Công tác triển khai thực hiện các văn bản được Sở VHTTDL quan tâm, cụ thể đã tổ chức các Hội nghị triển khai Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, Thông tư số 05/2012/TT-BVHTTDL ngày 02/5/2012 của Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL, Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 Sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 27/2/2012 phê duyệt Quy hoạch hoạt động karaoke – vũ trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; tiếp tục thực hiện Thông tư số 05/2012/TT-BVHTTDL ngày 02/5/2012 của Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL, Sở đã tham mưu ban hành Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 13/8/2013 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số tiêu chí Quy hoạch karaoke – vũ trường tại Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 27/2/2012.
Để công tác triển khai Quy hoạch được thực hiện tốt và đồng bộ, Sở đã ban hành công văn số 103/HD-SVHTTDL ngày 30/8/2013 hướng dẫn quy trình thực hiện giải quyết hồ sơ cấp phép, giấy chứng nhận, thông báo các loại hình dịch vụ và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, mục đích để Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, thành phố nắm rõ quy định trình tự việc thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường hướng dẫn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở địa phương có nhu cầu kinh doanh, đảm bảo thực hiện đúng từ khâu xây dựng công trình đến việc thực hiện thủ tục hành chính.
Công tác quản lý được phối hợp chặc chẽ từ công tác tham mưu cấp phép đến công tác thanh kiểm tra hoạt động karaoke, vũ trường, cụ thể: phân cấp Phòng VHTT cấp huyện quản lý quy hoạch ở cơ sở, xác nhận quy hoạch trước khi UBND cấp huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thẩm định điều kiện cấp phép có sự phối hợp giữa Sở VHTTDL và chính quyền địa phương; sau khi được Sở cấp giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở tiến hành thực hiện các loại giấy về Phòng cháy chửa cháy, an ninh trật tự. Nhìn chung quy trình cấp phép thực hiện khá chặc chẽ; không để xảy ra tình trạng cấp phép ngoài quy hoạch.
Về công tác thanh, kiểm tra của các đội liên ngành từ tỉnh đến cơ sở tiến hành thường xuyên, hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra và tiến hành nhiều cuộc kiểm tra đột xuất. Năm 2013, tiến hành 36 cuộc kiểm tra với 122 cơ sở, nhắc nhở 98 trường hợp, xử phạt 22 trường hợp, tổng số tiền xử phạt 148.600.000 triệu đồng.
Tính đến ngày 05/3/2014 trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp phép cho 366 cơ sở kinh doanh karaoke và 01 vũ trường (huyện Gò Dầu). Cụ thể số điểm karaoke trên địa bàn thành phố có 44/126 điểm (trong đó Phường 4 đã hết quy hoach), Hòa Thành có 50/140 điểm, Tân Biên có 38/88 điểm (trong đó xã Trà Vong đã hết quy hoạch), Tân Châu có 46/70 điểm (trong đó xã Tân Hội, Tân Phú, Tân Hà đã hết quy hoạch), Châu Thành có 38/117 điểm, Dương Minh Châu có 40/134 điểm, Gò Dầu có 47/135 điểm và 01/10 vũ trường, Trảng Bàng có 44/73 điểm (trong đó xã Hưng Thuận, Gia Bình đã hết quy hoạch), Bến Cầu có 19/87 điểm.
Loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke – vũ trường trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về quy mô và số lượng. Về cơ bản những cơ sở kinh doanh dịch vụ trên đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, tuân thủ pháp luật, góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Song bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hoá loại hình này cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề bất cập, vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động sai quy định như: hoạt động kinh doanh không có giấy phép, những phòng được thẩm định không đủ điều kiện cơ sở vẫn cố tình hoạt động, nhân viên phục vụ trong 01 phòng karaoke vượt mức quy định, không đảm bảo ánh sáng trong phòng hát, hoạt động quá giờ quy định, hoạt động thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường ngày càng phát triển với sự đan xen khá phức tạp, đòi hỏi cần phải tăng cường công tác quản lý; tuy nhiên nhân sự thực hiện (gồm các đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội, thanh tra văn hóa…) từ tỉnh đến xã còn thiếu, phạm vi quản lý rộng, phương tiện chuyên dùng chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Việc bãi bỏ thời hiệu giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (từ tháng 9/2011) và việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke, vũ trường khá thoáng như hiện nay (các điểm bị tước giấy phép kinh doanh vẫn được tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bằng chủ thể mới) … đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Từ thực trạng nêu trên, để công tác quản lý và hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp ổn định thiết nghĩ cần phải có sự phối hợp của các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương. Thứ nhất cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke, vũ trường đối với các điểm, cơ sở đã từng vi phạm bị tước giấy phép; thứ hai vì đây là loại hình kinh doanh có điều kiện cho nên Giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường phải có thời hạn nhất định để tránh trường hợp cơ sở vật chất điều kiện thiết yếu bị xuống cấp theo thời gian không còn đảm bảo điều kiện như khi thẩm định ban đầu; thứ ba công tác thanh kiểm tra cần được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo không để các điểm hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật diễn ra. Cuối cùng điều kiện quan trọng hơn hết để công tác quản lý và hoạt động kinh doanh karaoke – vũ trường trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn vẫn là ý thức chấp hành các quy định pháp luật của từng cơ sở kinh doanh, các cơ sở phải chủ động làm đúng và nói không với các tệ nạn xã hội diễn ra tại cơ sở của mình, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke – vũ trường phải “sạch” thì môi trường văn hóa mới thực sự lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí ngày càng cao của người dân.
Nguyễn Thị Giàu
Ý kiến bạn đọc