Kỷ niệm 180 năm – Tây ninh hình thành và phát triển: “Mạch ngầm Di sản Văn hóa Tây ninh”

Thứ ba - 23/08/2016 23:00 126 0

Kỷ niệm 180 năm – Tây ninh hình thành và phát triển: “Mạch ngầm Di sản Văn hóa Tây ninh”

Ngày 09 tháng 9 năm 2016, Tây Ninh sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển; Tuy nhiên công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh đã diễn ra cách đây hơn 300 năm, từ thế kỷ XVII; khi đó lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng – Đàng trong lần lượt vào vùng Đồng Nai – Gia Định khai hoang, lập ấp. Công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh diễn ra hiệu quả nhất từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Và năm Mậu Dần (1698) khi phủ Gia Định được thành lập, gồm 2 huyện: Phước Long và Tân Bình; vùng đất Tây Ninh khi đó thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định.



Ảnh: Logo 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển

Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 – 2016) chúng ta không thể nào không nhắc đến công lao to lớn của cha ông ta, các bậc tiền nhân đã dày công mở cõi, xây đắp và hình thành nên một Tây Ninh ngày nay. Đó là những di sản văn hóa một thời khai phá với những chứng tích đầy ắp niềm tự hào của người dân Tây Ninh hiện còn lưu giữ. Có thể nói có một “mạch ngầm di sản văn hóa” đồ sộ đã và đang chảy xiết cùng với 180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển; ngày nay chúng ta phải ý thức và hành động để bảo tồn tài sản vô giá ấy. Đó là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang hiện hữu trên mãnh đất Tây Ninh giàu truyền thống anh hùng cách mạng vẽ vang trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Trước hết chúng ta xin khơi dậy “mạch ngầm di sản văn hóa vật thể”. Hiện nay Tây Ninh là một trong số ít tỉnh thành phía Nam của tổ quốc có số lượng di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng khá đồ sộ, với 86 di tích đã được xếp hạng (nhiều gấp đôi, gấp rưỡi một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ); trong đó có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt do Chính phủ xếp hạng và công nhận, đó là di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; 25 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xếp hạng và công nhận và 60 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng và công nhận. Ngoài ra Tây Ninh còn có hơn 500 di tích lịch sử - văn hóa khác nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh do Sở VHTTDL phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm kê khoanh vùng bảo vệ chưa được xếp hạng. Chưa kể các địa điểm có đầy đủ các tiêu chí là “di tích lịch sử” nhưng chưa được kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ. Công tác kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ tất cả các di tích, các địa điểm lịch sử văn hóa – cách mạng sẽ được Sở VHTTDL tiến hành bổ sung hàng năm và sẽ đề nghị UBND tỉnh bổ sung vào danh mục kiểm kê định kỳ 5 năm theo quy định. Hằng năm Sở VHTTDL sẽ lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng bổ sung từ 3 đến 5 di tích.

Điểm qua số lượng di sản văn hóa vật thể (di tích) ở Tây Ninh để thấy rằng đó là “mạch ngầm di sản văn hóa” rất to lớn và quý giá của tỉnh nhà. Trong những năm qua UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác trùng tu tôn tạo với hàng trăm tỷ đồng để tu bổ di tích. Riêng chương trình “mục tiêu quốc gia” giai đoạn 2011 – 2015 đã chi trên 50 tỷ đồng để tu bổ tôn tạo chống xuống cấp các di tích quốc gia tiêu biểu của tỉnh (di tích Trung ương Cục miền Nam, di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai, di tích Khám đường Tây Ninh, tượng đài chiến thắng Junction City, địa đạo An Thới, địa đạo Lợi Thuận, Căn cứ Huyện ủy Dương Minh Châu, Đình Thái Bình, Đình Hiệp Ninh, Tháp cổ Bình Thạnh, Tháp cổ Chót Mạt v.v…). Tuy nhiên còn khá nhiều di tích lịch sử văn hóa hàng trăm tuổi đã và đang xuống cấp trầm trọng: di tích cách mạng Rừng Rong – Trảng Bàng, di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy Dương Minh Châu địa điểm có yếu tố gốc của di tích, Đình Trung, Đình Cẩm An Gò Dầu, Đình Phước Hội – Dương Minh Châu, Đình Long Thành – Hòa Thành và hầu hết các đình, chùa cổ ở các huyện, thành phố đều đã xuống cấp, rất cần sự chung tay của xã hội và chính quyền địa phương đang quản lý trực tiếp.

Về di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh, di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh luôn gắn chặt với Di sản văn hóa vật thể, vì các di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống hàng năm ở Tây Ninh: Lễ kỳ yên và các lễ hội tính ngưỡng dân gian khác của 22 dân tộc anh, em đang sinh sống trên địa bàn Tây Ninh. Nguồn di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh cũng vô cùng phong phú. Thực hiện tinh thần Thông tư 04 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, 5 năm qua Sở VHTT&DL đã tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia như: “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” trên địa bàn Tây Ninh; “Múa trống Chhay-dăm” của dân tộc Khmer xã Trường Tây - Hòa Thành; “Lễ Hội kỳ Yên đình Gia Lộc”, “Bánh tráng phơi sương” huyện Trảng Bàng. Riêng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ ở Tây Ninh đã được UNESCO công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đại diện của nhân loại. Ngoài ra Sở VHTT&DL cũng đã tiến hành kiểm kê và đang trình Bộ VHTT&DL các hồ sơ đề nghị công nhận để đưa vào danh mục di sản văn hóa văn hóa quốc gia như: “Lễ hội dân gian núi Bà Đen”, “Hát lý dân ca Tây Ninh”; đồng thời xúc tiến kiểm kê bảo tồn toàn bộ các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh như: Tiếng nói chữ viết các dân tộc Chăm, Khmer, Tà Mun v.v..; Nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán các dân tộc, lễ hội truyền thống và ngành nghề thủ công truyền thống … Hiện tại Sở VHTT&DL đang tập trung kiểm kê bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, Khmer, Tà Mun đang có nguy cơ mai một vì các dân tộc ít người đang sinh sống xen kẻ với cộng đồng người kinh. Đặc biệt tộc người Tà Mun có nguyện vọng rất thiết tha và chính đáng được nhà nước công nhận tộc danh của mình. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về “Xác định nguồn gốc, thành dân tộc người Tà Mun ở Tây Ninh” do Sở VHTT&DL thực hiện cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt công nhận tháng 11/2014 trên cơ sở nghiệm thu của Hội đồng khoa học cấp tỉnh.

Tây Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch – một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú và đa dạng. Ngoài các địa điểm di lịch nổi tiếng như Lòng hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hai cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát còn có 86 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Nổi bậc là quần thể di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam; đây là những điểm đến lý tưởng luôn gắn với việc phát triển du lịch. Tuy nhiên “mạch ngầm di sản văn hóa” ở Tây Ninh chưa được quan tâm tốt nhất khơi dậy mạnh mẽ dòng chảy của di sản văn hóa và như thế cũng đồng nghĩa với du lịch Tây Ninh chưa thật sự phát triển.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 – khóa VIII  về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước, có nêu “… Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống … bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa văn hóa với phát triển du lịch…”. Như vậy “mạch nguồn di sản văn hóa ở Tây Ninh” được khơi nguồn đúng mức và đầy đủ sẽ là động lực to lớn cho sự phát triển du lịch và đồng thời chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Do đó để khai thông dòng chảy “mạch nguồn di sản văn hóa”, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) ở địa phương theo tinh thần Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND, UBND tỉnh ban hành tháng 7 năm 2016 về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh./.   

Người viết: Võ Hòa Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây