Tỉnh Tây Ninh tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023

Thứ năm - 16/03/2023 10:35 490 0
Vào lúc 8 giờ ngày 15/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển". Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không. Tại điểm cầu Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, dự Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh; ông Trần Anh Minh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành có liên quan; đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình và Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua đại dịch. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp, đối sách phù hợp. Thủ tướng khẳng định, quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch (từ 15/3/2022), dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm đã mang lại những bước chuyển lớn, thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, đòi hỏi phải tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tóm tắt ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, tồn tại hạn chế, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; Hội nghị được tiếp thu những ý kiến từ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, tham luận của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã có phần thảo luận tập trung vào tình hình ngành du lịch, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá, vệ sinh môi trường, huy động nguồn lực phát triển du lịch, chính sách visa,…

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển du  lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh lại những kết quả, thuận lợi cần phát huy; khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và thách thức cần vượt qua của ngành du lịch; việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử.

Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm: (1) Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới. (2) Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tất cả các chủ thể liên quan, trong đó có Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng chung tay phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (3) Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các nghị quyết của của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế./.

Tác giả: Mỹ Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây