Đến nay, tỉnh Tây Ninh có 22 tộc người (enethny) chung sống, nhưng có ba tộc người được cho là tộc người bản địa của Tây Ninh đó là tộc người Chăm, tộc người Kh’mer và người Tà Mun, mặc dù sống cộng cư, cận cư với các tộc người khác nhưng các tộc người này vẫn giữ những phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa riêng của mình, được thể hiện rõ nét nhất trong các lễ hội cộng đồng, văn học, nghệ thuật dân gian…. Trong đó Dân ca là một trong những thành tố văn hóa thể hiện rõ nhất tính dân tộc, thẩm mỹ nghệ thuật và bản sắc văn hóa cũng như sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của cộng đồng tộc người với các dân tộc khác.
Là một nhóm nhỏ dân cư, chỉ còn tiếng nói nhưng không có chữ viết, sống cộng cư lâu đời với người Việt và người Kh’mer cho nên trong ngôn ngữ giao tiếp của người Tà Mun rất gần gũi với văn hóa, ngôn ngữ của người Kh’mer. Có thể do những đặc thù về sự giao thoa, tiếp biến văn hóa xảy ra lâu đời và mạnh mẽ giữa người Tà Mun với người Việt và người Kh’mer nên dân ca Tà Mun đều là những bài có khúc thức, thang âm – điệu thức cũng rất gần gũi và giống với dân ca của người Việt và người Kh’mer.
Qua bước đầu khảo sát, sưu tầm điền dã dân ca tại Tây Ninh từ năm 1999 đến nay cho thấy số bài dân ca của người Tà Mun sưu tầm được tại Tây Ninh không nhiều (16 bài), nhưng từ một số ít nghệ nhân mà đoàn sưu tầm tiếp cận được cũng khẳng định người Tà Mun vẫn còn lưu giữ được dân ca riêng của tộc người mình. Một khám phá khá thú vị là có nghệ nhân người Tà mun hát được cả 2 loại dân ca: Tà Mun và Xtiêng như trường hợp của nghệ nhân Lâm Lê (xã Tân Thành, huyện Tân Châu) hát được 3 bài: 2 bài dân ca Tà Mun (Chẳng dám đuổi trâu, Để con giữ nhà) và 1 bài dân ca Xtiêng (Dẫn em đi thăm rẫy).
Về tính chất khúc thức âm nhạc, dân ca Tà Mun có tính cân phương, nghĩa là vuông vắn về khúc thể và cân đối về câu cú, có dáng dấp như nhạc hát – múa của người Kh’mer. Tính cân đối về câu nhạc có thể thấy trong các bài “Anh xuống ruộng bắt cua” (Nghệ nhân Lâm Dinh) hay “Chẳng dám đuổi trâu” (Nghệ nhân Lâm Lê) sử dụng lối tái hiện gần như nguyên hình các vế nhạc khi hồi đoạn.
Về thang âm điệu thức, dân ca Tà Mun thường sử dụng các thang điệu 4 âm, 5 âm, 5 âm có bán âm (có nốt thêu hoa mỹ). Ở đây, có lẽ do sự giao lưu với tộc người Việt nên đa số các bài dân ca Tà Mun hoàn toàn dựa trên thang điệu Bắc (Chẳng dám đuổi trâu, Anh xuống ruộng bắt cua) – đây cũng là những bài điển hình về tính cân phương trong khúc thức. Tuy nhiên cũng có một số ít bài có cơ sở từ điệu Nam, hoặc thuần chủng điệu Nam như bài “Để con giữ nhà”, “Dẫn em đi thăm rẫy” hoặc có thêm âm thứ 6 mang tính cách “bắc cầu” cho thang 5 âm (nốt thêu, nốt hoa mỹ) như bài “Ve kêu trong rừng nhớ em”, “Đêm nay anh nhớ em”. Cũng có bài dân ca Tà Mun mang dấu ấn quá trình giao thoa với các dân tộc cận cư, cụ thể như bài “Cà pâu sa pía” (Em có ưng anh không) có thang âm trong làn điệu rất giống dân ca của người Kh’mer.
Về thể loại, dân ca người Tà Mun thường là những bài tự sự có nét của câu chuyện kể trong khi dân ca của người Kh’mer chiếm đa số là các bài giao duyên nam nữ. Nếu nói dân ca là một loại hình nguyên hợp (hát kết hợp với múa và nhạc đệm) thì trường hợp này chỉ đúng với dân ca Khmer mà không đúng với dân ca Tà Mun (chỉ hát đơn độc một mình, không có múa và nhạc cụ dân tộc đệm theo).
Về cách diễn xướng, các bài dân ca của người Tà Mun thường hát một mình trong khi dân ca người Khmer thường xuyên là hát song ca nam nữ để có tính chất giao duyên. Người Chăm còn phân biệt thời gian và không gian diễn xướng: hát trong nhà một mình lúc mặt trời lặn, hát lúc giữa trưa ở trong rẫy, hát lúc đám cưới…thì hầu hết các bài dân ca Tà mun hát phổ biến ở mọi lúc, mọi nơi trong ngày. Dân ca người Tà Mun thường hát không nhạc đệm trong khi yếu tố sân khấu hóa rất rõ nét ở các bài hát dân ca Khmer (hát với dàn nhạc đệm và kết hợp với múa).
Qua các đợt khảo sát, sưu tầm điền dã tại Tây Ninh cho thấy thực trạng hiện nay số nghệ nhân lớn tuổi của người Tà Mun đã mất đi rất nhiều và các bài dân ca đã mai một dần theo ký ức của các nghệ nhân được truyền khẩu lại. Với tính chất làn điệu và ca từ có lúc còn mơ hồ chưa rõ nét, có nghệ nhân thuộc và hát nhưng có khi không hiểu hết ngữ nghĩa của bài hát và mỗi lần hát là một lần thay đổi nhỏ về làn điệu. Vì vậy sự lưu giữ các bài dân ca của người Tà Mun cũng không bền vững vì không định hình rõ nét trong ký ức của nghệ nhân.
Dân ca người Tà Mun có lẽ trước đây cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc khác cũng có một môi trường diễn xướng phong phú và đa dạng, nhưng hiện nay môi trường diễn xướng đã bị thu hẹp và biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau. Theo thực trạng đã nói trên, chỉ nhìn vào số lượng bài bản sưu tầm được từ các nghệ nhân, chúng ta đã có thể thấy và mường tượng “bức tranh” đáng buồn về tình hình thực trạng nghệ nhân, những người lưu giữ và truyền dạy “linh hồn” của văn hóa dân tộc.
Như chúng ta đã biết, môi trường diễn xướng là nơi truyền dạy tốt nhất các nghệ thuật dân gian dân tộc, là yếu tố rất quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển, bảo tồn và truyền dạy dân ca trong cộng đồng vậy mà ngày nay, dân ca hầu như không còn môi trường để “sinh tồn”, dân ca đã bị sân khấu hóa, bị biến đổi tính chất từ tự sự trở thành phô diễn, từ giao duyên trai gái kín đáo, thơ mộng trở thành trò diễn trên sân khấu cho mọi người thưởng thức …Do đó đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của sự mai một, lai căng, biến tướng dân ca một loại hình đặc sắc mang đậm bản sắc nghệ thuật dân tộc nói chung và người Tà Mun nói riêng. Đây là một thực tế, một vấn đề cấp bách mà các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, các cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước các cấp cần phải quan tâm và tìm ra những biện pháp, phương thức để bảo tồn, phát huy tốt vốn giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô giá này trong điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đương đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc .
Bản sắc văn hóa của một dân tộc (nation), một tộc người (trong đó có dân ca) không thể bị đánh mất trước cuộc sống hiện đại khi mà văn minh đô thị dần chiếm lĩnh cả đời sống nông thôn và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc cận cư hàng ngày. Trước sự mai một dần đi của lớp nghệ nhân lớn tuổi và sự xâm lấn của trào lưu nhạc mới thì việc sưu tầm và lưu giữ các bài dân ca là việc làm cấp thiết hiện nay nhằm bảo tồn âm nhạc của người Tà Mun ở Tây Ninh.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc