Vài nét về căn cứ lịch sử Cách mạng xã Chà Là

Thứ bảy - 18/06/2016 00:00 845 0

Vài nét về căn cứ lịch sử Cách mạng xã Chà Là

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tây Ninh đã tổ chức Đoàn khảo sát “Địa điểm căn cứ truyền thống cách mạng – xã Chà Là” thuộc ấp Láng xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.


ảnh minh họa


Theo tài liệu lịch sử “Truyền thống cách mạng xã Chà Là (1945-1975) của Ban chấp hành Đảng bộ xã Chà Là do Ban Thường vụ Huyện ủy Dương Minh Châu chịu trách nhiệm về nội dung và ấn hành năm 2010, toàn bộ Địa điểm căn cứ truyền thống cách mạng xã Chà Là có diện tích là 22.351.200 m2; trong đó có trên 12.000 m2 là diện tích rừng tự nhiên đã được Đảng bộ và nhân dân xã Chà Là bảo vệ từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 đến nay.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, xóm Chà Là đón nhận những cư dân từ Trảng Bàng, Thái Mỹ - Củ chỉ về đây định cư, rồi khai hoang lập ấp. Xóm Chà Là giáp với các địa danh Trà Giồng, Sân cu (thuộc xã Long Thành Bắc – Hòa Thành ngày nay), rồi các xóm Bàu Đưng, Bàu Tre, Xóm Láng, Phước Hiệp lần lược được hình thành. Đến những năm đầu thập niên 30, người Pháp đến đây lập đồn điền cao su, từ đó hình thành xóm truông Bình Linh – ngày nay là ấp Bình Linh thuộc xã Chà Là. Vùng đất Chà Là lúc đó phần lớn là rừng rậm, hoang vu; đặc biệt ở đây có loại cây Chà Là mọc tự nhiên rất nhiều nên cư dân địa phương đặt tên xóm là xóm Chà Là. Và hôm nay xã Chà Là thuộc huyện Dương Minh Châu, nằm cách thị trấn huyện chừng hơn 10 km về hướng Đông Bắc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Chà Là là vùng ven tiếp giáp căn cứ địa cách mạng Dương Minh Châu, là nơi tập trung đánh phá ác liệt của địch; tính chất ác liệt của bom đạn chiến tranh đã cày nát mãnh đất Chà Là;  tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân – dân xã Chà Là đã kiên cường bám trụ; chịu đựng mọi khó khăn gian khổ giành giật từng tấc đất với kẻ thù xâm lược và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương – Chà Là, góp phần cùng với cả nước làm nên chiến công vang dội ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quân – dân xã Chà Là tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới; khắc phụ hậu quả chiến tranh; khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện cuộc sống đổi mới cùng với huyện nhà xây dựng Chà Là ngày càng tươi đẹp; quân - dân xã Chà Là không quên chung tay bảo vệ, giữ gìn “Địa điểm căn cứ cách mạng Rừng lịch sử Chà Là” nhằm phát huy giá trị truyền thống như một cái nôi cách mạng kiên trung của các thế hệ cha, anh đi trước cho lớp trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ.

Ông Lê Văn Khắng, một cựu chiến binh xã Chà Là cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu rừng lịch sử Chà Là hiện nay là nơi che chở mọi hoạt động của Chi bộ B12H, xã đội xã Chà Là và nhiều đơn vị bộ đội khác; sau đó sáp nhập lại thành đơn vị chiến đấu của xã gọi là C20. Năm 1965, Chà Là còn là nơi trú đóng của đơn vị hậu cần 82. Mong mỏi của người dân Chà Là là được nhìn nhận nơi này là di tích lịch sử cách mạng của huyện”.

Ông Lê Văn Hồng là du kích xã Chà Là những năm 1970, sau đó là Chi ủy viên, thư ký UBND xã Chà Là; nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Dương Minh Châu: “Căn cứ lịch sử cách mạng Rừng lịch sử Chà Là đã góp nhiều chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến cứu nước; ngày nay nhân dân xã Chà Là rất mong muốn cơ quan chức năng tỉnh xếp hạng di tích căn cứ cách mạng Rừng lịch sử Chà Là để có điều kiện trùng tu, tôn tạo giữ gìn truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau”.

Trao đổi với Đoàn khảo sát ông Nguyễn Tấn Sang – Chủ tịch UBND xã Chà Là cho biết: “với ý nghĩa và giá trị lịch sử của Địa điểm căn cứ lịch sử cách mạng Rừng lịch sử Chà Là, trong nhiều năm qua, xã đã vận động nhân dân địa phương chung tay mở rộng và bảo vệ diện tích tự nhiên của khu rừng từ 12.000 m2 lên trên 22.000 m2. Nguyện vọng của địa phương và nhân dân xã Chà Là là Địa điểm căn cứ cách mạng Rừng lịch sử Chà Là sớm được xếp hạng di tích lịch sử để có điều kiện tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống của di tích”.

Căn cứ tài liệu “Lịch sử truyền thống Chà Là” và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn khảo sát của Sở VHTTDL đã thống nhất: “Căn cứ lịch sử cách mạng xã Chà Là Địa điểm gắn với sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương, hoàn toàn hội đủ các tiêu chí đề nghị xếp hạng là di tích cấp tỉnh được quy định tại khoản 9, điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đồi, bổ sung năm 2009”. Sở VHTTDL đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét xếp hạng di tích cấp tỉnh “Địa điểm căn cứ cách mạng xã Chà Là – huyện Dương Minh Châu”.

Người viết: Võ Hòa Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây