Nếu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của quân dân ta qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Bác chính là lời hịch của hồn sông núi kêu gọi toàn dân, là niềm tin chiến thắng của mọi người Việt Nam:
“Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác
Hồn ta sáng rực như nở hoa
Còn chi cao quý hơn độc lập tự do
Lời Người vang vang gió xuân đưa về khắp mọi nhà.
Ôi thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc
Xuyên đêm tối dắt đường ta tiến tới
Cho mưa tuôn, cho bom rơi, dẫu có chết ta chẳng màng
Lời Bác chiếu lòng ta huy hoàng…”
(Tình Bác sáng đời ta – Nhạc: Lưu Hữu Phước, Lời: Long Hưng và Minh Tuyền)
Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ tất yếu phải đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn như lời Bác gọi:
“…Vì độc lập tự do
Đường lên phía trước rực màu cờ sao
Hồ Chí Minh
Bác Hồ Chí Minh kính yêu
Người là niềm tin tất thắng
Sáng ngời”
(Người là niềm tin tất thắng – Chu Minh)
Cuộc hành trình của Bác cũng là hành trình của một đất nước, một dân tộc từ chỗ không có tên trên bản đồ ở đầu thế kỷ 20 để trở thành một đất nước độc lập, tự do. Là một vị lãnh tụ về lại thăm quê nhà, Người cũng mang tình cảm, xúc động của một người con khi trở về miền đất mẹ:
“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương
Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha
Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ,
Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo
Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương
Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải
Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ
Gặp lại tuổi xuân đi nghe hát đò đưa…”
(Người về thăm quê – Thuận Yến)
Chính những tình cảm rất đời thương, rất đạo nghĩa của Việt Nam mà hình ảnh của Bác mãi gần gũi, thân thương trong tâm tưởng của mọi người. Nhưng đan xen trong tình cảm dạt dào đó, vẫn thấp thoáng ý thức trách nhiệm của một vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước:
“…Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương
Gặp lại sắc hoa giữa màu cờ đỏ
Gặp lại tình người trong trang thơ Nguyễn Du
Gặp lại vị quê trong hương cốm mùa thu…”
(Người về thăm quê – Thuận Yến)
Và nhạc sĩ Thuận Yến đã cho người nghe cảm thấy tôn kính và thương yêu Bác vô cùng trong 2 tiết nhạc kết:
“Hồ Chí Minh! Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn
Hồ Chí Minh! Người là mùa hoa sen tỏa ngát hương đời.”
Viết về Bác là một đề tài với nguồn cảm xúc vô tận, nhưng với một rừng tác phẩm âm nhạc hay đã có về Bác từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến thời kỳ hòa bình xây dựng hiện nay, viết một ca khúc mới về Bác Hồ đối với một tác giả không phải là chuyện dễ, bởi đã có những ca khúc tầm cỡ của cha anh đi trước đạt đến đỉnh cao nghệ thuật làm tác giả e dè, ngần ngại khi sáng tác, sợ rằng tác phẩm của mình chỉ là “hòn sỏi nhỏ bên cạnh non cao” (lời của một bài vọng cổ). Tuy nhiên với lòng ngưỡng mộ và cảm xúc chân thành, luôn có những tác phẩm mới về Bác của các tác giả khắp mọi miền của đất nước ra đời, trong đó có các tác giả ở Tây Ninh.
Bằng sự rung động chân thành, nhà thơ Nguyễn Quốc Việt và một nhạc sĩ đã gặp nhau trong sự đồng cảm khi đọc lại bản di chúc của Bác Hồ:
“Đọc di chúc Người hơn ba mươi năm sau
Di chúc Bác Hồ trăn trở từ lâu
Nguồn sống vĩnh hằng trào lên ngọn bút
Tâm nguyện suốt đời truyền gửi các đời sau…”
(Đọc di chúc Bác Hồ - Thơ: Nguyễn Quốc Việt, Lê Hoàng Minh chuyển soạn thành ca khúc)
Tấm lòng nhân nghĩa vì dân, vì nước của một vị lãnh tụ đã được miêu tả tóm tắt nhưng rất rõ nét và đầy đủ trong nhạc đề 2 của ca khúc:
“…Với nhân dân, Bác trân trọng trang đầu
Với Đảng, Bác dặn dò trang giữa
Không quên các cụ già, em bé
Và bạn bè, đồng chí khắp năm châu.
Về chuyện riêng, Bác viết chỉ dăm câu
Mà tình thương dân cồn cào như sóng bể…”
(Đọc di chúc Bác Hồ - Thơ: Nguyễn Quốc Việt, Lê Hoàng Minh chuyển soạn thành ca khúc)
Hay trong một ca khúc của nhạc sĩ Lê Hồng Tăng đã đạt giải trong cuộc thi sáng tạo văn học nghệ thuật đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Tây Ninh năm 2009:
“…Vì con đường độc lập tự do
Người ra đi trên bến Nhà Rồng
Sóng nước lao xao đưa tiễn bước chân
Tình yêu quê hương hai vai gánh nặng…”
(Mãi theo gương Người – Lê Hồng Tăng)
Và đối với thiếu nhi, Bác Hồ là hình ảnh thân thương nhất và cũng là người thầy vĩ đại nhất trong đoạn đời thơ ấu của các em:
“…Cây xanh nhờ chăm bón
Mây lành nhờ nắng trong
Tuổi thơ được yêu thương Bác mênh mông.
Nay thành đàn cháu ngoan
Với tương lai rực rỡ
Như từng đóa hướng dương quanh mặt trời…”
(Như hướng dương quanh mặt trời – Lê Hoàng Minh)
Vâng, có lẽ không chỉ riêng thiếu nhi mà tất cả mọi người Việt Nam đều có ước nguyện mình sẽ là đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời của Bác. Các tác phẩm âm nhạc về Bác đã, đang và sẽ luôn sinh sôi để trở thành bản đại hợp xướng mà chương mở, chương giữa có những đoạn khác nhau một cách phong phú giữa các tác giả, nhưng chương kết đều đồng thuận giống nhau ở chỗ đúc kết hình tượng Bác Hồ sáng trong và cao vòi vọi - một tầm cao mà cả đời của chúng ta luôn ngưỡng mộ và noi theo nhưng không bao giờ với tới được.
NS. Lê Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc