Cần phải tôn trọng những đứa con tinh thần của tác giả

Thứ năm - 29/05/2014 18:05 98 0

Cần phải tôn trọng những đứa con tinh thần của tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009 trên cơ sở Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 và Bộ luật Dân sự năm 2005. Việt Nam đã tham gia các Điều ước quốc tế (Công ước Berne, Công ước Geneva, Công ước Brussels, Hiệp định TRIPs) và ký kết các Hiệp định song phương với một số nước tiên tiến về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện toàn vẹn và vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được trao đổi trong phạm vi việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Một trong những đối tượng khó quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan là hoạt động của các đoàn nghệ thuật biểu diễn hoạt động theo Luật doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Là một hoạt động có doanh thu trong kinh doanh âm nhạc, múa, tiểu phẩm…nhưng quy định cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho các đoàn này tại địa phương tuân thủ theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu - trong đó không có quy định bắt buộc đoàn nghệ thuật biểu diễn phải thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong thủ tục, hồ sơ xin cấp phép. Điều đó có nghĩa là thù lao trả cho tác giả trong mỗi lần biểu diễn chỉ là thoả thuận giữa đoàn và cá nhân tác giả hay một tổ chức bảo hộ bản quyền (trong thực tế thì việc này cũng ít khi được thực hiện), ngành chức năng về quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá không thể kiểm tra và chế tài việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của các đoàn nghệ thuật biểu diễn này. Một số hoạt động khác có liên quan trên địa bàn là các dịch vụ có sử dụng âm nhạc trong kinh doanh như: nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán cà phê ca nhạc…Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – Chi nhánh phía Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn về thực thi bảo hộ quyền tác giả âm nhạc cho đối tượng này trong tháng 6 năm 2010 với 222 người tham dự là chủ của các dịch vụ có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Hội nghị đã thống nhất chọn địa bàn Thị xã và Gò Dầu làm thí điểm để thu tiền bản quyền âm nhạc trong hoạt động của dịch vụ, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương còn lại trong tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được tại 2 đơn vị làm thí điểm đầu tiên; việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở các đối tượng này vẫn còn bỏ ngõ.

 

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng (không có tài trợ, quảng cáo) với mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo phong trào văn hoá văn nghệ của đơn vị là hoạt động được quyền sử dụng các tác phẩm đã được công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả (Khoản e, Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ - Tuy nhiên nếu người dàn dựng chương trình lấy thù lao của đơn vị biểu diễn thì phải có nghĩa vụ chi trả nhuận bút cho các tác giả ca khúc được sử dụng làm tiết mục trong chương trình), có nghĩa là không phải thực hiện “Quyền tài sản” của tác giả (Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ) nhưng phải tôn trọng thực hiện “Quyền nhân thân” của tác giả (Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ). Thời gian qua, trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng ở một số địa phương, đơn vị đã vi phạm “Quyền nhân thân” của tác giả mà người tổ chức biểu diễn, người biên tập, người dàn dựng và người biểu diễn không biết là mình đã vi phạm; các hiện tượng phổ biến là: Giới thiệu tên ca khúc mà không giới thiệu tên tác giả kèm theo, giới thiệu sai tên tác giả như ca khúc của nhạc sĩ này lại giới thiệu là sáng tác của một nhạc sĩ khác (vi phạm quyền “…được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng” của tác giả – Khoản 2, Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ), hoặc tự sửa tựa bài hát, lời hay giai điệu bài hát khi biểu diễn, lấy một điệu múa của một tác giả đã biên đạo, dàn dựng lại rồi giới thiệu là biên đạo của mình (vi phạm quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào…” của tác giả – Khoản 3, Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ).

 

Đối với bản thân các tác giả (chủ thể được hưởng quyền tác giả) và các tổ chức bảo hộ quyền tác giả, tại Tây Ninh có rất ít nhạc sĩ ký kết hợp đồng uỷ thác bản quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hầu hết các tác giả âm nhạc, văn học, mỹ thuật…còn lại đều “phó mặc may rủi” cho các tác phẩm của mình trôi nổi vào bất cứ nơi nào sử dụng và tiền bản quyền nếu có cũng tuỳ vào “lòng hảo tâm” của nơi sử dụng, không theo một hạng mức nào quy định và cũng không thể biết là nơi đâu đang sử dụng những đứa con tinh thần của mình. Ngay cả VCPMC (thành viên chính thức của CISAC – Liên minh quốc tế các Hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và lời thế giới) cũng không thể thực thi hết quyền bảo hộ các tác phẩm âm nhạc đã được tác giả hợp đồng uỷ thác, nhất là ở lĩnh vực ghi âm, ghi hình bởi nhiều yếu tố: hệ thống chế tài chưa đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, sự bất cập trong các văn bản hướng dẫn dưới luật, sự chồng chéo giữa các tổ chức thu tiền bản quyền…cụ thể như việc thu tiền bản quyền âm nhạc không chỉ có tổ chức VCPMC, mà Hiệp hội công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cũng thu tiền bản quyền âm nhạc. Điều này tạo nên kẽ hở bên cạnh sự chồng chéo trách nhiệm, đơn cử là một số ca khúc của nhạc sĩ Tây Ninh đã có sử dụng ở một số chương trình trực tiếp truyền hình (có tài trợ quảng cáo), trên nhạc chuông của mạng di động như SFone…mà không hề nhận được tiền bản quyền và cũng không biết tổ chức nào thu tiền bản quyền (VCPMC hay RIAV) để đòi lại tiền bản quyền của mình. Trên tất cả là ý thức tôn trọng bản quyền của các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm hiện nay còn rất hạn chế, hiện tượng “quên” trả tiền bản quyền cho tác giả hiện nay không phải là ít. Quyền tác giả chưa được tôn trọng, chưa được thực thi nghiêm chỉnh thì nói gì đến Quyền liên quan – những ca sĩ, diễn viên, nhạc công, nhà dàn dựng…có lẽ còn lâu lắm mới được trả thù lao khi tác phẩm do mình biểu diễn, dàn dựng được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Để tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan,cần phải có nhiều biện pháp cụ thể hơn như: Có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tăng cường vai trò và năng lực các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong hoạt động các tổ chức này cần phối hợp đồng bộ với các ngành quản lý nhà nước tại các địa phương để việc thực thi bảo hộ tác quyền đúng quy định và đạt hiệu quả hơn; Chủ thể tác phẩm là các tác giả cần phải ký kết hợp đồng uỷ thác bản quyền với các Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả và nếu cần thì nên đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả để có quyền lợi về pháp nhân khi xảy ra tranh chấp bản quyền; Các Hội đồng nghệ thuật ở các ngành, đoàn thể hữu quan khi thẩm định các tác phẩm, chương trình nghệ thuật luôn giữ nguyên tắc trên cơ sở tôn trọng tác giả về“Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo…” (Khoản 2, Điều 51 của Bộ Luật Dân sự) và “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…” (Khoản 4, Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ); Các tác phẩm khi được phái sinh (như trường hợp nhạc sĩ lấy thơ của một tác giả để phổ nhạc thành ca khúc), khi được biểu diễn phải giới thiệu đầy đủ tên (hay bút danh) của tác giả có tác phẩm được phái sinh và tác giả đó cũng nhận được thù lao, nhuận bút chung với tác giả làm cho tác phẩm phái sinh; Trên hết là nhận thức và ý thức tự giác của cộng đồng, cần hiểu rõ các luật liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan để tôn trọng những đứa con tinh thần của tác giả đã sinh ra từ sự sáng tạo.

 

 

 

 

               Nhạc sĩ Lê Hoàng Minh

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây