Những kết quả đạt được trong Phong Trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Thứ ba - 25/04/2023 12:03 429 0
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (viết tắt là “TDĐKXDĐSVH”) và công tác gia đình trong thời gian qua đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng xã hội, khơi dậy và phát huy được tính tích cực, sáng tạo, huy động nguồn lực trong nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; khẳng định sự tác động tích cực, sâu sắc và toàn diện của phong trào đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở cơ sở; thật sự trở thành một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

Xác định Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong 4 nhóm giải pháp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người dân. Trong năm 2022, với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình các cấp đã tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, triển khai thực hiện tốt nội dung Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, kết quả đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2026, Quyết định công nhận lại “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 05 năm liên tục giai đoạn 2017-2021, Quyết định triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030…

Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức triển khai Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về Phòng chống bạo lực gia đình (tháng 6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 được tập trung đẩy mạnh, tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới và văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam hiện nay” năm 2022, Cuộc thi câu chuyện qua ảnh, chủ đề “Hạnh phúc -Yêu thương và Chia sẻ” - Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2022, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Nhận diện Bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh”; phát hành sách “Nhận diện Bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh”, và đặc biệt Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi viết về “Gương người tốt quanh ta” (cuộc thi được diễn ra từ tháng 7/2021- 9/2022), kết quả đã trao 16 giải cá nhân và 03 giải tập thể cho các thí sinh đoạt giải; trình Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 02 cá nhân đạt giải Nhì cuộc thi; tặng Giấy khen Giám đốc Sở VHTTDL và hiện vật cho 02 cá nhân có thành tích phát hiện gương người tốt việc tốt nổi bật trong cuộc thi; song song đó đã thực hiện 02 media tuyên truyền gương điển hình cuộc thi viết về “Gương người tốt quanh ta” năm 2022 trên Báo Điện tử.

Công tác đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa trong Phong trào“TDĐKXDĐSVH” được tập trung đẩy mạnh, kết quả đạt năm 2022 như sau: có 267.039/297.344 Gia đình văn hóa, tỷ lệ 89,81%; 533/535 ấp, khu phố văn hóa, tỷ lệ 99,63%; 64/71 Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, tỷ lệ 90,14%; 11/23 Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tỷ lệ 47,83%; 388/388 Cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo văn minh, tỷ lệ 100%; 425/431 Đơn vị trường học đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 98,60%; 1.229/1.315 Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 93,4%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình trong tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền về Phong trào “TDĐKXDĐSVH” chưa được nâng cao chất lượng, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của cộng đồng; một số huyện phân bổ kinh phí triển khai Phong trào chưa đảm bảo hoạt động (10 triệu đồng/năm), kinh phí các xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn, do đó công tác khen thưởng phong trào cấp cơ sở còn hạn chế; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đặc biệt là cấp xã, ấp, một số nơi vẫn chưa khai thác được công năng, phát huy hiệu quả hoạt động; việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, một số nơi người dân chưa nắm được nội dung mình đăng ký, còn tình trạng đăng ký thay hộ gia đình; một số địa phương sau khi xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động Nhân dân tiếp tục giữ vững danh hiệu, dẫn đến giảm sút về chất lượng; một số huyện có sự thay đổi nhân sự được phân công phụ trách công tác gia đình, cộng tác viên gia đình tại cơ sở nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, triển khai công tác gia đình, thu thập số liệu về tình hình bạo lực gia đình tại địa phương; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, hầu hết số vụ bạo lực gia đình tổng hợp được chỉ mới là bề nổi của tình trạng bạo lực gia đình hiện có, chủ yếu các vụ bạo lực gia đình đã được chính quyền phát hiện và xử lý nguyên nhân do một phần tâm lý e ngại của các gia đình xảy ra bạo lực, không muốn vạch áo cho người xem lưng, nên không chủ động báo với chính quyền địa phương.

Với những kết quả đạt được và những hạn chế nêu trên, để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDDSVH” và công tác gia đình các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2023 như sau:

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện Phong trào “TDĐKXDDSVH” và công tác gia đình theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “TDĐKXDĐSVH; triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, Công văn số 4550/BVHTTDL-VHCS ngày 15/11/2022 của Bộ VHTTDL về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo Công văn số 780/TTg-QHĐP ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH…

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXĐSVH” và công tác gia đình các cấp:

Tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình các cấp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương điển hình người tốt, việc tốt; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Quan tâm tổ chức Liên hoan Gia đình văn hóa, tiêu biểu: cấp huyện tổ chức 2 năm/lần; cấp xã cấp xã tổ chức hàng năm.

Thường xuyên kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, các Tổ Dân cư tự quản ở địa phương.

Thứ ba, đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức trong công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình như bạo lực gia đình, đạo đức xuống cấp, sự vô cảm vô tâm giữa các thành viên trong gia đình thông qua các hoạt động nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) theo chủ đề hàng năm.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc đăng ký, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, trong đó chú trọng việc đăng ký, bình xét “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”, việc biểu dương, khen thưởng, tặng Giấy khen cho “Gia đình văn hóa” đủ 03 năm liên tục, Giấy khen “Ấp, Khu phố văn hóa ” đủ 05 năm liên tục theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ.

Thứ năm, tổ chức lớp tập huấn triển khai các văn bản về Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình năm 2023.

Thứ sáu, tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các mô hình: Phòng, chống bạo lực gia đình; Giáo dục đời sống gia đình; Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; mô hình triển khai thực hiện tiểu Đề án 4 thuộc Đề án 343; mô hình Hỗ trợ xã xây dựng, sửa đổi những quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc Bình đẳng giới; trong đó chú trọng đến hoạt động của Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại các ấp, khu phố.

Cuối cùng, kinh phí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động của Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình phải tương ứng với nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh xã hội hóa đảm bảo nguồn tài chính thực hiện các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình.

Hy vọng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của mọi người dân, Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình trong thời gian tới sẽ ngày càng hiệu quả, chất lượng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đời sống văn hóa của Nhân dân ở địa phương ngày càng được nâng cao, góp phần thực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh nhà.

Tác giả: Thúy Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây