Cần “nâng cấp” xếp hạng di tích cấp quốc gia Chùa Phước Lưu - Thị trấn Trảng Bàng - Tây Ninh

Thứ tư - 20/07/2016 23:00 132 0

Cần “nâng cấp” xếp hạng di tích cấp quốc gia Chùa Phước Lưu - Thị trấn Trảng Bàng - Tây Ninh

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tây Ninh đã tiến hành khảo sát thực tế Chùa Phước Lưu – Thị trấn Trảng Bàng để tham mưu “nâng cấp” xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lên thành di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo đề nghị của phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Trảng Bàng

Chùa Phước Lưu tọa lạc tại khu phố Lộc Du, thị trấn huyện Trảng Bàng, nằm sát quốc lộ 22B tại cây số 50 từ thành phố Hồ Chí Minh đi về hướng thành phố Tây Ninh. Theo lý lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phước Lưu, vào đầu thế kỷ XIX, Trảng Bàng là vùng đất được người Việt khai phá đầu tiên ở Tây Ninh. Người dân ở đây đã lập ra 3 ngôi đình cổ: Đình An Tịnh, Đình Gia Lộc, Đình An Hòa và hàng chục ngôi chùa cổ, trong đó có Chùa Phước Lưu.

Chùa Phước Lưu vốn có nguồn gốc từ am Bà Đồng, được thành lập vào cuối thế kỷ XIX. Năm 1900, Tổ Trừng Lực – Diệu Thông đã kiến tạo thành ngôi chùa lấy tên là “Phước Lưu”. Chùa có mặt bằng theo kiểu chữ Nhị (), gồm hai lớp nhà dạng tứ trụ nối tiếp nhau, bộ khung gồm 32 cây cột bằng danh mộc kê trên đá, chống đỡ hệ thống vì kèo, xà đòn, rui mè bằng gỗ. Đây chính là nét kiến trúc nổi bậc nhất của chùa Phước Lưu và là kiến thức đặc trưng cho đình chùa truyền thống Nam bộ.

Cùng với giá trị về kiến trúc, chùa Phước Lưu hiện còn bảo lưu hệ thống tượng thờ khá đầy đủ về loại hình và phong phú về chất liệu: các tượng gỗ có bộ La Hán, bộ Quan Thánh có từ thời am Bà Đồng mang đậm nét tạo hình dân gian; tượng gốm có bộ Di Đà Tam Tôn, Thập điện Diêm Vương, Bồ Đề Đạt Ma và Giám Trai do lò Bửu Nguyên của người Hoa ở Chợ lớn tạo tác năm Ất Tỵ (1905), thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa.

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị nghệ thuật như: 15 bộ bao lam được chạm trổ nhiều đề tài phong phú, 17 bức hoành phi, 22 câu đối, trong đó có 14 câu được chạm khắc chữ Hán trực tiếp trên thân cột rất mỹ thuật, đại hồng chung bằng đồng niên đại năm Tân Tỵ (1881), 10 bài vị gỗ của chư vị tổ sư tiền bối, một số đồ thờ, đồ nội thất cổ (trường kỷ, bàn thờ khảm trai, bình hoa, đôn, chậu trang trí), hàng trăm quyển kinh luật Hán Nôm … có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Tất cả những hiện vật này đều là cổ vật gắn liền với di tích chùa Phước Lưu, thể hiện nét văn hóa Phật giáo ở vùng đất Trảng Bàng. Hiện nay, chùa Phước Lưu đã trải qua 7 đời truyền thừa và được xem là ngôi tổ đình của thiền phái Lâm Tế dòng Liễu Quán ở khu vực Trảng Bàng.

Với những giá trị đó, chừa Phước Lưu – Trảng Bàng đã được các ngành chức năng lập hồ sơ khoa học và ngày 11/8/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 180/QĐ-CT công nhận chùa Phước Lưu – Trảng Bàng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình quản lý di tích, nhận thấy giá trị kiến trúc nghệ thuật của chùa Phước Lưu có phần nổi bậc so với các ngôi cổ tự khác, vì trong 135 ngôi tự viện trong toàn tỉnh Tây Ninh thì chùa Phước Lưu là ngôi chùa duy nhất còn giữ nguyên kiểu thức cột, kèo gỗ truyền thống cùng với những cổ vật gắn với di tích được giữ gìn chu đáo, bài trí hài hòa phản ánh rõ nét văn hóa Phật giáo ở vùng đất Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh nói chung.

Điểm qua các giá trị kiến trúc, hiện vật hiện có cho thấy Chùa Phước Lưu – Trảng Bàng là một công trình kiến trúc Phật giáo Đại Thừa, do người Việt từ vùng Ngũ Quãng di cư mở cõi về Phương Nam – Trảng Bàng từ cuối thế kỷ XVIII. Việc bài trí cúng lễ ở Chùa Phước Lưu đã góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa phật giáo Đại Thừa và mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Phước Lưu cổ tự được nhân dân trong vùng chung tay xây dựng bề thế, kiến trúc hài hòa, các khảm thờ bên trong được chạm trổ công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, nhiều bức hoành phi đại tự, câu đối chạm khắc tinh xảo. Tất cả đã làm nên giá trị nghệ thuật – kiến trúc cổ của ngôi chùa Phước Lưu đã và đang được các thế hệ phật tử chiêm ngưỡng và bái vọng. Có thể nói Phước Lưu cổ tự - Trảng Bàng là một trong những ngôi chùa cổ ở Tây Ninh vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị văn hóa đậm nét người Việt cổ; tạo nên sự huyền diệu nơi cửa phật, giúp tâm linh phật tử khi đến Chùa được thanh thoát nhẹ nhàng và luôn hướng thiện.

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Sở VHTTDL, đại diện chùa Phước Lưu, Sư trụ trì Thích Thiện Chánh đề nghị: “Chùa Phước Lưu được xây dụng vào khoảng thế kỷ XIX, đây là ngôi chùa được xây dựng bề thế, hài hòa với không gian, bền chắc bởi các hàng cột gỗ (lim), có trên 10 câu đối, trong đó có 2 cặp được tạc thẳng vào cột và sơn son thiếp vàng, nhiều họa tiết trang trí công phu. Theo nguyện vọng của chùa Phước Lưu và bá tánh muốn được nâng cấp lên thành di tích cấp quốc gia, để có điều kiện bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích”. Đại diện UBND Thị trấn Trảng Bàng và Phòng VH&TT huyện Trảng Bàng cũng đề nghị: “Theo nguyện vọng của chùa Phước Lưu và nhân dân địa phương, cùng với những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc để xác định các tiêu chí xếp hạng di tích cấp quốc gia phòng VH&TT huyện Trảng Bàng và UBND Thị trấn Trảng Bàng đề nghị Sở VHTTDL xem xét nâng cấp di tích chùa Phước Lưu – Trảng Bàng từ di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lên cấp quốc gia”.

Đoàn khảo sát của Sở VHTTDL đã khẳng định những giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa của Chùa Phước Lưu – Trảng Bàng; đồng thời căn cứ các tiêu chí xếp hạng di tích cấp quốc gia được quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009; Đoàn sẽ có báo cáo với Lãnh đạo Sở VHTTDL và lập hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét xếp hạng di tích Chùa Phước Lưu là di tích cấp quốc gia theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, để có điều kiện tốt hơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích./.

        Người viết:  V.H.M

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây