Hồn dân tộc trong tác phẩm âm nhạc đương đại

Thứ năm - 03/11/2016 21:00 156 0

Hồn dân tộc trong tác phẩm âm nhạc đương đại

Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế là khuynh hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay. Để mỗi tác phẩm âm nhạc có vị trí khẳng định trong mặt bằng hội nhập, đòi hỏi tác phẩm đó phải có bản sắc riêng của một đất nước, một dân tộc cụ thể. Như vậy, yêu cầu cốt lõi của người nhạc sĩ hiện nay là khai thác từ mô típ gốc của dân gian để phát triển thành những tác phẩm hiện đại có giọng điệu riêng mà vẫn gần gũi với người nghe – kết quả của sự kế thừa vốn luyến truyền thống, lấy tinh hoa cốt cách của âm nhạc dân tộc nhằm tạo nên những tác phẩm mới.

Tại Tây Ninh, từ lâu các nhạc sĩ đã tham gia tìm tòi, sưu tầm các bài dân ca đang được các nghệ nhân lưu giữ tại địa phương và đã tạo được một số vốn quý giá về bài bản dân ca gốc (công trình "Khảo sát, sưu tầm và phát triển dân ca ở Tây Ninh" và công trình "Bảo tồn và phát huy dân ca dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh" do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện). Từ những bài bản gốc, các tác giả ở Tây Ninh đã cải biên hàng trăm bài dân ca (trong đó có những bài bản được xem là "đặc sản" của Tây Ninh như: Lý bông huỳnh, Lý bông đậu, Lý bên kia, Lý con bìm bịp, Lý oa tu hỡi, Lý rường ơ…) được dàn dựng để biểu diễn trong các Hội diễn nghệ thuật quần chúng trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và đã đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ Tây Ninh đã khai thác các thang âm, mô típ dân gian để sáng tác thành những ca khúc có phong cách của dân gian mà vẫn mang được dấu ấn riêng của tác giả.

Tuy nhiên, trong việc khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay cũng có những điều cần phải suy nghĩ. Điều yêu cầu trước tiên của một ca khúc Việt Nam là sự rõ lời khi kết hợp máu thịt giữa ca từ và cao độ trong giai điệu, bởi sự lắng đọng của âm nhạc Việt Nam là âm điệu (gắn liền với giọng nói); mọi biểu hiện hát lớ, hát ngọng, hát cưỡng âm đều không mang được bản sắc của dân tộc (Thí dụ nếu ca sĩ hát "…Anh đường anh, èm đường ém…" hay "…Nghèo thì cho sạch, rách sao cho thờm…" thì không có người Việt Nam nào hiểu được là bài hát muốn nói gì); nếu theo tiêu chí này thì những ca khúc có sự tinh tế trong cao độ kết hợp với ngữ điệu của người Việt Nam đều có mang bản sắc của dân tộc, không nhất thiết phải sáng tác giai điệu theo thang âm, mô típ của dân gian. Yêu cầu thứ hai là tác phẩm mang bản sắc dân tộc nhưng đồng thời phải có tính hiện đại, và tính hiện đại trong tác phẩm phải đồng thuận với tính dân tộc trong sáng tác hay biểu diễn; Hiện tượng chế tác lại thang âm của cồng chiêng Tây Nguyên (diatonic) thành thang âm bình quân luật của nhạc phương Tây (chromatic) để có thể hoà tấu với dàn nhạc điện tử làm mất đi cái hồn độc đáo của âm nhạc Tây Nguyên. Hiện tượng sử dụng nhạc cụ dân tộc thành một dàn nhạc giao hưởng như phương Tây vì không hiểu rõ tính "Ngũ tuyệt" (Kìm, Cò, Tranh, Độc, Sáo) của khí nhạc cổ truyền người Việt (dùng phối trí đa điệu chiều ngang là chính, khác hẳn với hoà âm chiều dọc của âm nhạc phương Tây); hay hiện tượng sử dụng 1.000 người cùng hát Quan họ trong một chương trình lễ hội vì không nắm được nghệ thuật hát Quan họ là đối đáp của từng đôi liền anh, liền chị…

Điều cuối cùng có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Thành công cao nhất của một ca khúc sáng tác theo phong cách dân gian là được dân gian chấp nhận và truyền bá (nói cách khác là được khen "Sáng tác như là dân ca"), có nghĩa là đến một lúc nào đó sẽ xoá nhoà tên tuổi của tác giả (vì tác phẩm đã trở thành tài sản chung của dân gian, nói cách khác là tác giả trở thành vô danh), bên mặt thành công theo tiêu chí này thì bản sắc riêng của tác giả khi sáng tác không còn nữa (mà bản sắc riêng của tác giả là yêu cầu đầu tiên khi học sáng tác trong các nhạc viện hiện nay) và như thế thì quyền nhân thân của tác giả cũng bị triệt tiêu. Khi một tác giả viết  dân ca cải biên như hiện nay (kế thừa và phát triển lời từ làn điệu dân ca gốc) thì có được xem là "đạo nhạc" hay không? Vì một tác phẩm âm nhạc (dù là đồng tác giả vô danh trong dân gian) luôn phải có quyền tài sản khi được phái sinh theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay, và quyền tài sản đó thuộc về ai?

Mấy suy nghĩ như trên và câu trả lời dành cho những nhà quản lý nghệ thuật ở tầm vĩ mô. Riêng đối với một nhạc sĩ sáng tác, mơ ước cao nhất của bản thân là sáng tạo được những tác phẩm âm nhạc mang bản sắc văn hoá của dân tộc và không tách rời với hơi thở của nhịp sống đương đại – những tác phẩm không bị lạc lõng trong sự nghiệp "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) đã nêu rõ.

Người viết: Lê Hoàng Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây