Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 - 2016)

Thứ tư - 20/07/2016 23:00 165 0

Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 - 2016)

Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực tự cường; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn và trân trọng với những thành quả dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; đặc biệt là những chiến công vang dội của quân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; nâng cao lòng tự hào của nhân dân về vùng đất Tây Ninh, hình thành và phát triển 180 năm qua, dù bao nhiêu biến đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng vùng đất biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn mãi mãi “xanh tươi, an ninh và trù mật” như ông cha ta từ nhiều thế kỷ qua đã từng kỳ vọng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 11 tháng 01 năm 2012, Tỉnh ủy phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT TÂY NINH”. Tham gia Hội thảo có 32 nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, lịch sử trong nước, với 26 bài tham gia hội thảo; qua các tài liệu minh chứng đã khẳng định. Lịch sử khai phá vùng đất Tây Ninh, người xưa đã để lại trong lòng đất nhiều di chỉ khảo cổ quý giá, đa dạng, phong phú, kéo dài trong quá trình lịch sử, từ thời tiền sử có niên đại cách ngày nay trên dưới 3.000 năm, đến các thời kỳ lịch sử thuộc văn hóa Óc eo, hậu Óc eo về sau này.

Giữa thế kỷ XVII, Tây Ninh còn là vùng đất hoang vu rừng rậm và nhiều thú dữ. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai bên đánh nhau gần nửa thế kỷ (1627- 1672), làm cho đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Nhiều người phải bỏ làng quê đến các vùng rừng núi hoang vu để khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống, xa lánh mọi bất công của xã hội đương thời. Năm 1658, nhiều người Việt đã đến vùng đất Tây Ninh xưa khai hoang lập ấp. Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cữ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam ổn định tình hình và thiết lập bộ máy hành chính các cấp. Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Nông Nại thành phủ Gia Định phân làm hai huyện: Phước Long trên đất Đồng Nai, có lỵ sở là dinh Trấn Biên; Tân Bình trên đất Sài Gòn, có lỵ sở là dinh Phiên Trấn. Đất Tây Ninh thuở ấy thuộc hai đạo Quang Phong và Quang Hóa về huyện Phước Long. Năm 1779, hai đạo Quang Phong và Quang Hóa thuộc huyện Tân Bình. Theo sử liệu hiện có, các làng trên đất Tây Ninh lần lượt được hình thành từ thế kỷ thứ XIX. Năm 1809 lập làng Bình Tịnh thôn (An Tịnh ngày nay). Năm 1818 lập làng Phước Lộc thôn (nay là Gia Lộc). Năm 1844 thành lập các làng Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận. Sau năm 1844 thành lập các làng Long Đình (sau này là Long Thành), Thái Đình (nay là Hiệp Ninh), Long Thới, Thái Bình, Thái Hiệp (Theo lược sử Tây Ninh). Năm 1832, vua Minh Mạng tổ chức hành chính lại Gia định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh và Tây Ninh thuở ấy thuộc Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, gồm hai phủ Tân Bình và Tân An. Đến năm 1836, đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định và lập thêm phủ mới là phủ Tây Ninh, phủ Tây Ninh lúc bấy giờ gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa. Sự kiện năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836) được khá nhiều tác giả đề cập đến và trích dẫn sách Đại Nam nhất thống chí, rằng: “Phủ Tây Ninh nguyên trước là đạo Quang Phong, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) mới đặt tên phủ hiện nay, kiêm lý huyện Tân Ninh và thống hạt huyện Quang Hóa”. Như vậy, vùng đất Tây Ninh đã có rất lâu và tên gọi Tây Ninh chính thức xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính cấp phủ thuộc tỉnh Gia Định vào năm Minh Mạng thứ 17, 1836. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ năm 2013 Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản xin ý kiến các Bộ ngành Trung ương có liên quan về việc chọn ngày đánh dấu móc thời gian hình thành đơn vị hành chính Tây Ninh. Căn cứ ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội Vụ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương thống nhất thời gian ra đời vùng đất Tây Ninh là mùa thu năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17; đồng thời chọn thời điểm tổ chức Kỷ niệm 180 năm hình thành đơn vị hành chính Tây Ninh vào tháng 9/2016. Căn cứ ý kiến của Bộ ngành, Trung ương, Tỉnh ủy chọn ngày 09 tháng 9 năm 2016 là ngày tổ chức Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển (ngày 09/9/1836 tương ứng với ngày 29/7 Âl năm Bính Thân (mùa thu năm 1836); ngày 09 tháng 9 là ngày và tháng trùng nhau, vì vậy nhân dân dễ thuộc, dễ nhớ). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án Kỷ niệm Tây Ninh -180 năm hình thành và phát triển (Ban hành kèm theo Quyết định số 1613/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh). Đề án được xây dựng với mục đích hệ thống các sự kiện lịch sử, cụ thể hóa thành các chương trình hoạt động kỷ niệm, để ôn lại truyền thống đầy tự hào của ông cha trong suốt chiều dài lịch sử 180 năm hình thành và phát triển. Để thực hiện Đề án đạt kết quả, UBND tỉnh đã thành lập Ban Tổ chức và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Đến ngày 30/6/2016 Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm đã triển khai tất cả các hoạt động, trong đó có một số chương trình đã hoàn thành, gồm: Một là: Viếng nghĩa trang và Khánh thành Tháp chuông, khai chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82) và viếng nghĩa trang Liệt sĩ Trà Võ. Hai là: Lễ Khai mạc Hội xuân Núi Bà Tây Ninh năm 2016. Chương trình tổ chức lúc 19 giờ ngày 11/02/2016 (nhằm ngày mùng 4 tết); tại Khu Di tích LSVHDT Núi Bà Tây Ninh. Chương trình khai mạc hoành tráng, trang trọng đã mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển đầy ấn tượng. Ba là: Lễ kỷ niệm 70 năm Hội thề rừng Rong (1946 – 2016). Chương trình tổ chức ngày 14/02/2016 (nhằm ngày mùng 7 tết Âl), tại Di tích lịch sử căn cứ thanh niên Cách mạng Rừng Rong; với sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài tỉnh tham dự. Qua chương trình giáo dục truyền thống anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; tôn vinh, tưởng nhớ các thế hệ đi trước sẳn sàng hy sinh vì độc lập – tự do cho Tổ quốc. Bốn là: Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng nghề Bánh tráng phơi sương Trảng bàng. Lễ hội tổ chức từ ngày 06/04/2016 đến ngày 12/04/2016, tại Sân Vận động huyện Trảng Bàng; các chương trình hoạt động thu hút khoản 85.000 người tham quan; chương trình đã thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng, tạo không khí phấn khởi, vui tươi, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về nghề truyền thống bánh tráng phơi sương Trảng Bàng – di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; cổ vũ, động viên người làm bánh tráng tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn quan trọng, có sức lan tỏa nhanh trong xã hội góp phần tuyên truyền kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Năm là: Lễ hội dân gian, 190 năm ngày giỗ ông cả Đặng Văn Trước. Được tổ chức từ ngày mùng 5, 6/3 Âl năm Bính Thân 2016 (nhằm ngày 10,11/4/2016);  địa điểm tại DT Đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước, đón khoản gần 1.000 khách (trong và ngoài tỉnh) tham dự để tưởng nhớ, tri ân công đức ông Cả người có công mở đất, lập làng làm nên ao sâu, ruộng mật để có Tây Ninh trù phú như hôm nay. Sáu là: Cuộc thi tìm hiểu“Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển”. Cuộc thi tìm hiểu “Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển” lồng ghép  kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên mạng Internet tại Website:WWW.tinhdoantayninh.org.vn. Cuộc thi được triển khai từ 22/2 đến 17/5/2016 (12 tuần). Kết quả, có 15.911 người tham gia dự thi và Ban Tổ chức cuộc thi đã xét trao giải tuần, gồm:12 giải I, 12 giải II, 12 giải III. Bảy là: các hoạt động giáo dục truyền thống. Đã triển khai cấp huyện, thành đoàn tổ chức 06 cuộc thi tìm hiểu về 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển, lịch sử, truyền thống; 01 chương trình về nguồn; thực hiện 02 công trình, phần việc thanh niên (sưu tầm hình ảnh về Tây Ninh với chủ đề “Dấu ấn Tây Ninh”, 02 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng trị giá 380 triệu đồng). Cấp cơ sở tổ chức 683 cuộc hành quân về nguồn, thi tìm hiểu về truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương với 48.104 lượt người dự. Tại các Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng dân gian (Đình, dinh, miếu...); lồng ghép tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân vào nội dung kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Tám là Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ , thể dục, thể thao chào mừng; trong đó Tổ chức Giải Vovinam toàn quốc, có 30 đoàn và 490 vận động viên tham gia. Nhìn chung, trong 06 tháng đầu năm, các hoạt động tổ chức đảm bảo tiến độ thời gian, an toàn, đạt yêu cầu BTC đề ra; đã góp phần giới thiệu hình ảnh, nét độc đáo Tây Ninh với cả nước. Đồng thời,  qua đó đã tạo không khí phấn khởi, vui tươi, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân về lịch sử 180 năm hình thành và phát triển của tỉnh nhà. Tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động của đề án, phát huy kết quả đạt được, từ đây đến tháng 9 năm 2016; Tây Ninh sẽ tổ chức nhiều chương trình chào mừng với các hình thức phong phú khác nhau. Trước mắt trong tháng 7 năm 2016, dự kiến Tây Ninh sẽ phát hành đến cơ sở Kỷ yếu, tài liệu hỏi đáp Tây Ninh – 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Trong tháng 8, tháng 9 năm 2016 Tây Ninh tổ chức nhiều chương trình chào mừng: Ra mắt các tập phim đầu tiên trong số 7 tập phim Tây Ninh – 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển (Phủ Tây Ninh, Ánh sáng soi đường, Lên ngàn, Hành trình giải phóng...); Tổng kết cuộc thi và trao giải thưởng Xuân Hồng đợt 2 (dự kiến 36 giải thưởng với 6 thể loại được trao lần này gồm: Sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học: truyện ký, văn xuôi và thơ); Lễ Tuyên dương Công dân trẻ Tây Ninh tiêu biểu; Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công Nông Binh; giải bóng đá U 17 toàn quốc, giải vô địch bóng đá nhi đồng, giải Đua xe đạp, giải Quần vợt; trưng bày, triển lãm hình ảnh tại 2 điểm (Công viên 30/4 với hơn 230 hình ảnh và hiện vật và Hội trường Tỉnh ủy với gần 70 hình ảnh và hiện vật); phát hành các ấn phẩm tuyên truyền... Tổ chức khánh thành 02 công trình chào mừng: Khánh thành Cổng chào Tây Ninh tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Cầu Bến Đình. Đặc biệt trong ngày 9 tháng 9 năm 2016, buổi sáng tại Hội trường Tỉnh ủy, tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển; buổi tối chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tây Ninh 180 năm- Tình đất tình người” và bắn pháo hoa tầm thấp; cả hai chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và các Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh trong khu vực. Dự kiến các chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh.        

Người viết: Nguyễn Thị Kim Phụng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây