các nhân vật trên sân khấu khiến cho các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông đi vào quần chúng nhân dân một cách tự nhiên...

Có những giọt nước mắt:

Diễn viên Kim Tuyến chia sẻ: tai nạn giao thông là nỗi đau khôn tả, trên cuộc hành trình hàng trăm cây số biểu diễn phục vụ bà con tỉnh nhà có những đêm cả đoàn diễn vở "Bài học nhớ đời" trong tâm trạng bùi ngùi vì trên đường đi bắt gặp những hình ảnh tai nạn giao thông thương tâm.  Những hậu quả của tai nạn giao thông mà chúng tôi diễn trên sân khấu so với những hình ảnh thực trên đường nhìn thấy chênh lệch nhiều lắm, thực tế thương tâm hơn nhiều.

Tâm sự của anh tài xế

Trò chuyện với anh tài xế trẻ tuổi Lê Trang Long về câu chuyện bên lề những lần lái xe đưa đội đi diễn anh chia sẻ: đi diễn phục vụ bà con tuyên truyền về an toàn giao thông không dám chạy ẩu, không dám vượt quá tốc độ quy định, nếu mà bị cảnh sát giao thông lập biên bản vì lỗi nào đó chắc là "quê lắm" vì đi tuyên truyền giao thông mà còn vi phạm.

Anh tiếp tục kể với chúng tôi về những đoạn đường ghồ ghề khó khăn ở những xã vùng sâu xa xôi mà xe chở diễn viên đạo cụ khó khăn lắm mới vào được. Anh em ca sỹ diễn viên của đội phải thường xuyên hát điệp khúc "lột giày khiêng loa" hằng trăm mét là chuyện thường vì những đoạn đường lầy lội nhỏ hẹp mùa mưa.  Có đội văn nghệ từ Thị Xã về hát phục vụ bà con vui lắm sẵn sàng giúp đỡ khi đội gặp sự cố. Khán giả của chúng tôi là những chị người dân tộc bồng con xem văn nghệ, mấy anh "mặc tà lõn ở trần..."    

Là một tài xế trẻ, mới 24 tuổi nhưng Trang Long có thâm niên lái xe cùng đội TTLĐ-TTVH tỉnh. Quá trình công tác chưa từng xảy ra lỗi vi phạm nào. Không riêng gì anh mà 20 thành viên của đội TTLĐ trong đi lại hàng ngày cũng chưa có ai bị phạt về các lỗi khi tham gia giao thông...

Suy ngẫm:

Bà con ở những ấp vùng sâu biên giới có biết rằng một tiểu phẩm tuyên truyền, một ca  khúc, một chương trình văn nghệ đến với bà con là kết quả, hội tụ bao công sức trí tuệ và nỗ lực của cả tập thể lớn?!. Từ chủ trương của chính phủ, của Sở VHTT&DL đến sự hóa thân của từng diễn viên, sự lao động vất vả của đội ngũ biên kịch, đạo diễn các anh họa sỹ thiết kế, kỷ thuật âm thanh, ánh sáng và cả anh tài xế lái xe chở đoàn mang nội dung tuyên truyền cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông  đến với bà con là sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, ngành nghề vì mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

 Bài: Võ Hồng Thanh ( Phòng Tuyên truyền cổ động, triễn lãm Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh)

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây