Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa hiện có của tỉnh, Tây Ninh xác định phát triển du lịch là một trong những khâu đột phát để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 05/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Chính quyền Tây Ninh về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, thời gian qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch Tây Ninh đã có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà còn ở chất lượng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng, UBND các địa phương trong tỉnh, các tiềm năng, lợi thế của du lịch Tây Ninh dần được "đánh thức" và hiện thực hóa, ngành du lịch đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tây Ninh đã thực hiện các chiến lược, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác du lịch; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc có sức cạnh tranh cao, định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, xác định trọng điểm mời gọi đầu tư; tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến. Một số kết quả nổi bật như sau:
Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW đã tạo được chuyển biến về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt vấn đề việc làm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ ký kết kích cầu du lịch giữa các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh
(nguồn: Đinh Thị Hà)
UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ vào tháng 6/2020 tại tỉnh Tây Ninh có sự quan tâm chỉ đạo và tham dự của lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh/thành ủy, UBND 06 tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ, thu hút đông đảo doanh nghiệp và báo đài tham dự và đạt được những kết quả nhất định: Khảo sát xây dựng chương trình du lịch kết nối thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đông Nam Bộ; phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ; xây dựng 03 tuyến du lịch: Tuyến 1: Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Phước – Bình Dương với chủ đề "Tình đất đỏ miền Đông"; Tuyến 2: Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Tây Ninh với chủ đề "Sắc xanh ngày mới", "Chinh phục nóc nhà Nam bộ"; Tuyến 3: Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề "Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca". Sáu tỉnh Đông Nam Bộ đã ký liên kết hợp tác về phát triển du lịch trên 4 nội dung: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, Phát triển và liên kết sản phẩm du lịch, Quảng bá xúc tiến, Phát triển nguồn nhân lực du lịch, Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Tổ chức giải chạy BaDen Mountain Marathon 2021 với chủ đề "Bước chạy xanh" đã được UBND tỉnh tổ chức thành công, diễn ra sôi nổi trong hai ngày 24 – 25/4/2021, với trên 3.000 vận động viên chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên trong và ngoài nước cùng tham dự. Đây là giải chạy không chuyên quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh, cũng là cơ hội vàng để quảng bá điểm đến Tây Ninh với cảnh sắc tươi đẹp, trải nghiệm phong phú tới đông đảo du khách cả nước, góp phần kích cầu du lịch trong nỗ lực hâm nóng du lịch Đông Nam Bộ trong bối cảnh Covid-19, …
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh- Chi nhánh Sun World Tây Ninh họp báo công bố giải chạy (nguồn Internet)
Nhằm tạo cơ sở thuận lợi, định hướng cho phát triển du lịch, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án thống kê du lịch tỉnh Tây Ninh; Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; "Đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030", Đề án Du lịch thông minh, và nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động khác. Tỉnh thành lập, kiện toàn Tổ Công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026 về phát triển du lịch; thành lập, kiện toàn Tổ công tác hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm; thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh.
Nhằm tạo điều kiện giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh) cũng đang được gấp rút hòan thiện các quy trình, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng thuận thông qua Nghị quyết đề xuất thực hiện đặt mục tiêu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2025. Ngoài ra tỉnh chú trọng đầu tư các tuyến giao thông đường bộ nội tỉnh và đường thủy theo Quy hoạch Tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, giúp kết nối du lịch Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tỉnh xác định chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan toả cho du lịch của tỉnh. Công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Bà Đen được UBND tỉnh quan tâm thực hiện, đã hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 04 quy hoạch phân khu (Khu trên đỉnh núi, quanh chân núi; Khu thể thao, sân Golf và các dịch vụ phụ trợ; Khu lưu trú, nghỉ dưỡng; Khu công viên, vườn thú Safari dã ngoại), trong đó UBND tỉnh đã hoàn chỉnh quy hoạch phân khu 1; các phân khu còn lại đang gấp rút thực hiện các bước theo quy trình; cơ bản hoàn thành công trình xây dựng tuyến đường bộ lên đỉnh.
Tỉnh đã kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup đã đầu tư Trung tâm thương mại Vincom, khách sạn đạt chuẩn 5 sao và nhà phố Shophouse, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt, Tập đoàn Sungroup - một trong những Tập đoàn lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch của Việt Nam - đã đã hoàn thành hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen, nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, Tượng Phật Bà bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Châu Á; xây dựng được các khách sạn 3-5 sao; khu thương mại mua sắm Vincom;... Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều. Trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch tăng gần gấp 02 lần giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện phê duyệt các quy hoạch phân khu Núi Bà, quy hoạch chi tiết các khu chức năng để triển khai mời gọi, thu hút đầu tư.
Diện mạo mới của Khu du lịch Núi Bà Đen (nguồn Internet)
UBND tỉnh Tây Ninh ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2022 với nhiều nội dung hợp tác phát triển tỉnh Tây Ninh; trong đó có đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch: Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh, trọng tâm là Chương trình Thạc sĩ Quản lý công; bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh Tây Ninh theo hướng tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0; Đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 03 cơ sở đào tạo: Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường Trung cấp Tân Bách Khoa, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA có đăng ký đào tạo các ngành, nghề phục vụ ngành dụ lịch với các trình độ sơ cấp, trung cấp. Ngoài ra tỉnh cũng quan tâm công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn vào các trường đại học, cao đẳng có ngành Du lịch để quay về phục vụ tỉnh nhà. Hàng năm phối hợp trường Trung cấp Du lịch Sài Gòn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, các lớp bảo vệ môi trường du lịch, quản lý du lịch cho cán bộ công chức ngành du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung công tác xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, giải đấu thể thao, các sự kiện văn hóa. Tỉnh thực hiện liên kết, giới thiệu, quảng bá về các điểm đến du lịch, di sản văn hóa, các lễ hội văn hóa đặc sắc và các dự án phát triển du lịch tại Tây Ninh trên các kênh thông tin truyền thông, trên tạp chí Heritage và màn hình TVC của Tổng công ty hàng không Việt Nam, qua tham gia các sự kiện du lịch,...Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch hằng năm của Tỉnh đã giúp quảng bá hình ảnh, con người và quê hương Tây Ninh, đồng thời được học tập, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, từ đó thu hút được sự quan tâm, chú ý của du khách về hình ảnh con người và quê hương Tây Ninh, cũng như các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư về lĩnh vực du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, ngành du lịch thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, giúp phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo quy định về phòng chống dịch, du khách được trải nghiệm, tham quan du lịch với những hình thức du lịch mới, lạ.
Một trong những bước đi "đột phá" của ngành du lịch Tây Ninh là việc ứng dụng công nghệ số. Tỉnh tổ chức khai trương Cổng Thông tin điện tử Du lịch Tây Ninh và Ứng dụng "Tay Ninh Tourism" giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, phát triển du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch Tây Ninh thông qua nền tảng công nghệ số, tiếp cận rộng rãi đến du khách và doanh nghiệp. Ứng dụng này giúp du khách khi đến tham quan Tây Ninh có thể dễ dàng tra cứu, thu thập dữ liệu về du lịch, nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí. Với việc tích hợp bản đồ số, "Tay Ninh Tourism" cung cấp cho người dùng những địa điểm tham quan, giải trí, cơ sở lưu trú, mua sắm, ẩm thực, các ngân hàng, ATM, cây xăng, dịch vụ y tế, sự kiện nổi bật… nhằm nâng cao trải nghiệm trong hành trình du lịch. Ứng dụng cũng là cầu nối giữa các doanh nghiệp và khách du lịch, giúp mở rộng cơ hội kinh doanh, phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch, góp phần tăng doanh thu cho du lịch tỉnh nhà.
Với những nỗ lực và thành quả mà ngành du lịch đã đạt được trong 4 năm qua, hy vọng du lịch Việt Nam nói chung và ngành dù lịch Tây Ninh sẽ nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng lại sau điều kiện tình hình mới, hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khoá XII) đã đề ra./.
Đinh Thị Hà
Ý kiến bạn đọc