Sự khác biệt qua thực trạng biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp và không chuyên hiện nay

Thứ năm - 03/11/2016 18:00 307 0

Sự khác biệt qua thực trạng biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp và không chuyên hiện nay

Đất nước đã được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đã hơn bốn mươi năm. Thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước đã đạt nhiều thành tựu ở mọi mặt, trong đó có đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Sân khấu biểu diễn ca nhạc hiện nay là một sự tổng hòa đa sắc của các yếu tố: hòa thanh phối khí, vũ đạo, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… cộng hưởng để tôn vinh tài năng của ca sĩ qua bàn tay của người biên tập và dàn dựng.

Trong phạm vi bài viết này, "ca nhạc chuyên nghiệp" chỉ giới hạn ở những đoàn nghệ thuật tư nhân ngoài công lập đến biểu diễn tại địa bàn tỉnh Tây Ninh; là những người biểu diễn, biên tập, dàn dựng và những bộ phận liên quan chuyên sống bằng thu nhập qua sân khấu biểu diễn; trong khi đó "ca nhạc không chuyên" gồm một tập thể những người làm ở những ngành nghề khác, thông qua một tổ chức cơ quan, đoàn thể, địa phương để gắn bó trong một chương trình nghệ thuật ở một thời gian ngắn nhất định, nghĩa là không sống bằng thu nhập qua chương trình biểu diễn mà chỉ vì lòng đam mê nghệ thuật mà gắn bó với phong trào. Và cũng thật là khập khiễng khi đem so sánh hai loại hình ca nhạc nói trên với nhau, khi mà mục đích một bên là đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, một bên chuyên để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhưng dù mục đích đầu tiên là gì đi nữa thì mẫu số chung cuối cũng vẫn là tôn vinh cái đẹp của âm nhạc qua biểu diễn cho công chúng thưởng thức để biểu hiện được những giá trị nhân văn thông qua tác phẩm và người biểu diễn và tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Với mẫu số chung đó nên người viết xin được phép so sánh những sự khác biệt của hai loại hình nói trên theo góc độ cảm nhận chủ quan của mình.

Điều trước tiên rất dễ nhận thấy là chương trình ca nhạc không chuyên luôn là một chương trình biên tập có ý đồ chặc chẽ thể hiện được một chủ đề xuyên suốt thông qua các thể loại hát, múa (đôi khi có cả những tiết mục tạp kỹ), trong khi chương trình ca nhạc chuyên nghiệp thường là những chương trình lắp ghép đơn ca của những "sao" có xen một vài tiết mục tạp kỹ như: tấu hài, ảo thuật, xiếc… cho bớt đơn điệu. Nói một cách khác, người biên tập chương trình ca nhạc không chuyên đã cố gắng thể hiện tư tưởng qua sự sắp xếp các tiết mục, trong khi người biên tập chương trình ca nhạc chuyên nghiệp chỉ là sự khéo léo sắp xếp trước, sau các ca sĩ với mục đích làm sao cho chương trình liên tục hợp lý theo giờ giấc của các "sao" và hợp lý theo trình tự khẩu vị thưởng thức của khán giả.

Về mặt âm nhạc, các chương trình ca nhạc không chuyên đi dự Hội diễn ở cấp huyện, cấp tỉnh trở lên luôn tuân thủ chặt chẽ theo quy luật hòa thanh (bè), hát đối, hát đuổi… ở các thể loại từ song ca trở lên, đôi khi có cả đồng ca hay hợp xướng do những người thật sự có chút "nghề" đảm nhận phần dựng ca. Trong khi đó biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp đơn giản hơn: ca sĩ thường hát trơn, nếu có bè thì cũng thường là do đĩa có soạn sẵn bè do chính ca sĩ đó thực hiện trong kỹ thuật "chồng âm" thông qua thiết bị thu âm hiện đại – nghe rất hiện đại mà không đa sắc vì phần hòa thanh không phải do một giọng hát sống thật đang biểu diễn trên sân khấu. Về nền nhạc phối khí, ở ca nhạc chuyên nghiệp luôn có đĩa nhạc nền có chất lượng âm thanh rất nổi được thực hiện bằng những phần mềm vi tính và các thiết bị thu âm đời cao, thường do các "nhạc sĩ trẻ" thực hiện dù các "nhạc sĩ" này chưa qua một trường lớp của nhạc viện nào đào tạo cả.

Vũ đạo là hình thức cộng hưởng không thể thiếu được trên sân khấu ca nhạc hiện nay, kể cả chuyên nghiệp hay không chuyên. Ở sân khấu ca nhạc không chuyên, nếu không có tiết mục múa độc lập thì cũng luôn có những hình thức múa minh họa trong các tiết mục hát để tăng thêm phần sinh động trên sân khấu. Người dàn dựng dù đạt hay chưa đạt về mặt nghệ thuật múa, nhưng luôn có mục đích cố gắng thể hiện biểu đạt, minh họa theo nội dung của tiết mục; trong khi đó trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp lại đơn giản hơn nhiều: múa chỉ duy nhất tập trung vào mục đích "làm nền trang trí" cho ca sĩ hát, từ đó dẫn đến cách múa giống nhau từ bài hát này qua bài hát khác - động tác, tổ hợp múa chỉ cần tạo hình "đẹp" và không cần có ý nghĩa.

Về dòng nhạc để thể hiện trong biểu diễn, ở chương trình ca nhạc không chuyên luôn bám sát các ca khúc truyền thống cách mạng, các ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, con người của các tác giả có tâm huyết và tuổi nghề trong âm nhạc. Trong khi đó phải thừa nhận là chương trình ca nhạc chuyên nghiệp chiếm đa phần là ca khúc của các "nhạc sĩ trẻ" với chủ đề na ná giống nhau từ bài này qua bài khác: con tim "đau" thường xuyên, nước mắt khi tan vỡ, sự thách thức và đối phó với "đối phương" khi yêu… Có những ca sĩ "ngôi sao" mới xuất hiện vài tháng là đã có ca khúc do chính mình sáng tác (?).

Không gian biểu diễn của hai loại hình khác nhau, dẫn đến khán giả cũng khác nhau. Nếu ở ca nhạc không chuyên luôn biểu diễn phục vụ miễn phí cho đại biểu và nhân dân, thì khán giả đến xem ca nhạc chuyên nghiệp phải mua vé (đây là điều dĩ nhiên, không tính là vé mua sẵn và hoa tặng dành cho những "fan" vào ủng hộ một ca sĩ "sao" nào đó!). Từ đó dẫn đến mức thu nhập của hai bên trở thành một sự chênh lệch quá lớn: ca nhạc không chuyên sống bằng nguồn kinh phí của cơ quan, địa phương với mức bồi dưỡng chỉ tượng trưng tiền nước uống cho diễn viên, nếu có lãnh được hạng giải nào trong một cuộc Hội diễn cũng không lấy thu đủ cho bù chi, chỉ có giá trị danh dự về tinh thần; trong khi đó tiền bán vé của ca nhạc chuyên nghiệp rất cao, nhất là của các Sao. Điều này cũng dẫn đến suy nghĩ của những người có năng khiếu ca hát chọn con đường tiến thân nhanh nhất: đi diễn "show" từ nhỏ rồi lớn, sự nỗ lực năng khiếu bản thân cộng với cơ hội may mắn được công chúng biết đến nếu có được sự "lăng xê" kịp thời của các bầu gánh, vừa có danh vừa có thu nhập cao, có cần gì phải đi học nhạc viện (?). Trong khi một người học tập và lao động nghệ thuật nghiêm túc ở nhạc viện, khi tốt nghiệp nếu không chịu hát những ca khúc "hot" theo ý bầu gánh, thì chỉ có một con đường đi làm thầy dạy thanh nhạc, trong đó có những người học trò đang theo học ngắn ngày với mình lại có thu nhập gấp trăm lần thầy dạy bằng nghề đi hát "show" - một điều phi lý nhưng có thực đang tồn tại trên lĩnh vực âm nhạc hiện nay.

Sau cùng là sự quản lý nội dung biểu diễn hiện nay của hai loại hình cũng khác nhau: nếu chương trình ca nhạc không chuyên ít nhất phải qua 02 lần duyệt của tổ chức cơ quan, địa phương (một lần duyệt biên tập chương trình trên văn bản và một lần duyệt diễn báo cáo sau khi dàn dựng xong) thì ca nhạc chuyên nghiệp chỉ qua một lần duyệt trên mặt văn bản, nếu có giấy phép công diễn của một Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành và chương trình có ca khúc không nằm trong danh mục cấm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đã được cấp văn bản đồng ý biểu diễn nghệ thuậ trên địa bàn. Nói một cách khác là thực tế việc quản lý cho phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp dễ dàng hơn ca nhạc không chuyên. Điều này đưa đến một sự khác biệt trong nội dung chương trình biểu diễn: nếu các chương trình ca nhạc không chuyên luôn bám sát tư tưởng, hơi thở, nhịp sống của đất nước thì các chương trình ca nhạc chuyên nghiệp "bình chân như vại" với các bài hát: yêu, yêu nữa, yêu mãi… mà công chúng nghe riết rồi phải bội thực vì một chủ đề nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán.

Sự khác biệt qua thực tế biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp và không chuyên hiện nay là như vậy, những câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để những tác phẩm, những ca sĩ có thực tài và tâm huyết nghề nghiệp có điều kiện đến với đông đảo công chúng và có thể sống bằng thu nhập chính từ lao động nghệ thuật của mình? Làm thế nào để đảm bảo các bạn trẻ yêu ca nhạc hiện nay cảm nhận, hiểu và biết phân biệt đẳng cấp nghệ thuật của các tác phẩm và các ca sĩ? Làm thế nào để sự đồng thuận cổ vũ của một số khán giả hiện nay xuất phát từ trình độ cảm thụ nghệ thuật chứ không phải là một sự hâm mộ "ảo" của một "fan" đối với một ca sĩ "ngôi sao" - một ảo giác dễ bị lây lan bởi công nghệ lăng xê quá sự thật rất nhiều nơi hiện nay? Đó là những câu hỏi mà câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ ở phía trước./.

Người viết: Lê Hoàng Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây