KẾT QUẢ TRIỂN KHAI PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ NĂM 2023 VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2024

Thứ sáu - 15/03/2024 15:54 49 0
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là “TDĐKXDĐSVH”) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2026; Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình tỉnh ban hành Kế hoạch số 527/KH-BCĐ ngày 25/02/2023 về triển khai thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một phong trào lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt với sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Trong năm 2023, với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình các cấp đã tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, triển khai thực hiện tốt nội dung Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, kết quả đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai và thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định bãi bỏ các Quyết định UBND tỉnh lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…

Công tác tuyên truyền, triển khai được tập trung đẩy mạnh, Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH’ và công tác gia đình các cấp đã thực hiện tuyên truyền 635 lượt phát xe loa, 693 băng rôn, 2 pa nô, 486m2 pa nô, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được 1.501 giờ, 2.119 phút, 234 chương trình thời sự với 3.726 tin, 703 bài, 209 chuyên mục, 05 tin thu thanh, 12 gương điển hình tiên tiến, thực hiện 09 phóng sự và 09 chương trình thông tin cơ sở; tuyên truyền qua buổi sinh hoạt Tổ dân cư tự quản, sinh hoạt lồng ghép chuyên đề tại địa phương được 797 cuộc với 20.977 lượt người dự…; tổ chức 1 lớp tập huấn với 119 học viên tham dự nhằm triển khai các văn bản mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Phong trào tại địa phương. Tổ chức Hội nghị Tổng kết Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình tỉnh năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023, kết quả Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 94 tập thể và 25 cá nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tặng Giấy khen cho 37 tập thể và 25 cá nhân.

Việc xây dựng các danh hiệu văn hóa được được đẩy mạnh thực hiện ở khu dân cư, trong từng các cơ quan, đơn vị, trường học một cách thường xuyên, nghiêm túc triển khai và thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở các ấp, khu phố. Kết quả năm 2023, có 269.165/296.084 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 90,91%); 531/535 ấp, khu phố đạt danh hiệu Ấp, khu phố văn hoá (đạt tỷ lệ 99,25%); 380/387 Cơ sở tín ngưỡng- tôn giáo văn minh (đạt tỷ lệ 98,19%); 18/23 Phường, Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (đạt tỷ lệ 78,26%); 535/535 ấp, khu phố đã xây dựng Quy ước khu dân cư (đạt tỷ lệ 100%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về Phong trào “TDĐKXDĐSVH” chưa phong phú, đa dạng về hình thức nên không thu hút sự quan tâm của mọi người dân; sự phối hợp của các cấp, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào có nơi còn chưa tốt, có lúc còn chưa thường xuyên; việc phân bổ kinh phí không đồng đều giữa các huyện nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào; một số địa phương khi thực hiện triển khai cho các hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” chưa đảm bảo thời gian theo quy định, vẫn còn xảy ra tình trạng ký thay cho hộ gia đình…

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác triển khai, thực hiện Phong trào, trong năm 2024 cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của Phong trào “TDĐKXDĐSVH”; tập trung triển khai thực hiện Phong trào “TDĐKXDDSVH” theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

Thứ hai, đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức trong công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc đăng ký, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, trong đó chú trọng việc đăng ký, bình xét, biểu dương khen thưởng “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”; việc triển khai quy ước khu dân cư.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình các cấp; công tác kiểm tra, khảo sát thực hiện Phong trào ở cơ sở.

Thứ năm, tăng nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động của phong trào phải tương ứng với nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh xã hội hóa và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo nguồn tài chính thực hiện các hoạt động của phong trào.

Để Phong trào “TDĐKXDĐSVH” ngày càng chất lượng, hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia phong trào, đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý, những hủ tục lạc hậu… trong đời sống người dân, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh./.

 

 

Tác giả: Thuý Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây