Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo được quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ

Thứ ba - 06/04/2021 16:00 311 0

Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo được quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ

Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Theo đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Hinh anh QC.jpg

Hình quảng cáo sai quy định tại thành phố Tây Ninh

Một nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định này:

* Đối với lĩnh vực văn hóa

- Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày. Trường hợp tổ chức vi phạm hành vi trên sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng.

- Phạt từ 15-20 triệu đồng (nếu tổ chức kinh doanh sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng) khi vi phạm một trong các hành vi sau:

+ Kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm diện tích theo quy định.

+ Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke.

+ Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke.

+ Không bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình (hay hình thức tương tự) hoặc với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong phòng hát karaoke.

+ Không điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke khi thay đổi về số lượng phòng hoặc thay đổi chủ sở hữu.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (nếu tổ chức kinh doanh sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng) đối với một trong các hành vi sau đây:

 Thực hiện không đúng thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật.

* Đối với hoạt động quảng cáo:

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Một là, không thông báo theo quy định về tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Hai là, không báo cáo theo quy định về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Ba là, quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Các đối tượng vi phạm quy định nêu trên buộc phải tháo gỡ quảng cáo đối với hành vi vi phạm. Đây là một trong những quy định đáng lưu ý đối với báo điện tử và trang thông tin điện tử.

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng (nếu tổ chức kinh doanh sẽ bị xử phạt từ 100-140 triệu đồng) đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thuốc lá; Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo; Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.

- Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định; Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

Đối tượng vi phạm sẽ bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi nêu trên.

Xem chi tiết tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

* Kể từ ngày Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các văn bản và quy định sau đây hết hiệu lực thi hành:

- Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa:

- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

- Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

- Khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

                                                                                         THANH TRA SỞ


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây